Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về "đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử" quy định tại khoản 1 điều 4 dự thảo luật.
Cuối phiên thảo luận, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đã có 12 phút giải trình trước Quốc hội về những vấn đề đại biểu quan tâm, còn ý kiến khác nhau.
Cần thiết có Tòa chuyên biệt nhưng không thành lập tràn lan
Chánh án Nguyễn Hoà Bình thay mặt cơ quan soạn thảo và cũng được ủy quyền của cơ quan thẩm định cảm ơn đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến dự án luật này. Ông cho rằng, những phát biểu của đại biểu rất tâm huyết, trách nhiệm và tất cả đều chứa đựng trong đó mong muốn xây dựng một nền văn minh tiến bộ.
"Qua phát biểu của các đại biểu chứng tỏ các đại biểu đã nghiên cứu dự thảo luận và các tài liệu liên quan rất sâu cho nên những ý kiến rất phong phú và có tính cởi mở. Chúng tôi sẽ chăm chú lắng nghe, ghi chép cẩn thận và có tiếp thu, giải trình những ý kiến hợp lý. Sau đây tôi xin có một số ý kiến, không thể giải trình hết một số ý kiến các đại biểu nên tôi xin nêu một số ý kiến những vấn đề lớn các đại biểu quan tâm", ông Bình nói.
Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình, về việc thành lập Toà chuyên biệt, tất cả các ý kiến đều ủng hộ, để tăng tính chuyên nghiệp. Toà chuyên biệt thành lập thế nào, ông Bình khẳng định việc này do Quốc hội quyết định, nhưng chắc chắn không có việc thành lập tràn lan.
TAND Tối cao dự kiến chỉ thành lập 1 Toà sở hữu trí tuệ, 2 Toà phá sản và các Toà hành chính chuyên biệt ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và đang cân nhắc thêm một số nơi.
Nói riêng về Toà sở hữu trí tuệ, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho rằng chúng ta đang đối mặt với thực tế gạo ST25, Cà phê Trung Nguyên, bưởi Năm Roi, nước mắm Phú Quốc đang bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài. Do vậy, rất cần bảo vệ những doanh nghiệp này, khi chúng ta phải đối mặt với việc kiện tụng về quyền sở hữu trí tuệ…
Về đổi mới toà án theo thẩm quyền xét xử, ông Nguyễn Hoà Bình cho hay TAND Tối cao vẫn giữ quan điểm phải tổ chức Toà án theo thẩm quyền xét xử.
"Chúng ta có hai cấp xét xử thôi. Bản thân Luật này cũng quy định nhiệm vụ của cấp xét xử sơ thẩm, cấp xét xử phúc thẩm, không nêu nhiệm vụ của toà án cấp huyện toà án cấp tỉnh. Tương tự, các luật tố tụng cũng quy định như vậy", ông Nguyễn Hoà Bình cho biết.
"Kết quả bỏ phiếu ở Quốc hội thế nào, chúng tôi sẽ chấp hành, có thể sẽ giữ nguyên, có thể sẽ đổi mới, nhưng chắc chắn đây là xu thế. Hôm nay chúng ta không làm thì tương lai, con cháu chúng ta sẽ phải làm", ông Bình nói.
Về vấn đề mở rộng nguồn bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao gồm 17 người. "Phải có hai đại diện, tức là không quá 15% là những thành viên bên ngoài hệ thống Toà án, bao gồm điều tra viên, kiểm sát viên, Giáo sư Luật, luật sư…", ông Bình nói.
Theo ông, giám đốc thẩm, tái thẩm là thủ tục tố tụng đặc biệt, không có luật sư, không có bị cáo… Do vậy, cần có hai thành viên ngoài hệ thống toà án để tăng tính phản biện. Đây là vấn đề khoa học.
"Nếu 17 ông là thẩm phán thì người ta quan ngại rằng cùng một thói quen, cùng một nếp nghĩ… Đã lựa chọn mô hình tranh tụng thì ngay trong toà án cũng phải tôn trọng nguyên tắc này, vì tranh tụng chính là con đường dẫn đến công lý", ông Nguyễn Hoà Bình nói.
Toà án hướng dẫn, hỗ trợ các bên thu thập chứng cứ
Về việc thông tin tại toà án, Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định Điều 141 dự thảo không quy định về quyền truyền thông. "Chúng tôi chỉ điều chỉnh hoạt động này trong phòng xét xử, ra ngoài phòng xử, các nhà báo phỏng vấn ai, quay phim ai, chúng tôi không có quyền can thiệp", ông Bình cho rằng quy định như dự thảo nhằm "nâng cao hiệu quả, duy trì trật tự".
