• Zalo

Chất độc trong khói bụi xâm nhập vào cơ thể, phát bệnh sau 5-10 năm

Sức khỏeThứ Ba, 24/09/2019 15:10:00 +07:00Google News

Bụi mịn có thể xâm nhập vào cơ thể gây nhiều bệnh cấp tính hoặc tích tụ lâu dài, phá hủy dần cơ thể, phát bệnh sau 5-10 năm.

Chỉ số AQI (ứng dụng Air Quality Index - đo chỉ số ô nhiễm không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người) tại TP.HCM những ngày gần đây dao động ở mức 150. Đây là mức cảnh báo có hại cho sức khỏe. Không chỉ ở TP.HCM, chỉ số AQI ở các tỉnh khác thuộc khu vực Nam Bộ cũng ở mức nghiêm trọng như ở Cà Mau, Phan Thiết (Bình Thuận).

o_nhiem_khong_khi_o_TPHCM

 Đến 15h chiều 22/9, khu vực trung tâm thành phố vẫn còn mịt mù. (Ảnh: Quỳnh Danh)

Ô nhiễm không khí khiến bệnh tật dễ xuất hiện, khó kiểm soát

PGS TS Nguyễn Hoài Nam, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP.HCM, cho hay tình trạng ô nhiễm không khí tại TP.HCM và nhiều địa phương khác trên cả nước trong thời gian qua có tác động rất rõ ràng và nguy hiểm đến sức khỏe, song ít người để ý đến điều này.

Tình trạng này khiến nhiều người thường xuyên bị nghẹt mũi, xoang, viêm phế quản, nặng hơn là dị ứng gây hen suyễn. Chuyên gia này phân tích mũi là cửa ngõ của đường hô hấp vì thế đây là cơ quan đầu tiên trên cơ thể phản ứng với những thay đổi thất thường của thời tiết hoặc tác nhân từ môi trường.

Nếu môi trường không lành mạnh và mức độ ô nhiễm ngày càng gia tăng, những bệnh liên quan đến "cửa ngõ của cơ thể" rất dễ xuất hiện và khó kiểm soát.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, chất độc trong môi trường không khí ô nhiễm sẽ làm tăng độc tố trong máu. Sự tích tụ này về lâu dài có thể gây xơ vữa động mạch, cao huyết áp, từ đó dẫn đến các hệ lụy nguy hiểm khác như đột quỵ, suy tim.

“Đây là những chất độc tính xuyên qua màng lọc của phổi, đi vào trong máu, cơ thể, ngấm vào các thành mạch gây nên tình trạng xơ vữa. Chúng có thể tác động gây bệnh tức thời như viêm phổi, viêm mũi, hen suyễn, phế quản. Về lâu dài, chúng sẽ lấp đầy trong phổi, gây xơ cứng phổi, 5-10 năm sau mới phát bệnh”, PGS Nam phân tích.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), cho hay ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính. Đây là hai bệnh nguy hiểm nhưng khi phát hiện, bệnh đã diễn biến nặng.

Theo thống kê tại các bệnh viện lớn ở TP.HCM, trong tình hình ô nhiễm không khí, sương mù dày đặc, lượng bệnh nhân nhập viện do các bệnh hô hấp, tiêu hóa có xu hướng tăng.

Số liệu từ phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết trong hai tháng gần đây, đơn vị này tiếp nhận khoảng 19.000 trường hợp đến khám bệnh hô hấp, 16.500 trường hợp khám bệnh tiêu hóa.

Bác sĩ Lê Hồng Điểm, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Quận Thủ Đức cho biết mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận khoảng 7.000 lượt bệnh nhân đến khám ngoại trú. Trong đó, số bệnh nhân đến khám các bệnh tiêu hóa, hô hấp tăng 10% so với tháng trước.

Đại diện Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cũng cho biết những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám bệnh có xu hướng tăng so với tháng trước, nhiều nhất là các bệnh hô hấp, tiêu hóa.

Trẻ em chịu ảnh hưởng nặng nhất 

Theo BSCKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), nguyên nhân khiến không khí tại TP.HCM trở nên ô nhiễm hơn có thể là ảnh hưởng từ cháy rừng ở Indonesia. Chuyên gia này cho biết khi nồng độ các chất độc từ vụ cháy tăng cao trong môi trường, sức khỏe của người dân có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Trong điều kiện không khí ô nhiễm ở mức độ nguy hiểm, trẻ nhỏ hít phải các chất độc này dễ mắc bệnh hô hấp. Hơn thế, khí độc và bụi mịn có thể khiến các cơ quan trong cơ thể trẻ tổn thương như ngộ độc gan, thận, hệ thần kinh. Ở thể nặng, điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não, quá trình dậy thì ở trẻ.

BSCKI Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cũng thông tin những ngày gần đây, số ca khám vì bệnh lý hô hấp cũng tăng đáng kể. Nhiều bệnh nhi đến khám trong tình trạng nặng, các bác sĩ phải xử trí cơn hen suyễn cấp, thậm chí cấp cứu, chỉ định nhập viện điều trị.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo cha mẹ nên hạn chế đưa trẻ ra ngoài, nhất là vào buổi trưa, chiều. Vào thời gian này, sự hoạt động dày đặc của các phương tiện giao thông cộng cùng với nhiệt độ cao có thể khuấy động bụi, chất độc trong không khí. Điều đó khiến trẻ rất dễ hít phải khói bụi độc hại và làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Làm gì để bảo vệ sức khỏe?

Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ cho biết bụi mịn PM2.5 và khói độc tràn lan những ngày gần đây tại TP.HCM loại bụi siêu nhỏ với kích thước chỉ bằng hoặc nhỏ hơn 2,5 micro. Người dân có thể cảm nhận được nồng độ bụi mịn tăng lên khi trong không khí có một lớp "sương mù", giảm tầm nhìn.

Vì vậy, nếu phải ra đường vào những ngày không khí ô nhiễm, khẩu trang là phương tiện được nhiều người lựa chọn để giảm bớt tác hại của khói bụi.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến tư vấn người dân nên mang hai lớp khẩu trang để có tác dụng kháng khuẩn, kháng bụi tốt nhất. Lưu ý, đối với trẻ nhỏ, cha mẹ không nên che chắn quá nhiều nhiều lớp khẩu trang, quần áo. Điều đó có thể gây tác dụng ngược như khiến trẻ sốc nhiệt, mất nước, suy hô hấp.

Còn theo bác sĩ Vũ, khẩu trang thông thường như khẩu trang vải, khẩu trang y tế thông thường không thể lọc được bụi mịn. Chúng chỉ hạn chế 30%-40% lượng bụi.

Vì vậy, để ngăn được bụi PM 2.5, chuyên gia khuyến cáo cần sử dụng khẩu trang chuyên dụng. Do đó, người dân cần trang bị khẩu trang N95 hoặc N99 để sử dụng khi ra đường. Trường hợp chỉ có khẩu trang y tế, người dân cần lồng hai chiếc vào nhau hoặc lót kèm khăn giấy bên trong để ngăn bụi.

Bên cạnh đó, để hạn chế chất độc từ khói bụi đi vào cơ thể, người dân cần vệ sinh nơi ở, thân thể, đặc biệt là làm sạch mũi hàng ngày. Các gia đình nên tăng cường rau củ và trái cây để tăng cường sức đề kháng.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn