Theo Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng quan hệ quốc tế, cựu Giám đốc hoạch định chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ, châu Âu đang phải đối mặt với những mối đe dọa ngày càng lớn về tương lai dân chủ và thịnh vượng trong khi xa cách khỏi đồng minh Mỹ.
"Vẫn chưa lâu đến thế, chỉ với vài năm trước, châu Âu là nơi tái hiện gần nhất hình ảnh khải hoàn như Francis Fukuyama miêu tả cuối chiến tranh thế giới thứ hai với sự dân chủ, thịnh vượng và hòa bình dường như cố thủ vững chắc. Nhưng hiện tại đã thay đổi." - ông Haass viết.
Bên cạnh một nước Anh rối loạn và chia rẽ sâu sắc vì thoả thuận Brexit, diễn biến đáng chú ý nhất tại châu Âu năm 2018 là sự suy yếu của các chính phủ cầm quyền tại hàng loạt các quốc gia trụ cột của liên minh, từ Đức đến Pháp, Italy, Tây Ban Nha hay Bỉ.
Liên minh châu Âu đã dần mất đi hình ảnh trước công chúng. Một tổ chức được cho là đã quá xa vời, quá quan liêu, thiếu sự cân bằng trong thời gian dài.
RICHARD N. HAASS
Tại Đức, kỷ nguyên Angela Merkel bắt đầu kết thúc khi bà Merkel không còn giữ chức Chủ tịch đảng Dân chủ Thiên chúa giáo CDU và đã tuyên bố sẽ rút lui sau 3 năm nữa sau các thất bại bầu cử bang của CDU hay CSU, cũng như là các căng thẳng ngày càng gia tăng với các đảng liên minh. Việc bà Merkel suy yếu tại Đức đặt ra rất nhiều dấu hỏi về hướng đi sắp tới của Đức và của cả EU bởi hơn 1 thập kỷ qua thì bà Merkel không chỉ là người đứng đầu nền kinh tế số 1 châu Âu mà trên thực tế, chính là nhà lãnh đạo số 1 của cả khối.
Tiếp đến là tại Pháp, ông Emmanuel Macron đang đối mặt với cuộc khủng hoảng xã hội lớn nhất tại Pháp từ năm 1968 khi phong trào phản kháng “Áo vàng” biến thành bạo loạn và hiện vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Trong lịch sử nền Cộng hoà thứ 5 của Pháp, chưa có vị Tổng thống nào mà vị thế bị thách thức nghiêm trọng chỉ sau hơn 1 năm cầm quyền như ông Macron.
Ông Haass nhận định, đối với những tiêu chuẩn lịch sử, tương lai dân chủ, thịnh vượng và hòa bình ở châu Âu đã bị lung lay hơn bao giờ hết.
Nhà ngoại giao Mỹ cho rằng không có lời giải thích riêng lẻ nào cho những thay đổi này. "Những gì đang diễn ra ở Pháp là chủ nghĩa dân túy cánh tả, kết quả của việc người dân khó kiểm sống, quyết định tập trung lại phản đối thuế mới, dù hành động có hợp lý hay không. Điều này khác với những gì đã làm bùng lên sự phát triển cực hữu khắp châu Âu: bảo hộ văn hóa trong bối cảnh những thách thức địa phương và toàn cầu – đặc biệt là nhập cư."
Theo Richard N. Haass, Liên minh châu Âu đã dần mất đi hình ảnh trước công chúng. Một tổ chức được cho là đã quá xa vời, quá quan liêu, thiếu sự cân bằng trong thời gian dài.
"Tầng lớp chính trị châu Âu xứng đáng nhận trách nhiệm cho những xáo trộn. EU, khi đưa ra một đồng tiền chung mà không có liên minh tài chính hay ngân hàng nào, đã khiến họ không thể đưa ra một chính sách kinh tế tổng thể. Quyết định đặt chiếc ghế thành viên EU của Anh vào một cuộc bỏ phiếu, cho phép số đông quyết định vấn đề và không đưa ra được điều khoản thỏa thuận phù hợp, là sai lầm.
Tương tự, mở cửa biên giới Đức cho làn sóng người tị nạn – dù động cơ của Thủ tướng Angela Merkel có tốt đẹp như thế nào, chắc chắn không trách khỏi sự phản ứng. Gần đây nhất, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng không cải thiện được tình hình dù lùi bước trước những người biểu tình “áo vàng” và đưa ra những nhượng bộ làm trầm trọng thêm tình trạng ngân sách khó khăn" - chuyên gia cho biết.
Theo Richard N. Haass, khó để giả định tất cả mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn. Ông cho rằng việc đảng Mặt trận quốc gia Pháp (National Front) và các đảng chính trị cực hữu khắp châu Âu tìm ra cách kết hợp chủ nghĩa dân túy kinh tế và văn hóa, đe dọa đến trật tự chính trị hậu Thế chiến II chỉ là chuyện sớm muộn. Chính phủ dân túy hỗn hợp ở Italy là một phiên bản ví dụ cho điều này.
Hơn nữa, trong một thế giới sự bất bình đẳng gia tăng, bạo lực phát triển, biến đổi khí hậu, áp lực nhập cư càng có khả năng trở nên tồi tệ hơn thay vì giảm bớt. Và kinh tế bất ổn sẽ gia tăng khi cạnh tranh toàn cầu và công nghệ mới loại bỏ hàng triệu việc làm đang có sẵn.
Giống như không có nguyên nhân riêng lẻ nào giải thích sự xáo trộn ngày càng tăng ở châu Âu, giải pháp cũng không thể riêng lẻ. Một loạt chính sách phải được áp dụng đồng bộ để các lãnh đạo có thể đối mặt với những thách thức, chuyên gia nhận xét.
"Một chiến lược nhập cư toàn diện, cân bằng giữa an ninh, nhân quyền, cạnh tranh kinh tế là một ví dụ. Cần tập trung vào việc sử dụng tiền như thế nào thay vì cần bao nhiêu tiền để cải thiện an ninh ở châu Âu. Giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu khỏi khí tự nhiên Nga cũng có thể được xem xét. Bên cạnh đó, các chương trình tái đào tạo sẽ rất cần thiết cho những người lao động mất công việc do tự động hóa."
Bên cạnh đó, phần lớn chương trình nghị sự này sẽ được hưởng lợi từ sự tham gia và hỗ trợ của Mỹ. Vì vậy sẽ rất hữu ích nếu Mỹ ngừng xem EU là kẻ thù và các đồng minh NATO là những người chỉ hưởng thành quả miễn phí. Tuy nhiên, ông Haass cho rằng một cách tiếp cận như vậy khó thành hiện thực dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump. "Điều đó khiến châu Âu không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tự đối mặt với sự xáo trộn của mình."
Bình luận