Thành phố Hải Ninh gần Thượng Hải miền Đông Trung Quốc nổi tiếng với sản phẩm tất xuất khẩu thế nhưng những tháng gần đây, nhà máy tại thành phố dường như tê liệt khi khủng hoảng châu Âu ngày một tệ hại hơn.
Ông Zuo Yefen, người đứng đầu Hiệp hội sản xuất tất ở Hải Ninh, nhận xét: “Các công ty sản xuất và kinh doanh tất đang phải đối đầu với thực tế tăng xuất khẩu của họ sang Liên minh châu Âu giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2010, mức hạ sâu nhất vào tháng 9/2011.”
Đối với kinh tế Trung Quốc và phần lớn các nước châu Á, cuộc khủng hoảng đang hiển hiện rõ ràng hơn, thị trường sợ hãi về khả năng việc nhu cầu từ các nước châu Âu sụt giảm một lần nữa sẽ lại tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế, giống như thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008.
Nhiều công ty sản xuất hàng hóa đang cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu ra khỏi thị trường phương Tây đầy biến động và bán hàng sang nhóm thị trường đang phát triển.
Số liệu công bố gần đây cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu đang giảm trong khi đó xuất khẩu của Hàn Quốc, Nhật và nhiều nước khác trong khu vực cũng trong tình trạng tương tự.
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu đến tháng 11/2011 chỉ còn 5% từ mức 7,5% của tháng 10/2011 và 18,1% của quý 3/2011.
Phần lớn các chuyên gia phân tích tin rằng xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu sẽ sụt giảm trong tháng 12/2011 và tháng 1/2012. Số lượng đơn hàng xuất khẩu tháng 11/2011 thực chất đã giảm.
Ông Wang Tao, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng UBS, nhận xét: “Trong trường hợp kinh tế châu Âu và kinh tế toàn cầu suy thoái, xuất khẩu của Trung Quốc có thể giảm khoảng từ 10 đến 12%. Hiện nay, chúng tôi cho rằng xuất khẩu Trung Quốc có thể không tăng trưởng trong năm 2012 và sẽ tác động mạnh lên nền kinh tế.”
Kinh tế Hàn Quốc hiện đã chịu tác động nặng nề, xuất khẩu sang châu Âu nói chung hạ khoảng 13,8% trong tháng 11/2011. Xuất khẩu tầu biển giảm 72% còn xuất khẩu các sản phẩm viễn thông giảm 53% so với cùng kỳ.
Ông Lee Eun-mi, quan chức tại Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc, chỉ ra: “Nhu cầu hàng hóa Hàn Quốc của châu Âu đang giảm nhanh. Tình hình này sẽ tồi tệ hơn trừ khi khủng hoảng nợ châu Âu được giải quyết.”
Nhật, Hàn Quốc và phẩn lớn các nước châu Á xuất lượng lớn hàng sang Trung Quốc, Trung Quốc xử lý lại và sau đó xuất sang các thị trường phương Tây, vì vậy xuất khẩu của Trung Quốc có tác động trực tiếp lên khắp khu vực.
Tại Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế nhìn chung vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu thế nhưng từ xuất khẩu, tuy nhiên từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều công ty sản xuất đã cố gắng giảm sự phụ thuộc vào phương Tây, bán nhiều hàng hơn tại thị trường nội địa và nhóm thị trường mới nổi. Và khi kinh tế châu Âu tiến gần hơn đến khả năng suy thoái, xu thế này đang dâng cao hơn.
Cho đến nay, xuất khẩu của Trung Quốc sang thị trường mới nổi nhìn chung vẫn ở mức khá, xuất khẩu sang nhóm nước Đông Nam Á tháng 11/2011 tăng 21,5% so với cùng kỳ, xuất khẩu sang Braxin tăng 26,4% còn xuất khẩu sang Nga tăng 20,6%.
Ông Zhang Zhiwei, chuyên gia kinh tế tại Nomura Holdings, nhận xét: “Nhu cầu từ bên ngoài sụt giảm tiềm ẩn rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên nỗ lực đa dạng hóa thị trường của các công ty Trung Quốc trong những năm qua sẽ phát huy tác dụng phần nào.”
Theo TTVN
Bình luận