Hầu như tất cả các tờ báo lớn ở Anh cũng như ở châu Âu đồng loạt đưa tin đậm về sự kiện này. Giới truyền thông cũng như chính giới tại các nước châu Âu đặt câu hỏi tại sao một sự kiện đau lòng như thế lại tiếp tục diễn ra, mặc dù trong quá khứ thì đã có những sự việc tương tự.
Năm 2000, có tới 58 người Trung Quốc thiệt mạng trên 1 chiếc container vượt biên trái phép vào Anh và cách đây vài năm, một sự kiện tương tự diễn ra ở Áo.
Đây là vấn đề phức tạp vì đường dây buôn người tổ chức cực kỳ chặt chẽ và tinh vi. Do các nước châu Âu nằm trong khối Shengen và không có đường biên giới trên bộ nên việc kiểm soát biên giới giữa các nước châu Âu rất lỏng lẻo. Việc kiểm tra an ninh tại các cảng của các nước châu Âu xuất phát sang Anh không được chú trọng đúng mức.
Những năm gần đây cửa khẩu Calais ở Pháp là địa điểm trung chuyển lớn nhất đối với người tỵ nạn muốn vượt biên từ châu Âu sang Anh. Nhưng chính quyền Pháp cũng mạnh tay xử lý, dẹp bỏ trại tỵ nạn Calais và trang bị nhiều công nghệ nhằm phát hiện người nhập cư trái phép trốn trong các xe tải, container đi qua đường hầm eo biển Anh.
Gần đây, các đường dây buôn người chuyển hướng sang các cảng nhỏ hơn tại Pháp, kể cả cảng ở Bỉ, Hà Lan. Sự việc xảy ra tại Anh khiến dư luận đặt câu hỏi liệu trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời EU có ảnh hưởng tới nỗ lực siết chặt an ninh, chống tội phạm buôn người hay không. Trong kịch bản Brexit không thỏa thuận việc hợp tác an ninh giữa cảnh sát Anh với các nước châu Âu chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, việc chia sẻ thông tin tình báo về các nhóm tội phạm giữa Anh với EU sẽ gặp trở ngại hơn trước.
Ngay khi sự việc đang diễn ra, việc điều tra cũng gặp khó khăn. Bởi lẽ trong khi các nhà chức trách tiến hành các vụ bắt giữ một số người có liên quan đến đường dây buôn người tại Anh, thì tại Pháp, hay Bulgaria, nơi xuất phát của chiếc container mang 39 nạn nhân xấu số, thì việc điều tra vẫn gần như chưa có tiến triển.
Sau sự kiện đau lòng này chắc chắn các nước châu Âu sẽ phải quan tâm nhiều hơn tới công tác đấu tranh chống nạn buôn người trái phép. Các tổ chức đường dây buôn người được tổ chức cực kỳ chặt chẽ, quy mô lớn, lợi nhuận cao hơn cả buôn ma túy, nên ngày càng có nhiều đường dây tội phạm từ các nước châu Phi, châu Á tham gia vào việc đưa người sang Anh.
Bình luận