Sau sự kiện khởi công nhà máy sản xuất ô tô VinFast của tập đoàn Vingroup, trên tài khoản mạng xã hội Linkedin ngày 3/9, ông Võ Quang Huệ viết rằng, “tôi cũng muốn nhân cơ hội này để thông báo rằng tôi sẽ gia nhập Vingroup với tư cách là Phó Tổng giám đốc ngành ô tô, giám sát dự án VinFast này, bắt đầu cách đây vài ngày”.
“Trong suốt 11 năm làm việc với Bosch, tôi rất vui vì đã đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân khi Bosch Việt Nam phát triển từ văn phòng đại diện tại TP.HCM để trở thành một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất với hơn 3.300 công ty liên kết đến nay. Công ty hiện đã thành lập các hoạt động trong cả bốn lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), sản xuất, bán hàng, và dịch vụ”, ông Võ Quang Huệ viết trên Linkedin.
Ông cũng viết thêm rằng: “Tôi thực sự tin tưởng rằng việc gia nhập VinFast sẽ là một bước tiến thú vị trong việc tiếp tục theo đuổi ước mơ của tôi là giúp Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ nổi bật trong khu vực ASEAN hiện nay và trong nhiều năm tới”.
Sinh năm 1952, tại Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam, năm 1971, ông Huệ rời Việt Nam đi du học tại Đức. Sau khi tốt nghiệp các chuyên ngành kỹ thuật ô tô ở thành phố Koeln và kỹ thuật cơ khí ở thành phố Achen (Đức), ông Huệ đầu quân cho tập đoàn ô tô danh tiếng BMW.
Tại đây, ông Huệ đã làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, bộ phận mua hàng và được giao nhiều nhiệm vụ phát triển thị trường trọng điểm tại các nước, ví dụ như Việt Nam và Ai Cập.
Sau 14 năm ở BMW, năm 1993, lần đầu tiên ông trở về Việt Nam trong vai trò trưởng đề án đưa xe BMW vào thị trường này bằng cách hợp tác với một công ty cơ khí ô tô trong nước. Ông Huệ từng chia sẻ: “Là người Việt đầu tiên trong nhóm kỹ sư người Đức đưa thương hiệu ô tô sang trọng BMW vào Việt Nam, cảm giác đó thật là thú vị”.
Cơ duyên đến khi trên chuyến bay từ Ai Cập về Singapore năm 2006, khi đang làm Tổng đại diện của BMW tại Ai Cập, ông tình cờ gặp người quản lý của Tập đoàn Robert Bosch, đang muốn mở rộng thị trường ở châu Á. Lời mời được đưa ra, Võ Quang Huệ gật đầu và đó là sự khởi đầu cho một nhà máy công nghệ cao ở Việt Nam - Robert Bosch.
Những ngày đầu mới bắt tay thành lập Bosch Việt Nam, ông đích thân gõ cửa các cơ quan chức năng ở TP. HCM xin giấy phép, ra tận cảng làm việc với hải quan, gặp trực tiếp đối tác... Ông được Bosch bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam tháng 02/2008.
Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mà Tập đoàn Robert Bosch có hệ thống khép kín với nhà máy sản xuất, trung tâm nghiên cứu và phân phối sản phẩm. Đưa một nhà máy sản xuất phụ tùng, thiết bị cung ứng cho ngành ô tô thế giới về Việt Nam là chuyện không dễ, chẳng phải ai cũng làm được như Võ Quang Huệ. Những thiết bị do nhà máy tại Việt Nam làm ra được bán cho các hãng ô tô danh tiếng thế giới.
Bosch bắt đầu hoạt động tại Việt Nam năm 1994. Công ty TNHH Bosch Việt Nam có trụ sở chính tại TP. HCM, hai văn phòng chi nhánh ở Hà Nội và Đà Nẵng cùng nhà máy Gasoline Systems sản xuất dây đai truyền lực biến đổi liên tục (CVT) tại tỉnh Đồng Nai.
Video: Thuế sắp về 0%, ôtô sẽ giảm bao nhiêu
Ngoài ra, Bosch cũng vận hành một trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ và các giải pháp doanh nghiệp (Công ty TNHH Robert Bosch Engineering & Business Solutions Việt Nam) và Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ Ô tô tại TP. HCM.
Việt Nam, Bosch có các ngành hàng kinh doanh: phụ tùng và thiết bị ô tô; điện tử ô tô và xe máy; kỹ thuật truyền động và điều khiển; kỹ thuật đóng gói; dụng cụ điện cầm tay; hệ thống an ninh.
Như vậy, trong hành trình sự nghiệp gắp liền với ngành công nghiệp bốn bánh, ông Huệ chấp nhận từ bỏ sự nghiệp nhiều năm phấn đấu ở BMW hoa lệ, để hồi hương làm lại từ đầu với Bosch năm 2006, và nay tham gia vào dự án khởi nghiệp quy mô 3,5 tỷ USD của Vingroup để sản xuất ô tô thương hiệu Việt.
Trong kế hoạch sản xuất ô tô thương hiệu Việt này, tổ hợp VinFast của Vingroup cũng có kế hoạch hợp tác với công ty Bosch về hệ thống quản lý và vận hành nhà máy hiện đại hướng tới công nghệ 4.0.
Bình luận