(VTC News) – Trước những chất vấn về nông nghiệp, nông sản, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời thấu đáo và cũng đã hứa một số điều trước Quốc hội.
“Được mùa rớt giá” – Tôi cũng suy nghĩ nhiều
Sáng nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục trả lời 17 câu hỏi chất vấn của 8 đại biểu Quốc hội đặt ra từ chiều 12/6.
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất trong phiên chất vấn sáng nay là việc giá lúa gạo vẫn còn thấp và điệp khúc “được mùa rớt giá” vẫn khiến cho bà con nông dân phải chịu thiệt.
Bộ trưởng Cao Đức Phát |
Thực trạng trên dẫn đến hệ quả thường thấy là cứ được mùa thì mất giá và người nông dân luôn là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Đại biểu Nguyễn Thái Học đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao có thực trạng này cũng như cần có sự chỉ đạo như thế nào để chấn chỉnh.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thái Học, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Tôi xin chia sẻ với những khó khăn của nông dân phải rất vất vả mới làm ra được nông sản nhưng khi bán hàng ra thì giá chẳng được bao nhiêu. Đây là vấn đề lớn, chúng tôi suy nghĩ rất nhiều".
Theo Bộ trưởng, để giải quyết những bất cập trên, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang cùng với các Bộ, ngành liên thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tìm ra mọi giải pháp để khắc phục tình hình trước mắt cũng như đề xuất các biện pháp căn cơ lâu dài. Đặc biệt, khắc phục tình trạng nông dân được mùa thì mất giá, bán sản phẩm ra nhưng được lãi rất ít; còn những thành phần khác thì được hưởng lợi nhiều hơn.
|
Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng đưa ra một số giải pháp như cần hướng dẫn bà con tập trung sản xuất những cây trồng vật nuôi có thị trường và cần làm ra với năng suất cao, giá thành hạ so với đối thủ. Thứ hai, không để tổ chức, đơn vị có ưu thế trên thị trường ép giá nông dân. Thứ ba, khuyến khích và hỗ trợ dân thành lập chuỗi sản xuất tạo vị thế mạnh hơn trên thị trường.
Mặt khác, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng khuyến khích, hỗ trợ nông dân hình thành hợp tác xã, tổ liên kết hình thành chuỗi sản xuất để khẳng định vị thế mạnh hơn của nông dân trên thị trường.
Bởi vì, hiện nay, nước ta có tới 9,5 triệu hộ gia đình nông dân canh tác lúa. Mỗi một hộ nông dân sản xuất với một lượng gạo nhỏ lẻ sẽ rất khó tác động, đàm phán với các thương lái về giá.
Bộ trưởng đã trả lời thấu đáo
Vấn đề về việc mua tạm trữ lúa gạo cũng được đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang), Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) đặt câu hỏi. Theo các đại biểu, chủ trương mua tạm trữ lúa gạo là đúng, nhưng lúc nông dân có lúa thì chưa tạm trữ, nông dân bán hết rồi lại tạm trữ. Việc tạm trữ lúa như thế nào để đảm bảo quyền lợi cho nông dân?
Về vấn đề trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, biện pháp tạm trữ là giải pháp tình thế, chỉ là một trong những giải pháp để tác động tới giá cả trên thị trường, chứ không phải là biện pháp căn cơ để giải quyết mọi vấn đề của thị trường lúa gạo. Vì vậy, đến nay, ngành lúa gạo cần phải có sự chuyển biến căn bản.
Mặc dù chúng ta có chủ trương giữ 3,8 triệu ha lúa nhưng cơ cấu cây trồng trên diện tích đó phải được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của thị trường.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Không nhất thiết đất lúa là phải trồng lúa. Người dân có thể trồng những cây trồng khác đem lại thu nhập cao hơn. Còn những diện tích trồng lúa thì phải được quy hoạch và hướng dẫn hỗ trợ nông dân sản xuất bằng những loại giống có chất lượng cao, năng suất tốt theo công nghệ hiện đại để người dân có sản phẩm cao, với giá thành ưu thế có thể cạnh tranh trên thị trường”.
Chốt lại phần trả lời của Bộ trưởng Cao Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, trước phiên chất vấn có 21 câu hỏi của các đại biểu quốc hội gửi tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và đã được lần lượt trả lời. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng cũng đã trả lời 28 lượt ý kiến chất vấn, còn 13 ĐBQH có câu hỏi- đề nghị gửi văn bản tới và bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ nghiêm túc trả lời.
Đánh giá chung về phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Bộ trưởng đã trả lời đầy đủ và thấu đáo, làm rõ tình hình.Kèm theo đó là một số lời hứa chỉ đạo thực hiện, nếu làm tốt chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn”.
Về nội dung của phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết, tất cả các vấn đề sẽ được ghi vào nghị quyết Quốc hội để Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ ngành liên quan thực hiện.
Bình luận