Không phải là quả mới xuất hiện trên thị trường, nhưng thời gian gần đây, loại chanh rừng nhỏ chỉ bằng quả quất, mùi thơm phức, dùng để ngâm đường phèn, muối hay mật ong trị các bệnh về họng, cảm lạnh lại bất ngờ tạo nên cơn sốt, được các chị lùng mua với giá khá đắt đỏ.
Ngồi chia hết hơn 1 tạ chanh rừng vào các túi nilon nhỏ để ship đi cho khách đã đặt trước đó, chị Lê Ngọc Yến ở Hai Bà Trưng (Hà Nội), cho biết, năm nay là năm đầu tiên chị bán chanh rừng vì chị cũng mới biết đến loại quả đặc biệt này.
Chị chia sẻ, vào hồi đầu tháng 10 vừa qua, chị được một người bạn tăng cho một hũ chanh rừng ngâm. Đúng lúc đó, cổ họng chị đang đau vì ho mấy ngày rồi không khỏi nên chị lấy hai quả chanh ngâm trong hũ bỏ vào miệng ngậm. Kết quả, cổ họng chị dịu đi, dễ chịu hẳn.
Thấy chúng thật sự hiệu quả nên chị đăng lên facebook cá nhân quảng cáo nhận đặt chanh rừng, bởi chị cũng muốn đặt cho mình một ít về ngâm để dùng dần, coi như tiện chuyến hàng, cước xe sẽ rẻ hơn.
Một tuần sau, chuyến chanh rừng đầu tiên về đến bếp của chị, shipper giao hết sạch 1 tạ mà nhiều khách vẫn nhắn tin “trách móc” vì chưa thấy giao hàng cho họ, số khác vẫn tiếp tục đặt mua, cứ mỗi người 1 - 2 kg, người làm nhiều thì mua 3 - 5 kg.
“Chuyến thứ 2 về sau đó nửa ngày, số lượng cũng 1 tạ như chuyến đầu tiên, song vẫn không đủ hàng trả cho khách đã đặt trước đó. Trong khi lần nào tôi cũng đặt dư ra để phần lại một ít ngâm cho gia đình dùng những lúc cần thiết, vậy mà lần nào cũng cháy hàng, không còn dù chỉ một vài quả”, chị Yến nói và không ngờ loại chanh rừng này lại gây sốt đến vậy.
Tương tự, chị Dương Thị Phương Thảo ở Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng thừa nhận, dù không phải hàng mới lạ gì nhưng loại chanh này gây sốt, được chị em lùng mua rất nhiều.
Chị Thảo chia sẻ, chị là dân công chức ở Hà Nội nhưng quê ở Lạng Sơn nên biết bà con dân tộc người Dao ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) thường lấy quả chanh rừng ngâm với muối trắng hoặc mật ong có tác dụng tốt trong việc chữa trị viêm họng, chữa ho, chữa cảm lạnh. Ngoài ra, chanh rừng ngâm dùng làm món gia vị chấm thịt gà, vịt,... rất ngon. Hay, chanh rừng ngâm măng ớt chỉ thiên là món gia vị khoái khẩu trong bữa ăn của các gia đình trong món tiệc tại nhà hàng, khách sạn.
Thấy trên mạng nhiều người tìm mua chanh rừng về ngâm nên chị nảy ra ý tưởng bán online kiếm thêm. Bởi, bố mẹ chị sống ở Lạng Sơn nên việc gom mua chanh rừng cho chị không quá khó.
Lúc mới đầu bán chanh rừng, ngày chị bán được vài chục cân. Khách đặt đến đâu chị nhập hàng đến đó. Đặt hôm trước hôm sau hàng được chuyển xuống Hà Nội để giao cho khách luôn. Tuy nhiên, càng về sau khách đặt càng nhiều. Do đó, số lượng ban đầu từ bán vài chục cân đã tăng lên con số hàng tạ chanh rừng mỗi ngày.
“Khoảng 1 tháng nay, cứ trung bình mỗi tuần tôi bán 1 - 1,2 tấn chanh rừng với giá 130.000 đồng/kg, bởi chanh đã vào cuối mùa, hàng khan hiếm hơn nên giá tăng cao hơn đầu mùa”, chị nói.
Không tiết lộ về số lãi thu được cụ thể là bao nhiêu, nhưng chị Thảo khẳng định, sau vụ bán chanh rừng này, số tiền chị kiếm được đủ lo chi tiêu cho cái Tết Nguyên đán sắp tới mà không cần quan tâm năm nay vợ chồng chị được thưởng Tết ít hay nhiều.
Ghi nhận trên thị trường hiện nay, chanh rừng được nhiều cửa hàng bán với mức giá dao động từ 90.000 - 140.000 đồng/kg tuỳ thời điểm, tức giá đắt gấp khoảng 5 - 6 lần giá chanh thường cũng như chanh đào bán ngoài chợ. Một số nơi bán chanh rừng ngâm sẵn với giá bán một lọ ngâm đường phèn là 250.000 đồng, ngâm mật ong là 595.000 đồng.
Theo chị Lê Ngọc Yến, chanh rừng quả nhỏ chỉ bằng quả quất, giá bán thì phụ thuộc vào tuỳ loại chanh non hay già. Khi mua cần chú ý, nếu là chanh già vỏ sẽ nhẵn và bóng hơn chanh non, giá cũng sẽ cao hơn.
Bên cạnh đó, cần phải cẩn trọng không mua phải hàng loại chanh rừng bị độn quất vào. Bởi với giá chanh rừng cao như hiện nay, không ít đầu mối vì hám lợi mà dùng quất độn vào chanh rừng.
Khi mua chanh rừng về ngâm đường hay ngâm mật ong thì ngâm theo tỷ lệ 1 kg chanh ngâm với 1 kg đường hoặc 1 lít mật ong. Còn ngâm với muối trắng thì theo tỷ lệ 1 kg chanh ngâm với 0,5 kg muối, chị Yến chia sẻ thêm.
Bình luận