"Đại biểu có nói câu chuyện chỉ cần một bên đồng ý là có quyền ghi âm, ghi hình. Nhưng xin chia sẻ với đại biểu, bên này đồng ý nhưng bên kia không đồng ý cũng ảnh hưởng đến quyền con người", Chánh án nói tiếp và đề nghị "giữ nguyên như dự thảo".
Về vấn đề thu thập chứng cứ, ông Nguyễn Hoà Bình cho biết dự thảo đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng Toà án hướng dẫn, hỗ trợ các bên thu thập chứng cứ. "Cụ thể thế nào sau này sẽ có hướng dẫn", ông Bình thông tin.
Dẫn lại ý kiến đại biểu quốc hội cho rằng 80% các vụ án không có luật sư, toà phải có trách nhiệm đi thu thập chứng cứ cho người dân, ông Nguyễn Hoà Bình khẳng định "không có nước nào quy định như chúng ta cả".
"Khi khởi kiện, anh phải có chứng cứ để bảo đảm anh thắng, chứ không phải anh xách đơn đến, toà phục vụ Nhân dân nên tòa phải đi thu thập chứng cứ. Nguyên đơn cũng là Nhân dân, bị đơn cũng là Nhân dân. Nếu toà phục vụ Nhân dân là nguyên đơn đi thu thập chứng cứ, rồi toà lại phục vụ bị đơn tiếp tục đi thu thập chứng cứ thì sẽ sinh ra một vụ án kỳ cục", ông Bình nêu quan điểm.
"Phục vụ Nhân dân là phải bảo đảm công lý, phán xử cho đúng, tuân thủ đúng pháp luật chứ không phải là Toà đi thu thập chứng cứ", ông Bình khẳng định.
Về việc Thẩm phán thông tin về quan điểm của vụ án trước khi xét xử, ông Nguyễn Hoà Bình khẳng định đây là điều nghiêm cấm từ trước đến nay, cũng như từ nay về sau.
"Bản án chỉ được tuyên sau khi Toà án kiểm tra chứng cứ công khai tại phiên toà và qua tranh tụng. Trước khi tuyên, Thẩm phán nói về quan điểm xử lý vụ án, tội này, tội kia, ông này thắng, ông kia thua… Chưa xử làm sao Toà biết được!", ông Bình nói.
Quốc hội sẽ xem xét kỹ càng, thấu đáoKết thúc buổi thảo luận buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, với tinh thần làm việc rất khẩn trương, trách nhiệm cao, trong phiên thảo luận hội trường sáng nay đối với dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã có 39 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, trong đó có 9 lượt ý kiến tranh luận và trong danh sách còn 06 đại biểu đăng ký phát biểu và 01 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng do hết thời gian cho nên chưa bố trí phát biểu được.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thống kê, về vấn đề sắp xếp lại Tòa án nhân dân huyện, tỉnh theo thẩm quyền xét xử là phương án 1, phương án này ngược lại với lần thảo luận trước đây.
"Trước đây thì đa số ủng hộ phương án 1, hôm nay có 13 ý kiến phát biểu ủng hộ phương án 2; có 6 đại biểu ủng hộ phương án 1.
Về vấn đề tổ chức tòa án chuyên biệt thì không phải là tất cả đồng ý mà vẫn có đại biểu đề nghị không đồng ý, tôi có ghi tên ở đây, tôi không nói số lượng, số còn lại là 9 đại biểu đồng ý phải có tòa chuyên biệt. Vấn đề thông tin tại phiên tòa có 9 đại biểu đề cập thì đều thống nhất phương án 1, tức là có khoản 3, khoản 4 nhưng có 2 đại biểu nói rằng phải bổ sung chặt hơn, bao gồm cả ghi âm, đồng thời có 2 đại biểu nói rằng phải mở rộng hơn cho báo chí", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nói.
Các nội dung thảo luận đã được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thay mặt cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phát biểu tiếp thu, giải trình một số vấn đề lớn mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Sau phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ khẩn trương tổng hợp đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội gửi các cơ quan để nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật và báo cáo với các vị đại biểu Quốc hội.
Thường trực Ủy ban Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc gửi phiếu lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về một số nội dung qua thảo luận còn có ý kiến khác nhau và các vị đại biểu Quốc hội đề nghị lấy phiếu.
Trên cơ sở đó sẽ xem xét hoàn chỉnh dự thảo luật với chất lượng cao nhất, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thông qua vào cuối kỳ họp này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định những nội dung thảo luận hôm nay sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ chính thức lấy ý kiến Tòa án nhân dân tối cao trước khi hoàn chỉnh dự thảo luật, lấy ý kiến Chính phủ về những nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ để báo cáo Quốc hội vào cuối kỳ họp này để xem xét thông qua.
Bình luận