• Zalo

Chất vấn Bộ trưởng Tư pháp: Đại biểu 'truy' vấn đề lợi ích nhóm

Thời sựThứ Tư, 11/06/2014 04:48:00 +07:00Google News

(VTC News) - Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu về lợi ích nhóm, lợi ích bộ ngành trong việc ban hành văn bản pháp luật.

(VTC News) - Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu về lợi ích nhóm, lợi ích Bộ ngành trong việc ban hành văn bản pháp luật.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm rõ "Có thực trạng một số Bộ cài lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ vào trong Luật để đẩy khó khăn về cho dân hay không?”.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) 

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: Hiện nay Bộ Tư pháp thẩm định từ quyết định của Thủ tướng trở lên còn thông tư, thông tư liên tịch thì giao cho vụ pháp chế các Bộ.

Từ quyết định của Thủ tướng trở lên thì quy trình rất chặt chẽ, từ việc thẩm định, lấy ý kiến đến đăng tải trên cổng thông tin điện tử trong vòng 60 ngày.

Các văn bản quy phạm pháp luật thể hiện đường lối, chính sách của Đảng và Bộ Tư pháp có vai trò thẩm định, phát biểu ý kiến là dự thảo đó có phù hợp với đường lối chính sách của Đảng hay không.

Với quy trình như vậy, câu chuyện có cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ vào các quyết định của Chính phủ trở lên, chúng tôi thấy chưa phải là vấn đề đặt ra. Tuy nhiên vấn đề là đứng từ phía nào để chúng ta nhìn xem có lợi ích nhóm.

"Chúng tôi có kiểm tra văn bản của các Bộ. Kỳ này lợi ích nhóm chưa phải là vấn đề nổi lên", ông Cường nói.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường 

Chưa hài lòng với câu trả lời, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy tiếp tục bấm nút đề nghị Bộ trưởng Hà Hùng Cường làm rõ về việc khi làm luật thường đưa cả vấn đề tổ chức bộ máy và đẩy khó khăn cho người dân.
 
Về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận đúng là có câu chuyện một số cơ quan cài việc tổ chức bộ máy trong việc làm luật..

Chính phủ đã yêu cầu các luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội không được sự đồng ý thì không được đưa việc tổ chức bộ máy vào.

“Tạo thuận lợi và đẩy khó khăn cho dân là có. Nhưng hiện nay Bộ Tư pháp đang kiểm tra thủ tục hành chính không để gây khó khăn cho dân”, ông Cường cho biết.
 
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng đặt câu hỏi: “Bộ Tư pháp vừa thẩm định, vừa thiết kế chính sách nên chính sách không được làm rõ trong Luật và không đi vào cuộc sống. Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm, và hướng xử lý?”
 
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng ý kiến của đại biểu có lý nhưng chưa phải hoàn toàn đúng. Ở các nước họ làm rất kỹ. Sắp tới ban hành Luật ban hành văn bản pháp luật sửa đổi, trong đó có tách giai đoạn làm chính sách, sau đó mới viết văn bản.
 
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) về tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật, ông Cường cho biết đến ngày 10/6, các bộ ngành nợ 50 văn bản (19,9%). So với kỳ họp 6 là tiến bộ vì kỳ 6 số nợ là 22,44%.

"Tôi cũng mừng khi nhiều Bộ trưởng hứa không để nợ văn bản pháp luật. Ví như Bộ Tài nguyên môi trường trong ban hành Luật đất đai đã có 5 Nghị định. Riêng ở Bộ Tư pháp, trong việc cất nhắc cán bộ nếu để xảy ra  nợ văn bản là bị trừ điểm. Đó cũng là hướng tới kỷ cương kỷ luật tốt hơn nữa", ông Cường cho hay.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn