Mohammed bin Salman là người theo đường lối cứng rắn và mong muốn xây dựng một Vương quốc giàu mạnh không phụ thuộc vào dầu mỏ.
Ngày thứ tư vừa qua, Ả rập Xê út chính thức công bố kế hoạch xây dựng siêu thành phố trị giá hơn 500 tỷ USD, nối liền miền Tây nước này với Ai Cập và phần còn lại của châu Phi qua biển Đỏ.
Đây là diễn biến mới nhất trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế của vị Thái tử trẻ tuổi của Ả rập Xê út Mohammed bin Salman Al Saud.
Tuổi trẻ tài cao
Không nhiều người biết đến cái tên Mohammed bin Salman cho tới khi cha của ông trở thành Quốc vương Ả rập Xê út năm 2015. Từ thời điểm đó, Salman bắt đầu được chú ý và dần trở thành một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất chính trường Trung Đông.
Mohammed bin Salman Al Saud sinh ngày 31/8/1985 tại Jeddah, một thành phố biển ở miền Tây Ả rập Xê út. Ông là con của vua Salman với người vợ thứ ba, bà Fahda bint Falah bin Sultan bin Hathleen - cháu gái của thủ lĩnh bộ tộc Al Ajman.
Lớn lên với tư cách là con trai Thống đốc Thủ đô Riyadh của Ả rập Xê út, Mohammed sớm đã bộc lộ những tố chất của một nhà lãnh đạo lớn trong tương lai.
Không như những "thiếu gia" cùng trang lứa trong một gia tộc giàu có, Mohammed không học đại học ở nước ngoài mà lựa chọn ở lại Riyadh, nơi anh theo học ngành luật tại Đại học Quốc vương Saud. Bạn bè cùng lứa nhận xét anh là một người đàn ông trẻ tuổi nghiêm túc, không hút thuốc, không uống rượu và không có hứng tiệc tùng.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Mohammad bin Salman đã trải qua nhiều năm làm việc trong lĩnh vực kinh doanh trước khi trở thành trợ lý cho cha mình.
Cuối năm 2009, Mohammad bin Salman tham gia chính trường với cương vị cố vấn đặc biệt cho cha mình - người lúc đó là Thống đốc Thủ đô Riyadh.
Cha của ông, Hoàng thân Salman bin Abdulaziz Al Saud đã lên ngôi Quốc vương Ả Rập Xê út sau khi anh trai là Quốc vương Abdullah băng hà vào ngày 23/1/2015. Cùng ngày, Hoàng tử Mohammed bin Salman được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng. Cũng trong năm này, ông được phong tước Phó Thái tử.
Quyền lực của Mohammed tăng lên một cách nhanh chóng khi được giao quản lý tập đoàn năng lượng quốc gia Aramco. Ông còn là người đứng đầu một cơ quan mới rất quyền lực là Hội đồng Kinh tế và Phát triển với chức năng giám sát các bộ ngành khác và được giao trọng trách quản lý ngân sách đầu tư công của cả vương quốc.
Ngày 22/6/2017, Mohammed bin Salman được vua cha phong làm Thái tử khi mới 31 tuổi, đưa ông trở thành nhân vật quan trọng thứ 2 tại Ả rập Xê út.
Dấu ấn đối ngoại
Trong suốt quãng thời gian làm trợ lý cho vua cha, Thái tử Mohammed tạo được ấn tượng đến từ sự cương quyết trong chính sách đối ngoại của mình. Ông luôn thể hiện thái độ cứng rắn với Iran và đồng minh như Yemen và Qatar.
“Việc Mohammed bin Salman được sắc phong thái tử đồng nghĩa với nhiều chính sách đối ngoại cứng rắn và quyết liệt hơn sẽ được áp dụng nhằm giảm sự ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông”, Helima Croft, Giám đốc Chiến lược tại RBC Capital Markets phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hồi tháng Sáu.
“Dưới sự can thiệp Mohammed bin Salman, Ả rập Xê út đã khơi mào cuộc chiến tốn kém với Yemen, đồng thời đưa ra quyết định bất ngờ cô lập quốc gia láng giềng Qatar. Câu hỏi lớn được đặt ra là điều gì sẽ xảy ra trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Iran của tân Thái tử? Và cô lập Qatar liệu có phải là động thái mở màn?”, bà Croft nói thêm.
Cùng với chính sách đối ngoại răn đe, kế hoạch cải cách kinh tế đầy táo bạo cũng là một trong những điểm nhấn của vị Thái tử trẻ tuổi.
Kinh tế
Kế hoạch mang tên “Tầm nhìn Saudi 2030” là tham vọng của Mohammed nhằm cải cách nền kinh tế và đưa Ả rập Xê út thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ.
Vị tân Thái tử kì vọng sẽ giảm tỷ lệ phụ thuộc vào dầu mỏ xuống dưới 50% (kim ngạch xuất khẩu). Mohammed cũng kế hoạch bán tối đa 5% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Saudi Aramco thông qua hình thức chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Cùng với đó là xây dựng một quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới với quy mô lên tới hơn 2.000 tỷ USD. Thu nhập từ quỹ này sẽ được sử dụng để từng bước thay thế nguồn thu từ dầu mỏ đang sụt giảm.
Tháng 4/2016, Mohammed đưa ra kế hoạch cắt giảm trợ cấp của chính phủ về xăng, điện và nước cho người dân, đồng thời áp thêm thuế đối với các mặt hàng xa xỉ và đồ uống có đường, nhằm tạo ra khoản doanh thu phi dầu mỏ 100 tỷ USD vào năm 2020.
Video: Ả rập Xê út - nước cuối cùng trên thế giới cho phụ nữ lái xe
Kế hoạch nhận được nhiều sự ủng hộ tới từ giới trẻ, nhưng lại vấp phải sự hoài nghi của thế hệ cao niên. Trên thực tế, mong muốn cải cách kinh tế đã được tiến hành trong suốt nhiều thập kỉ qua, nhưng Ả rập Xê út vẫn chưa thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ và chịu ảnh hưởng lớn mỗi khi giá cả tài nguyên này biến động.
Xã hội
Không phải ngẫu nhiên mà Mohammed bin Salman nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ giới trẻ Ả rập Xê út. Mang tư tưởng hiện đại, cách tân, vị tân Thái tử chú trọng vào thay đổi lối sống và những quan niệm lạc hậu vốn tồn tại hàng trăm năm ở đất Trung Đông.
Thái tử Mohammed quan niệm nên trao nhiều quyền hơn cho phụ nữ, chú trọng giáo dục đại học, sẵn sàng cho phép phụ nữ tự lái xe hoặc ra đường mà không cần người nhà là đàn ông đi cùng.
Bình luận