• Zalo

Chặn khách 'sống ảo', tiểu thương Hà Nội thu phí chụp ảnh Trung thu

Thị trườngThứ Bảy, 26/09/2020 18:56:28 +07:00Google News

Nhiều chủ cửa hàng cho rằng các bạn trẻ đứng check-in vừa ảnh hưởng kinh doanh, vừa gây tắc nghẽn nên phải treo biển cấm chụp hình.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phố Hàng Mã (Hà Nội) năm nay vắng bóng du khách nước ngoài, không khí ngày rằm tháng 8 cũng đến muộn hơn. Dù vậy, nơi đây vẫn thu hút đông đảo người dân tới tham quan, mua sắm và chụp ảnh.

Theo ghi nhận của Zing, giữa hàng loạt món đồ trang trí Trung thu rực rỡ sắc màu dọc hai bên phố, khách tham quan có thể bắt gặp những tấm biển “Cấm chụp ảnh” hay “Ở đây thu phí chụp hình”.

Chặn khách 'sống ảo', tiểu thương Hà Nội thu phí chụp ảnh Trung thu - 1

Khách tham quan có thể bắt gặp những tấm biển cấm chụp hình trên phố Hàng Mã.

“Ở đây bán hàng, không chụp ảnh”

Bên cạnh treo biển, nhiều tiểu thương thu phí khách đứng chụp ảnh, hoặc người tham quan có nhu cầu mượn bối cảnh, đạo cụ tại cửa hàng, các mức giá như 20.000 đồng/10 phút, 50.000 đồng, 100.000 đồng.

Một số chủ hàng cho biết đây là cách để hạn chế khách đứng ùn ứ trước tiệm.

Chị Điệp, chủ một cửa hàng, kể rằng mới đây, chị đã treo trên quầy hàng thông báo thu phí 20.000 đồng/người cho 10 phút chụp ảnh.

Tôi phải thông báo thế này vì nhiều bạn tới chụp hình quá, ảnh hưởng đến việc kinh doanh”, chị nói.

Đối diện tiệm của chị Điệp, một cửa hàng bán đèn lồng cá chép cũng treo biển cấm. Bà chủ cho biết lâu nay, chị đã giữ quy tắc “không cho khách đứng chụp hình”.

Chặn khách 'sống ảo', tiểu thương Hà Nội thu phí chụp ảnh Trung thu - 2

Từng chủ cửa hàng sẽ đưa ra mức phí chụp ảnh riêng.

Chặn khách 'sống ảo', tiểu thương Hà Nội thu phí chụp ảnh Trung thu - 3

 

Buôn bán vật phẩm Trung thu đến giờ đã 10 năm nhưng không năm nào nhà tôi cho khách chụp ảnh. Mới đầu còn nhắc nhở, nhưng gần đây khách đứng đông quá nên tôi phải in giấy cho mọi người tự đọc”, chủ tiệm kể.

Tuy vậy, người phụ nữ này cho rằng đó không phải phương án tối ưu để ngăn tình trạng người dân đứng ùn ứ, đợi chụp hình trước quầy.

Mỗi ngày, nhà tôi phải chịu 6-7 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, nhân viên. Thu phí chụp ảnh của các bạn cũng chỉ tối đa là 20.000 đồng/người. Một ngày vài tốp như vậy, đến hết ngày chưa chắc tôi đã bán được hàng”, chị giải thích.

Thực tế, việc khách tham quan tập trung đông đúc tại các cửa hàng để chờ tới lượt chụp hình không còn là câu chuyện mới lạ. Để có được tấm hình ưng ý, nhiều người không ngại xếp hàng, xông vào hẳn trong tiệm, thậm chí sử dụng sản phẩm được bày trên quầy làm đạo cụ “sống ảo”.

Bà Ngọc, chủ một tiệm bán đèn lồng, cho biết đã có trường hợp khách tự ý lấy đồ bày bán của cửa hàng để chụp hình rồi làm rơi.

“Năm nào các bạn cũng chụp ảnh rất nhiều. Có người mượn đồ làm đạo cụ, dùng xong thì vứt chỏng chơ, thậm chí còn làm rơi đồ treo trên giá. Nhưng mà thôi, rơi thì mình nhặt lên chứ sao bắt đền người ta được”, bà nói.

Chặn khách 'sống ảo', tiểu thương Hà Nội thu phí chụp ảnh Trung thu - 4

Một số cửa hàng tự quy định người dân phải mua đồ mới được chụp ảnh.

Chặn khách 'sống ảo', tiểu thương Hà Nội thu phí chụp ảnh Trung thu - 5

 

Treo biển cấm, thu phí là vậy nhưng khi đoàn người đổ dồn lên phố, những dòng thông báo ấy lại không mấy tác dụng.

Dù đã nhắc nhở, đề biển, người ta vẫn xông vào. Thà rằng họ mua 1-2 thứ rồi chụp, cửa hàng bày đồ để bán chứ đâu phải làm nền chụp hình đâu? Khách mà thấy đông quá, người ta không dám vào. Chưa kể việc các nhóm bạn trẻ đứng túm năm tụm ba gây ùn tắc, không còn chỗ cho người khác để xe, lựa đồ”, bà Ngọc bức xúc.

