Sau khi tiếp tục thi đấu 2 trận đấu nữa tại vòng loại U23 châu Á, Văn Toản đã tập phục hồi chức năng và trị liệu trong 1 tháng nhưng không cải thiện. Anh đã phải vừa tham gia cuộc phẫu thuật đầu tiên trong cuộc đời.
Tổn thương khó chẩn đoán
Theo chẩn đoán trước ngày mổ của Trung tâm chấn thương chỉnh hình và y học thể thao Bệnh viện Vinmec Times City, Văn Toản bị tổn thương SLAP (superior labrum anterior to posterior) – một loại chấn thương gây đau vai hay gặp trong thể thao. Chấn thương này thường gặp ở những người chơi thể thao có tầm vận động quá đầu như thủ môn, vận động viên ném bóng, cầu lông, tennis, bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội....
Trong y học thể thao, SLAP là một tổn thương khó chẩn đoán vì vị trí tổn thương nằm rất sâu trong khớp vai. Ngoài ra SLAP có biểu hiện đau nhưng không rõ ràng hoặc chỉ đau ở một vài tư thế nhất định như nâng vật nặng hoặc vận động tay quá đầu…
Để chẩn đoán tổn thương này, không thể dùng X - quang hoặc chụp CT mà phải sử dụng chụp MRI có thuốc cản quang để quan sát rõ được các vết rách tại vị trí bám của gân nhị đầu, tránh bỏ sót tổn thương. Tổn thương này cũng cần bác sĩ có chuyên môn sâu thăm khám lâm sàng kết hợp với kinh nghiệm chẩn đoán hình ảnh mới đưa ra kết luận chính xác.
Do đó, để điều trị triệt để cho Văn Toản, VFF đã quyết định mời GS. Trần Trung Dũng và nhóm Phẫu thuật chi trên của Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Vinmec hội chẩn. GS. Dũng là một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực y học thể thao và tham gia rất thường xuyên những buổi hội chẩn chấn thương cho các cầu thủ của đội tuyển.
Các bác sĩ cho rằng khả năng đây là tổn thương SLAP vai phải - thương tổn có cơ chế là lực truyền từ cánh tay qua khớp vai đang bị rách, bong khớp, rất phù hợp với kiểu vận động cánh tay đặc thù của thủ môn. Qua phim chụp MRI cản quang và thăm khám lâm sàng, GS Dũng cùng các bác sĩ đã đưa ra kết luận Văn Toản bị chấn thương cơ nhị đầu, cụ thể là bị tổn thương một phần chân bám của cơ nhị đầu cũng như sụn viền chỗ chảo khớp vai.
Sáng tạo hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị
Do tổn thương nằm tại vị trí rất sâu trong khớp vai nên các chuyên gia đã ứng dụng một phương pháp sáng tạo đó là phong bế vị trí đau bằng thuốc tê để khẳng định chắc chắn. GS Phillip Macaire – Trưởng khoa Gây mê giảm đau của Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City được mời cùng tham gia cuộc “kiểm tra chéo” này.
Dưới hỗ trợ của siêu âm, GS Macaire đã tiêm một lượng thuốc tê rất nhỏ vào vị trí tổn thương của Toản. Đúng như dự đoán, sau khi tiêm, thủ thành này đã hết đau hoàn toàn. Nhưng cũng chỉ một ngày sau đó, khi thuốc tê hết tác dụng thì cơn đau quay trở lại. Sau thử nghiệm này, ê kíp điều trị đã xác định được chính xác loại và vị trí tổn thương.
GS. Trần Trung Dũng đã trao đổi kỹ lưỡng với VFF cũng như Văn Toản với khuyến cáo, nếu mong muốn tiếp tục thi đấu đỉnh cao thì cần sớm phẫu thuật để khâu lại các phần sụn viền và gân bị rách. Sau đó kết hợp với tập phục hồi chức năng thì Toản mới có cơ hội trở lại thi đấu đỉnh cao.
Hoàn toàn bị thuyết phục bởi phương pháp chẩn đoán khoa học này, VFF và thủ thành sinh năm 1999 đã nhất trí phương án thực hiện sớm nhất ca phẫu thuật nội soi khớp vai cho Toản. GS.Trần Trung Dũng, “bàn tay vàng” về ngoại khoa chấn thương chỉnh hình của Vinmec, đã trực tiếp thực hiện thành công ca mổ kéo dài 3 giờ trong ngày 29/11.
Chia sẻ cụ thể về phương pháp điều trị, GS Dũng cho biết: “Ngoài phẫu thuật tổn thương chân bám của cơ nhị đầu, sụn viền phía sau, đồng thời gia cố sụn viền phía trước, chúng tôi còn kết hợp tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (gọi tắt là PRP) để quá trình liền thương nhanh hơn.
PRP là chế phẩm được tạo ra từ máu của người điều trị. Nhờ có nhiều yếu tố kích thích tăng trưởng, PRP sẽ kích thích các tế bào lành ở xung quanh nơi tổn thương phân chia và tham gia vào sửa chữa các thương tổn, kích thích liền thương. Do đó, kết hợp giữa phẫu thuật và tiêm PRP hiện tại là phác đồ tối ưu cho SLAP”.
Sau ca mổ, Văn Toản cho biết: “Cánh tay phải của em hiện tại đang phải cố định để ổn định vị trí mổ nên sinh hoạt hàng ngày gặp chút khó khăn, nhưng ở viện được chăm sóc chu đáo nên người nhà em cũng không phải lo lắng gì. Hiện em đang theo chế độ dinh dưỡng và tập luyện đặc biệt do bác sĩ thiết kế riêng để sớm hồi phục lại”.
Dự kiến, Văn Toản sẽ sớm bắt đầu liệu trình tập phục hồi chức năng với các bài tập được thiết kế chuyên biệt của các bác sĩ Vinmec và VFF. Theo đánh giá, mong muốn trở lại với thể thao là hoàn toàn khả thi nếu Văn Toản nỗ lực và tuân thủ nghiêm ngặt về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và tập luyện để tăng khả năng phục hồi cho khớp vai, giữ phong độ và thể lực ổn định.
Sinh năm 1999, thể lực tốt với chiều cao 1m85 vượt trội, kỹ thuật cá nhân xuất sắc, Văn Toản không những là thủ môn số 1 của CLB Hải Phòng mà còn được thầy Park cho “chung mâm” với các thủ môn đàn anh khác của tuyển Việt Nam và là đội trưởng của đội tuyển U23 Việt Nam. Chỉ vì chấn thương này, Văn Toản đã phải bỏ lỡ AFF Cup 2020. Vì thế, người hâm mộ và đồng đội rất hy vọng anh sớm có thể trở lại phong độ cho SEAGAME 31 vào tháng 5/2022 tới đây.
Bình luận