Dư luận những ngày qua rúng động với vụ án nữ 9X chết vì hơn 30 nhánh tỏi. Theo điều tra sơ bộ, thủ phạm được cho là Châu Việt Cường. Do ảo giác dùng ma túy, Cường nghĩ cô gái 20 tuổi bị ma nhập nên nhét tỏi vào mồm và gây tử vong.
Điều đáng nói, Châu Việt Cường lại là một ca sĩ. Và chính vì đối tượng là ca sĩ, dư luận lại càng bức xúc, thậm chí phẫn nộ.
Châu Việt Cường được biết đến như một ca sĩ hội chợ, và gần như chưa từng được hát trên truyền hình hay sân khấu nhà hát đúng nghĩa. Dù vậy, giọng ca sinh năm 1978 cũng có ca khúc riêng và từng đăng tải MV trên mạng, có MV lên tới triệu lượt xem.
Trên mạng xã hội, nhiều người dẫu lên án hành vi và lối sống tha hóa của Châu Việt Cường, nhưng vẫn gọi Cường là "ca sĩ" hoặc "nghệ sĩ". Tuy nhiên, giới trong nghề lại khẳng định Châu Việt Cường không đủ tư cách để đứng vào đội ngũ nghệ sĩ, cả về mặt âm nhạc lẫn đạo đức.
"Ca sĩ cỏ với thứ âm nhạc không đẹp"
Trao đổi với phóng viên, nhạc sĩ - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết dù làm công tác nghiên cứu, từng có thời gian chấm thi ở các tỉnh và tìm hiểu về đời sống âm nhạc ở các tỉnh nhưng Châu Việt Cường chưa từng là cái tên được anh quan tâm.
"Thứ đáng chú ý nhất khi người ta nhắc về Châu Việt Cường đó là scandal. Dù bỏ qua phần giọng hát, ca khúc mà Châu Việt Cường thể hiện không phải quá tệ. Nhưng anh ta chọn lối sống như vậy, và hậu quả là gì thì mọi người rõ", nhà phê bình nhấn mạnh.
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long gọi Châu Việt Cường là ca sĩ cỏ, chủ yếu hát ở hội chợ. Nếu phải xếp thứ hạng trong showbiz, Châu Việt Cường có thể chỉ được xếp hạng bét.
"Có nhiều dạng hát lót, có người hát lót và không ai biết tên, có người hát lót ở một vị trí cao hơn. Châu Việt Cường có thể không phải ca sĩ hát lót mà là ngôi sao của các show hội chợ, tuyến tỉnh được một bộ phận khán giả biết đến. Trong đêm diễn hội chợ, ca sĩ như Châu Việt Cường cũng có thể là hát chính, nhưng đó thường chỉ là show hội chợ", nhà phê bình phân tích.
Theo nhà phê bình Nguyễn Quang Long, cần phân định giữa hát tỉnh và hội chợ, dù đối tượng khán giả chính đều ở nông thôn.
Có những show hát tỉnh được đầu tư rất công phu, mời ca sĩ nổi tiếng; còn với hội chợ, mục đích chính là kéo khán giả đến hội chợ chơi. Do vậy, nhạc giải trí, sôi động, ca từ dễ nghe được ưa chuộng.
Châu Việt Cường được xếp vào ca sĩ hội chợ. Thực tế, những ca sĩ như Châu Việt Cường khá đắt show vì hội chợ thường xuyên được tổ chức ở các tỉnh.
Và vì không có những ca sĩ nổi tiếng khác nên Châu Việt Cường vẫn là một trong cái tên được ưa chuộng ngay cả khi "âm nhạc không đẹp" và "không xuất sắc".
"Không đủ tư cách để gọi là nghệ sĩ"
Trong cuộc trao đổi với phóng viên, nhạc sĩ - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết có nhiều đoàn lô tô, hội chợ hoạt động rất bài bản. Và cũng có những ca sĩ hội chợ có đầu tư, chiến lược và làm nghề tử tế, nghiêm túc. Có ca sĩ thành công hiện nay cũng xuất thân từ hát hội chợ.
