ĐH Công nghệ Nanyang Singapore (NTU) vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong năm thứ 3. Theo sau là 5 đại học của Hồng Kông và Hàn Quốc – đồng nghĩa với việc các trường đại học châu Á chiếm 6 vị trí dẫn đầu của bảng xếp hạng.
Một nửa trong số top 10 là các trường công nghệ và khoa học, trong đó có ĐH Công nghệ Sydney – ngôi trường đã tăng 8 bậc để bước vào top 200 bảng xếp hạng QS lần đầu tiên trong năm nay.
Ben Sowter – người phụ trách về nghiên cứu của QS – cho biết sự nổi bật của các trường công nghệ là rất có ý nghĩa.
“Xu hướng này cho thấy các trường đại học trẻ có nguồn lực và sẵn sàng tập trung vào việc tạo dựng và duy trì các chương trình nghiên cứu STEM đang có cơ hội tốt nhất để phá vỡ bất kỳ ngôi trường ưu tú nào trên toàn cầu” – ông giải thích.
ĐH Maastrict ở Hà Lan là trường đại học của châu Âu thể hiện tốt nhất với vị trí thứ 7. Các đại diện của Australia xuất hiện nhiều nhất với hơn 10 trường trong top 50, tiếp sau đó là Tây Ban Nha với 5 đại diện, Malaysia và Hồng Kông với 4 đại diện.
ĐH Dundee và ĐH Stirling là 2 ngôi trường duy nhất của Anh nằm trong danh sách với vị trí thứ 15 và 47. Tuy nhiên, một số trường của Vương quốc Anh được thành lập vào năm 1966 hiện đã không thể nằm trong bảng xếp hạng này do đã trên 50 năm tuổi. Ví dụ như ĐH Bath đứng thứ 7 năm ngoái nhưng năm nay không thể có mặt.
Vị trí của mỗi trường đại học được đánh giá qua nhiều yếu tố bằng cách sử dụng phương pháp tương tự với phương pháp ở bảng xếp hạng đại học thế giới QS: danh tiếng học thuật, uy tín giảng viên, tỷ lệ sinh viên – giảng viên, số trích dẫn và tỷ lệ giảng viên quốc tế.
Bình luận