• Zalo

Chàng trai sửa giày miễn phí cho người nghèo có quan điểm sống lạ

Giáo dụcThứ Sáu, 25/11/2016 06:58:00 +07:00Google News

Bằng việc sửa lại những đôi giày dép cũ hoàn toàn miễn phí cho người nghèo, chàng trai trẻ Nguyễn Bá Cường đã góp thêm một hình ảnh đẹp về người Sài Gòn.

Vá dép, sửa giày miễn phí 

14991444_1113624782092060_3383812730551446300_o

 Chàng trai Nguyễn Bá Cường cặm cụi sửa từng chiếc giày

Nhân vật chúng tôi đang nhắc đến là em Nguyễn Bá Cường (19 tuổi, ngụ phường 1, quận 3, TP.HCM). Dù chỉ là một cậu bé sửa giày nghèo, tuổi còn trẻ nhưng Cường luôn biết cách chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ.

Cậu thường vá lại những đôi dép rách, sửa lại những chiếc giày cũ cho những người nghèo khổ hoàn toàn miễn phí.

Gắn bó với công việc sửa giày đã 3 năm, tài sản lớn nhất của Cường là chiếc kệ sửa giày nhỏ được "sư phụ" tặng cho ngày mới vào nghề. 

Mỗi sáng, Cường lại đẩy kệ sửa giày ra chỗ ngồi quen thuộc của mình tại một con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 1, quận 3, TP.HCM) và làm việc ở đó đến tối mịt.

Trên cánh cửa kệ sửa giày cũ kỹ, Cường viết: “Sống phải biết lao động mới thành công. Trong cuộc sống, sống thật thà mới thành người được quý trọng”. 

Câu nói được thể hiện theo một cách mộc mạc nhất, bày tỏ quan điểm sống của anh thợ sửa giày 19 tuổi khiến nhiều người chú ý và trân trọng. 

IMG_8130

 Cường cho rằng chỉ có lao động chân chính mới thành người được quý trọng

Ngày ngày, ngồi sửa giày, chứng kiến công việc vất vả của những chị gánh hàng rong, những em bé bán vé số, cụ già đạp xích lô, Cường đầy thương cảm.

Như một thói quen nghề nghiệp, Cường nhìn xuống đôi chân họ và thấy những đôi dép đã đứt quai, những đôi giày đã mòn rách như sắp bung ra dưới sức nặng của bàn chân.

Biết họ không đủ tiền để mua cho mình một đôi dép mới, Cường bàn với thầy và xin được sửa giày, dép miễn phí cho người nghèo.

15000621_1113624915425380_2663198040289764621_o

 Kệ giày nhỏ giúp Cường mưu sinh và giúp đỡ người nghèo

“Cùng là người nghèo nên em hiểu được nỗi khổ của người nghèo. Em cũng từng không có tiền để mua cho mình một đôi dép tử tế mà đi bởi số tiền ấy có khi bằng tiền công của mấy ngày lao động quần quật. Em không có tiền để cho, nhưng bớt chút thời gian khâu vá lại cho họ thì em làm được”, Cường chia sẻ.

Từ khi đặt tấm bảng nhận sửa giày miễn phí cho người nghèo, kệ sửa giày của "anh thợ nhỏ" trở nên tấp nập hơn ngày thường.

Nhiều người nghèo thường lui tới để sửa giày dép miễn phí. Cảm phục lòng tốt của anh thợ sửa giày, nhiều khách hàng cũng tới ủng hộ.

15039672_1113624838758721_150363541600991238_o

 Tiệm sửa giày của Cường luôn là nơi ghé chân của người lao động nghèo

Cường luôn ưu tiên sửa giày cho người đến trước, không phân biệt giàu nghèo, không vì khách sang mà đon đả ngọt ngào, khách nghèo thì thờ ơ, lạnh nhạt.

Cường kể, một lần, khi em đang sửa giày thì thấy một anh lao công bị đứt dép, trông rất tội. “Lúc đó, anh này không có tiền nên lê lết chiếc dép đứt định đi làm tiếp. Thấy vậy, em gọi anh lại để sửa giúp. Từ đó, anh rất thân thiết, lần nào đi làm qua cũng tạt vào nói chuyện, mua đồ uống cho em nữa”. Cường vui vẻ kể lại.

Video: Chàng  trai sửa giày miễn phí cho người nghèo giữa phố Sài Gòn

Vất vả mưu sinh

Vì gia cảnh nghèo khó, học xong lớp 6, Cường nghỉ học để kiếm sống, mưu sinh. “Gia đình em nghèo lắm! Bố em làm nhạc công, thu nhập thất thường chẳng được là bao. Mẹ thì phải chăm sóc bà bệnh nên không có thời gian để làm việc kiếm tiền. Tiền học của 2 anh em đều phải vay mượn ngân hàng”, Cường tâm sự.

Sau khi nghỉ học, Cường theo phụ người dì bán đồ điện tử ở chợ Nhật Tảo được hơn 2 năm. Sau đó, thấy công việc không phù hợp, Cường quyết định nghỉ việc và học nghề sửa giày từ thầy Tuấn cạnh nhà.

Được thầy Tuấn tận tình chỉ dạy, Cường nhanh chóng thuần thục công việc của một người thợ sửa giày. Sau một năm chăm chỉ học hành, Cường được thầy giao cho một chiếc kệ sửa giày với đầy đủ đồ nghề để bắt đầu công việc mưu sinh.

Trong khi nhiều người đang tranh thủ nghỉ trưa, Cường vẫn đang thoăn thoắt cắt chỉ, dán keo, khâu giày… Các động tác tỉ mỉ và tháo vát không thua kém những người thợ lành nghề. Nhiều lúc, mải mê với công việc, Cường quên nghỉ ăn trưa, cứ thế làm luôn đến chiều. 

15037066_1113646115423260_9065641492716252971_n

 Đôi tay Cường đầy những vết sẹo do bị kim đâm lúc khâu giầy

Công việc sửa giày dép khiến bàn tay của Cường chai sạn, đầy những vết sẹo vì bị kim đâm. Nhiều lần, bị kim đâm vào tay chảy máu nhưng "anh thợ nhỏ" vẫn phải nén cơn đau để giao hàng đúng hẹn cho khách.

“Nghề này, bị kim đâm vào tay là chuyện bình thường, nhất là những khi phải làm gấp để giao cho khách. Nhiều lúc, bị kim đâm sâu vào ngón tay nhưng em vẫn cầm máu rồi làm tiếp”, Cường chia sẻ.

14991444_1113625102092028_6096351998531427600_o

Cường tần tảo kiếm tiền nuôi gia đình

Anh Hưng - hàng xóm của Cường kể lại: “Có hôm trời mưa, Cường lấy chiếc áo mưa duy nhất để che kệ giày. Hỏi thì Cường bảo, người ướt thì được chứ giày ướt thì lấy tiền đâu mà đền cho khách”.

Công việc vất vả nhưng mỗi tháng, thu nhập của Cường cũng chỉ được hơn 3 triệu đồng. Dù không kiếm được nhiều tiền nhưng tháng nào Cường cũng tiết kiệm, dành dụm từng đồng để gửi về nhà, phụ lo cho em ăn học và thuốc thang cho bà đang bệnh nặng.

 

Quang Hải
Bình luận
vtcnews.vn