Nhưng sau vụ việc của Châu Việt Cường, và một số ca sĩ liên đới, rõ ràng có một bộ phận ca sĩ hội chợ có lối sống buông thả, rượu chè, ma túy. Theo nhà phê bình, những ca sĩ kiểu này không xứng đáng được gọi là "nghệ sĩ" và cũng chưa hoàn thành sứ mệnh nếu tự nhận là "ca sĩ".
"Ca sĩ, nghệ sĩ là phải làm đẹp cho cuộc đời. Nhưng việc làm của Châu Việt Cường là rất đáng lên án và cần phải kịch liệt phản đối. Chúng ta cũng không nên gọi người như vậy là nghệ sĩ vì vô hình chung làm xấu cả cả sự đẹp đẽ của danh xưng nghề nghiệp này", nhà phê bình nhấn mạnh.
Trước câu hỏi "Tại sao Châu Việt Cường dù âm nhạc không được đánh giá cao, lại từng vướng vào nhiều scandal nhưng vẫn có thể đi hát hội chợ suốt nhiều năm?", nhạc sĩ - nhà phê bình Nguyễn Quang Long cho rằng nhạc của Châu Việt Cường chủ yếu hướng đến đối tượng khán giả dễ tính, do vậy vẫn sống được.
"Ca khúc lạ, dễ dãi, là có người thích rồi. Tiêu chí để trở thành ca sĩ hội chợ dễ dàng hơn rất nhiều so với con đường học hành bài bản mà các ca sĩ chuyên nghiệp lựa chọn", nhà phê bình lý giải.
Về việc tại sao một số người trên mạng xã hội vẫn gọi Châu Việt Cường là "nghệ sĩ", anh Nguyễn Quang Long cho rằng khái niệm ở Việt Nam vẫn còn nhiều mập mờ, chưa rõ ràng.
Ngoài nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long, ca sĩ Hoàng Quyên cũng cho rằng danh xưng nghệ sĩ ở Việt Nam "không chuẩn". Nhiều ca sĩ giải trí, thậm chí không đạt được đến mức giải trí vẫn được gọi là "nghệ sĩ", đó là sự "tổn thương dành cho âm nhạc".
NSND Thanh Hoa ví von Châu Việt Cường, với hành động của mình là "con sâu bỏ rầu nồi canh", làm xấu hình ảnh ca sĩ. Giọng ca này cũng không xứng đáng để được là thành viên của những nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc.
"Cần có chính sách phát triển nghệ thuật nông thôn"
Là người nghiên cứu âm nhạc, nhạc sĩ - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long còn đặt dấu hỏi về việc "Chúng ta có đang thả nổi đời sống văn hóa - nghệ thuật ở các miền quê?".
Theo nhà phê bình, khán giả gần như không có gì xem, ngoài truyền hình. Đó là lý do, ngay cả những ca sĩ với "âm nhạc không thực sự đẹp" và lối sống không lành mành nhưng vẫn được đón nhận.
"Chúng ta có thể đổ lỗi cho dân trí thấp. Nhưng tôi nghĩ đó vẫn chỉ là một phần. Ngành giáo dục, ngành văn hóa cần kết hợp có chiến lược như nào đó để mặt bằng dân trí và đời sống văn hóa - nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc được nâng lên".
Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long khẳng định vấn đề này đến mức báo động vì có ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các khán giả đang đến độ tuổi trưởng thành.
"Nếu khán giả trẻ ở các tỉnh chỉ có cơ hội để nghe trực tiếp nhạc của những ca sĩ có vấn đề về đạo đức như Châu Việt Cường thì thực sự là rất nguy hiểm", nhà phê bình âm nhạc nhấn mạnh.
Video: Xử lý thế nào khi người thân bị "ngáo đá" giống Châu Việt Cường?
Bình luận