Đối với những tiểu thương trên phố Hàng Mã dịp Trung Thu, đông khách là một điều may mắn nhưng nếu là khách chụp ảnh, mọi chuyện lại không được như ý. Phần lớn ý kiến cho rằng việc các gia đình, bạn trẻ đứng ùn ứ trước cửa hàng vừa ảnh hưởng kinh doanh, vừa ảnh hưởng đến giao thông trên phố.

Hãy là người chụp ảnh có ý thức

Từ giữa tháng 9, nhiều người đổ lên Hàng Mã từ sáng sớm để chụp hình. Tuy nhiên, họ không phải là đối tượng được các chủ cửa hàng ở đây chào đón.

Dù mới đi bộ được nửa vòng phố, mình và bạn đã bị 2 cửa hàng xua đuổi, không cho chụp hình. Mình vừa giơ điện thoại lên thì họ nhìn thấy và nhắc luôn”, Hương (25 tuổi) nói.

“Trong đó, một chỗ mình phải mua hàng mới được chụp. Chỗ còn lại treo biển chụp ảnh mất 100.000 đồng nhưng chúng mình không để ý. Vì vậy, chủ cửa hàng ra tận nơi nhắc nhở và mời rời đi”, cô gái kể lại.

Thật ra là họ cũng chỉ muốn mình mua hàng, chứ chẳng có quy định nào bắt phải mất phí để được chụp ảnh cả. Vì mọi người chụp ảnh quá lâu, gây tắc đường và ảnh hưởng việc kinh doanh nên người ta cảm thấy khó chịu, từ đó đưa ra mức phí để hạn chế tình trạng này”, Hương nói.

Chặn khách 'sống ảo', tiểu thương Hà Nội thu phí chụp ảnh Trung thu - 6

Nhiều tiểu thương thu phí thuê địa điểm chụp lên tới 100.000 đồng.

Chị Huệ (30 tuổi) tranh thủ ngày nghỉ ghé qua Hàng Mã chụp hình, cũng gặp tình trạng tương tự. Một chủ tiệm ra tận nơi để nhắc nhở chị và nhóm bạn về mức phí chụp hình là 100.000 đồng.

Thường thì chúng tôi mua hàng rồi mới chụp ảnh nên các chủ cửa hàng không nói gì, nhưng cũng có nơi không cho phép. Tuy nhiên, họ nhắc nhở nhẹ nhàng, không có thái độ gay gắt”, chị Huệ chia sẻ.

Mặc dù phải mua hàng hay mất tiền để được chụp một bức ảnh Trung thu ưng ý, phần lớn bạn trẻ không tỏ ra khó chịu, ngược lại cảm thấy thông cảm cho các hộ kinh doanh trên Hàng Mã.

Với tình trạng này, mình nghĩ các cửa hàng nên thu phí chụp ảnh với mức giá vừa phải. Ngoài ra, các bạn trẻ cũng cần có ý thức, không nên chen lấn xô đẩy hay làm hỏng hàng hóa tại quầy”, Thương (18 tuổi) chia sẻ quan điểm.

Chặn khách 'sống ảo', tiểu thương Hà Nội thu phí chụp ảnh Trung thu - 7

Những chủ cửa hàng chỉ muốn người dân có ý thức hơn trong việc chụp ảnh, tránh gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ.

Suy cho cùng, mục đích thực sự của những dòng thông báo trên bìa không phải để thu tiền, kiếm thêm từ việc chụp hình của khách hàng. Các chủ cửa hàng chỉ muốn nhắc nhở mọi người có ý thức hơn khi vui chơi và thưởng ngoạn, tránh ảnh hưởng đến việc buôn bán của quầy.

Đi chơi Trung thu là phải vui vẻ, chứ còn mua hay không mua thì còn tùy nhu cầu cá nhân. Người chụp cần có ý thức hơn là được. Chỗ kinh doanh của người khác mà cứ tụ tập lâu thì không ai bán được hàng, người muốn mua cũng không còn chỗ đứng”, chị Huệ chia sẻ.

Anh Nguyễn Toàn (Yên Phụ) tranh thủ cuối tuần đưa con đi chơi Trung thu nhưng cũng bị khó chịu vì các nhóm mẫu, nhiếp ảnh gia làm phiền.

"Với các bạn chỉ chụp kỷ niệm thì không nói, nhưng nhiều nhóm chụp ảnh chuyên nghiệp rất gây phiền hà. Một nhóm sẽ có 1 bạn chụp hình, 1 bạn hỗ trợ, khoảng 3 đến 5 người mẫu. Họ hò hét, quát cả những người đang đi dạo phố nếu lỡ đứng vào khung hình. Mỗi lần các bạn ấy tạo dáng là đoạn đường, vốn ngắn và chật, lại càng ùn tắc. Khu phố cổ vốn là nơi công cộng, nếu ai cũng thế thì chẳng khách nào xem được gì, chẳng chủ nào bán được hàng", anh Toàn kết luận.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn