Sáng 25/5, trong phiên thảo luận trực tuyến, nhiều đại biểu đóng góp ý kiến một số nội dung về Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Một số đại biểu bày tỏ thắc mắc liên quan tới quy định không được ghi biên bản hòa giải, đối thoại và việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại trong quá trình hòa giải.
Đại biểu Nguyễn Chí Tài (tỉnhThừa Thiên - Huế) lo ngại nếu không có quy định ghi lại quá trình hòa giải sẽ không có căn cứ để ghi diễn biến quá trình hòa giải, đối thoại theo quy định.
Giải đáp thắc mắc của các đại biểu, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết bảo đảm bí mật của hòa giải là nguyên tắc của chế định hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Do đó trong luật quy định không được ghi biên bản, ghi âm, ghi hình để đảm bảo các bên không bị chia sẻ thông tin cá nhân.
Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép. Hòa giải viên phải bảo đảm quyền, nghĩa vụ về bí mật thông tin theo quy định của luật này.
Cũng theo ông Bình, trong một số trường hợp các bên tham gia hòa giải muốn chia sẻ với các hòa giải viên về các vấn đề cá nhân, như vì sao lại ly hôn hay các tranh chấp về chia tai sản... Những thông tin về đời tư như vậy, theo ông Bình, các hòa giải viên nên giữ bí mật.
Về một nội dung khác cũng được quan tâm là địa điểm tổ chức hòa giải, ông Bình nêu rõ, khác với hòa giải, đối thoại trong tố tụng do thẩm phán thực hiện và được tổ chức tại trụ sở tòa án; hòa giải, đối thoại theo luật này do hòa giải viên thực hiện, là hình thức ngoài tố tụng, do đó cần được quy định linh hoạt, mềm dẻo với mục đích tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các bên đương sự đi đến thống nhất việc giải quyết tranh chấp.
Do đó, dự án luật quy định việc hòa giải, đối thoại có thể được diễn ra tại trụ sở tòa án hoặc ngoài trụ sở tòa án.
Một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số đối tượng làm hòa giải viên. Đồng thời các đại biểu chỉ ra rằng, về tiêu chuẩn của hòa giải viên, dự luật quy định ngoài những đối tượng là những người có chức danh tư pháp đã nghỉ hưu (thẩm phán, kiểm sát viên…) thì luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác mới có thể được xem xét, bổ nhiệm làm hòa giải viên, quy định thời gian 10 năm là quá dài, chỉ cần quy định 5 năm là đủ.
Với vấn đề này, ông Bình cho biết, đối tượng hòa giải, đối thoại thường là những vụ việc có tính chất chuyên ngành sâu, phức tạp, đòi hỏi hòa giải viên phải am hiểu pháp luật nội dung, pháp luật tố tụng và có kinh nghiệm trong công tác pháp luật.
Do đó việc quy định 10 năm sẽ đảm bảo được chuyên môn chắc, chất lượng hòa giải, đối thoại tốt. Còn sau này khi bước vào thực hiện, nếu cơ quan chuyên môn thấy rằng hòa giải viên có 5 năm kinh nghiệm mà vẫn đảm bảo chất lượng hòa giải tốt thì sẽ cân nhắc, xem xét.
Bình luận