• Zalo

Đưa người yêu đi khám tâm thần khi hàng đêm nhận cuộc gọi kể khổ và đòi chết của cô gái

Sức khỏeThứ Hai, 10/06/2019 17:58:00 +07:00Google News

Nữ sinh viên 20 tuổi người Đài Loan luôn thấy mình bị cô lập, hàng đêm, cô gọi điện cho bạn trai khóc lóc, thậm chí rạch tay tự sát.

Theo Ettoday, bác sĩ Thi Giai Tả, Chủ nhiệm khoa Tâm thần kinh, Phòng khám Thư Điền (Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, vừa thăm khám cho nữ bệnh nhân 20 tuổi, sinh viên. Bạn trai cô gái chia sẻ nữ sinh này suy nghĩ rất tiêu cực, thường xuyên gọi điện cho anh kể lể, khóc lóc nhiều đêm. Thậm chí, cô còn làm tổn thương cơ thể và đòi tự tử.

Nguyên nhân chủ yếu là cô không nhận được sự quan tâm của gia đình, thường xuyên bị các bạn khác cô lập. Áp lực tinh thần kéo dài làm cô gái không thể thoát khỏi tình trạng căng thẳng.

Nữ sinh này không dám nói với bố mẹ hay bạn bè, chỉ có thể khóc cùng bạn trai. Sau thời gian căng thẳng vì thường xuyên phải đối diện với nỗi lo bạn gái tự tử, chàng trai quyết định đưa người yêu đến gặp bác sĩ tâm thần. Sau 3 tuần điều trị, tình trạng bệnh của nữ sinh này đã chuyển biến tích cực.

tam than

 Bác sĩ Thi Giai Tả đang điều trị tâm lý cho bệnh nhân. (Ảnh: Ettoday)

Bác sĩ Thi cho biết trong xã hội hiện đại, bệnh trầm cảm có xu hướng gia tăng rất rõ rệt. Theo một khảo sát bà thực hiện trước đó, ở Đài Loan cứ 5 phụ nữ thì một người có biểu hiện của trầm cảm, ở nam giới tỷ lệ là 1/10.

Đặc biệt, bác sĩ nhận thấy người thân còn thiếu hiểu biết khi chăm sóc cho bệnh nhân trầm cảm. Dù lo lắng, họ không biết cách nào để giúp bệnh nhân lạc quan hơn.

Vì vậy, khi chăm sóc bệnh nhân trầm cảm, gia đình cần nắm vững 5 nguyên tắc cơ bản:

- Nhận thức được thế nào là trầm cảm.

- Xây dựng tâm lý vững chắc không bị ảnh hưởng bởi bệnh nhân.

- Bảo vệ bản thân và trẻ em trước tác động tiêu cực của người bệnh.

- Chú ý các hành vi tự gây thương tích hay cố ý gây thương tích cho người khác.

- Luôn lạc quan để làm chỗ dựa cho bệnh nhân.

Bác sĩ Thi khuyến cáo người có biểu hiện tâm sinh lý bất thường như dễ khóc, cười, nóng giận, hay tự ngồi một mình, tự rạch tay, muốn tự tử, cần được đưa đến chuyên khoa tâm thần để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Trầm cảm có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu bệnh nhân và người thân hợp tác với bác sĩ theo y lệnh điều trị. Thông thường, bệnh nhân điều trị từ 4 đến 6 tuần sẽ cải thiện rõ rệt.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn