(VTC News) - Thúy Vi cười khi nhớ lại lần gặp gỡ đầu tiên đó: “Khi trò chuyện trên mạng, ảnh nói mình có râu quai nón, khuôn mặt già dặn nhưng lúc gặp nhau ở sân bay lại là một hình ảnh hoàn toàn khác, một chàng trai khỏe khoắn, khuôn mặt hiền từ, nhẵn nhụi...
Chàng khiếm thị Trọng Tuấn và người đang mang thai 6 tháng của anh - kết quả đẹp như mơ của mối tình qua internet... |
20 năm qua, tuy không thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời nhưng anh vẫn luôn thắp sáng ngọn lửa của niềm tin và sự hi vọng. Bằng nghị lực phi thường, Lê Trọng Tuấn (sinh năm 1987, ở khu phố Sơn Hải, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn) đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống và đảm nhiệm vị tró Phó Chủ tịch Hội người mù thị xã.
Đặc biệt hơn là câu chuyện tình dung dị qua internet đã gắn kết hai con người xa lạ với nhau.
Vượt lên số phận
Trọng Tuấn giờ đây được mọi người biết đến không chỉ anh là thành viên trụ cột của Hội người mù mà còn bởi khả năng sửa chữa và cài đặt phần mềm máy tính chuẩn xác không thua kém gì những kỹ thuật viên mắt sáng. Đó là kết quả của những tháng ngày vất vả tự học và mày mò mới có được.
Tuấn kể, lúc 6 tuổi, sau một lần đi chơi về, bỗng thấy tất cả đều mờ dần đi, cậu chỉ còn mờ mờ thấy chút ánh sáng. Mặc dù gia đình đã nỗ lực chạy chữa nhiều nơi mong tìm lại được ánh sáng cho con trai mình, nhưng đôi mắt Tuấn cứ dần dần mờ đi, Tuấn không còn nhìn rõ được bố mẹ và những người thân trong gia đình.
Từ đó, Tuấn không chỉ phải đối diện với thứ bóng tối của cuộc sống, mà còn đối diện với bóng tối của tương lai.
Năm lên 8 tuổi, Tuấn được bố mẹ cho lên học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên của Hội người mù tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, Tuấn được tiếp xúc với chữ Brai và được học văn hóa với các bạn khiếm thị khác trong tỉnh. Sau khi học xong chương trình lớp 3, Tuấn chuyển về quê học hòa nhập với những người bạn bình thường. Hàng ngày, em trai Tuấn và một vài cậu bạn hàng xóm dẫn Tuấn đi học cùng.
Ngày ấy, chữ Brai chưa được nhiều người biết đến, cũng chưa có nhiều sách vở, do vậy: “Cái khó nhất trong việc học là mình không thể chuẩn bị bài trước vì không có sách giáo khoa. Tài liệu có được là những gì được nghe cô giảng và các bạn phát biểu trên lớp. Để có đủ kiến thức, người khiếm thị phai tập trung cao hơn ghi nhớ tốt hơn, và chép bài nhanh hơn người bình thường”, Tuấn chia sẻ.
Năm học lớp 9, Tuấn được bầu vào Ban chấp hành Hội người mù thị xã Sầm Sơn. Và sau khi hoàn thành chương trình phổ thông, Tuấn được tin tưởng giao đảm nhận chức vụ Phó chủ tịch Hội người mù khi mới 19 tuổi.
Hi vọng mở ra cho Tuấn khi cậu tình cờ được nghe về một trung tâm tin học dành cho người khiếm thị. Tuấn hiểu được rằng, có công nghệ thông tin, Tuấn có thêm tài liệu để học tập như những người bình thường, có thể giao lưu với bạn bè khắp nơi và nhiều tiện ích khác.
Nhờ cậu em trai chỉ bảo “vài đường cơ bản”, Tuấn tìm tòi, mua sách và các tài liệu bằng chữ nổi về nhà tự học. Khi đã quen dần với máy tính, Tuấn lên mạng Skype, một phần mềm tiện ích, chát voice với bạn bè (chủ yếu là những người khiếm thị và những sinh viên tình nguyện) ở khắp nơi, trong và ngoài nước, tâm sự về cuộc sống hàng ngày, trao đổi kinh nghiệm về công nghệ thông tin, và nhờ bạn bè tìm thêm cho mình tài liệu về tin học.
Đến nay, Tuấn đã thành thạo với các phần mềm máy tính và có thể cài đặt, sửa chữa máy móc cho rất nhiều bạn bè và người dân ở đây.
Trò chuyện thêm về công tác ở hội người mù, anh cho biết: Hội người mù thị xã Sầm Sơn có hơn 100 hội viên, nhưng chỉ có khoảng 15 người thực sự có khả năng lao động. Công việc mang lại thu nhập cho người khiếm thị là tẩm quất mát-xa và làm tăm tre. Mức lương bình quân mỗi lao động hơn 1 triệu đồng/người/tháng. Tuấn đang thực hiện nhiều kế hoạch kêu gọi tài trợ với hi vọng nâng cao mức sống cho anh em và thu hút sự đồng cảm chia sẻ nhiều hơn của cộng đồng với người khuyết tật.
Câu chuyện tình qua internet với một người sáng mắt
Trong một lần lên mạng trò chuyện với nhóm bạn của mình, Tuấn tình cờ được nói chuyện với Thúy Vi (SN 1985), khi đó đang là sinh viên trường du lịch và là tình nguyện viên. Từ những câu chuyện xã giao, những lời “tán tỉnh cho vui” ban đầu, hai người xa lạ trở nên thân thiết, gắn bó. Họ kể cho nhau nghe nhiều hơn, tâm sự, hiểu và đồng cảm với nhau hơn.
"Vi đến với mình như là một món quà mà thượng đế đã ban tặng"... |
Cứ đều đặn hàng ngày, Tuấn và Vi lại hò hẹn trên mạng, nói chuyện đến tận 2h sáng. Họ kể cho nhau nghe những việc diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, rồi có khi là những giận hờn vu vơ như bao cặp tình nhân khác. Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012 Xem thêm tại đây
Những hôm làm về muộn, không online được, Vi đều gọi điện trò chuyện, được nghe giọng nói thân thuộc của người yêu và không quên kể cho Tuấn nghe một câu chuyện.
Tuấn chia sẻ: “Mình đã từng ước mơ, có một cô gái hàng ngày đọc sách cho mình hay kể cho mình nghe một câu chuyện. Vi đến với mình như là một món quà mà thượng đế đã ban tặng.
Hiếm có một người con gái nào lại dành tình cảm cho một người con trai ở xa nhau cả nghìn km, lại chưa biết mặt mũi nhau, và hơn hết người đó lại là người khiếm thị”.
Một năm sau, theo tiếng gọi của trái tim, Tuấn “khăn gói” lên đường vào TP.HCM gặp Vi.
Một mình đến một nơi xa lạ, với người bình thường đã khó, khiếm thị như Tuấn thì khó khăn càng tăng hơn gấp bội.
Sau khi nhờ đứa em đưa ra sân bay Nội Bài, Tuấn được nhân viên hãng hàng không Vietnam Airline thông báo hỗ trợ đặc biệt, từ khâu ăn uống, chỉ đường và đưa đến tận người đón.
Thúy Vi cười khi nhớ lại lần gặp gỡ đầu tiên đó: “Khi trò chuyện trên mạng, ảnh nói mình có râu quai nón, khuôn mặt già dặn nhưng lúc gặp nhau ở sân bay lại là một hình ảnh hoàn toàn khác, một chàng trai khỏe khoắn, khuôn mặt hiền từ, nhẵn nhụi chứ chẳng có râu quai nón”.
Vi cho biết thêm: “Vi đã có thời gian sống gần người khiếm thị nhiều, am hiểu về cuộc sống của họ. Với Vi, họ là những người hoàn toàn bình thường nên đến và yêu Tuấn cũng là điều hết sức tự nhiên”.
Sau gần một tháng ở cạnh nhau, cảm nhận được sự yêu thương chân thành của Vi, Tuấn càng trân trọng hơn về hạnh phuc này. Đều đặn mỗi năm, Tuấn lại vào TP.HCM gặp vi một lần. Quen và yêu thương nhau hơn 3 năm, họ quyết định làm đám cưới.
Tuấn cho hay, ban đầu, khi thưa chuyện với nhà gái hai mọi người cũng ái ngại và lo lắng cho tương lai của con trẻ, về ở với nhau rồi không biết làm thế nào để vượt qua sự khác biệt trong cách sống 2 miền và những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng rồi, trước quyết tâm sắt đá của đôi trẻ, đám cưới vẫn được tiến hành. Hiện, Thúy Vi đã mang thai được 6 tháng, đó là minh chứng cho một tình yêu son sắt, thủy chung.
Với Tuấn, hạnh phúc nhất là những lần cùng vợ đi siêu thị, đi khám thai hay những khi hai vợ chồng cùng nhau dạo biển, đi du lịch dù không nhìn thấy gì bởi lẽ hạnh phúc đơn giản là khi được làm mọi thứ cùng người mình yêu.
Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn cảm thấy hạnh phúc và trân trọng hơn những gì mình có. Tuấn vẫn công tác tại Hội người mù thị xã Sầm Sơn, Thúy Vi hàng ngày đưa, đón chồng đi làm, trò chuyện cùng các anh chị em khác ở hội, lo chuyện nội trợ gia đình và chờ đón đứa con thân yêu chào đời.
Nguyễn Hiền
Bình luận