• Zalo

Chân dung những 'nữ tướng' Việt khiến giới doanh nhân châu Á phải cúi mình

Kinh tếThứ Tư, 13/04/2016 07:05:00 +07:00Google News

Việt Nam tự hào khi có 3 gương mặt xuất sắc trong danh sách những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á - những người phụ nữ hết sức tài giỏi, nói được - làm được

(VTC News) - Việt Nam tự hào khi có 3 gương mặt xuất sắc trong danh sách những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á - những người phụ nữ hết sức tài giỏi, nói được - làm được mà khiến cho những đấng nam nhi cũng phải kính nể.

"Nữ tướng" làm nên cuộc cách mạng sữa tươi Việt Nam


Bà Thái Hương được biết đến chủ yếu là người phụ nữ đứng đầu CTCP Thực phẩm sữa TH (TH True Milk) thuộc Tập đoàn TH, bên cạnh đó là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của ngân hàng TMCP Bắc Á - ngân hàng do chính bà sáng lập vào năm 1994 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng.

Tên tuổi của bà Thái Hương bắt đầu được nhắc đến nhiều bắt đầu vào khoảng năm 2009, khi bà Hương đưa ra những phát ngôn về việc quyết tâm gia nhập thị trường sữa với mục tiêu thay đổi bản chất ngành công nghiệp này tại Việt Nam, vốn chủ yếu dùng bột sữa để sản xuất sữa nước.
Chân dung bà Thái Hương
Bà Hương từng chia sẻ, vào năm 2008, khi sự cố sữa nhiễm melamine gây chết người ở Trung Quốc nổ ra, bà Hương đã cảm thấy "bàng hoàng về chất lượng sữa mà người Việt Nam đang uống", để rồi từ đó bà quyết định: "Mình sẽ làm sữa dù cũng chưa hiểu biết gì về ngành này”.

Sau đó, tập đoàn TH đã đầu tư khoảng 450 triệu USD vào việc nhập khẩu và nuôi bò để sản xuất chế phẩm sữa tươi với công nghệ Israel. Vào những ngày cuối năm 2010, sản phẩm đầu tiên - sữa tươi sạch của TH True Milk đã được ra đời.

Thành công của TH True Milk tạo điểm nhấn khi vào năm 2014 - dù là một năm khó khăn với ngành sữa Việt Nam nói chung - nhưng TH True Milk vẫn đạt doanh thu trên 4.000 tỷ đồng (dự kiến trước đó chỉ là 3.700 tỷ đồng), chưa kể hãng còn phải đương đầu với các ông lớn như Vinamilk hay Dutch Lady.

Thậm chí trong thời kỳ mới bắt tay vào xây dựng trang trại bò sữa ở Nghệ An và khởi công nhà máy sản xuất sữa tươi sạch TH, còn chẳng mấy ai tin bà Hương sẽ thành công.

Thương hiệu TH True Milk còn hứng chịu nhiều sóng gió bởi tuyên bố của vị chủ tịch “sẽ làm cách mạng trong ngành sữa tươi sạch ở Việt Nam”…

Để rồi tính đến thời điểm năm 2015, TH True Milk nuôi 40.000 bò sữa trên diện tích 8.100 ha và có kế hoạch nâng lên 37.000 hecta, đưa bà Thái Hương thành người đầu tiên đẩy mạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu là đàn bò sữa, cũng là người sở hữu đàn bò sữa lớn nhất Việt Nam.

Đầu tháng 2/2015, Tổ chức kỷ lục châu Á gửi thư xác nhận Trang trại TH tại Nghĩa Đàn, Nghệ An danh hiệu “Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn nhất châu Á”.

Cũng trong năm 2015, bà Thái Hương lần đầu tiên được lọt vào danh sách những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Forbes, điều mà khiến cho bà thực sự cảm thấy bất ngờ.

Theo đánh giá của một cựu nhân viên Forbes Việt Nam thì bà Thái Hương là người "xứng đáng" bởi vì sự đóng góp mang tính cách mạng của bà với thị trường sữa tươi Việt Nam với TH True Milk.

Theo công bố của TH True Milk, trước khi doanh nghiệp này ra đời, thị trường sữa nước Việt Nam có đến 92% là sữa bột pha lại, giờ còn trên 72% chủ yếu do đóng góp của TH True Milk.

Về con số này và liên quan đến câu chuyện sữa sạch gây nhiều tranh cãi, bà Hương tuyên bố: “Hãy cho tôi biết tôi nói sai chỗ nào”. Vì vậy trong mắt của rất nhiều người, đặc biệt là đối với những người được làm việc cùng với bà Thái Hương, bà là một "nữ tướng" hết sức tài giỏi. Và quan trọng, bà là người nói được là sẽ làm được.

Nữ tướng vàng nữ trang của Việt Nam

Bà Cao Thị Ngọc Dung - nữ doanh nhân Việt Nam được xếp hạng quyền lực nhất châu Á hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Bà Dung được giới trong ngành mệnh danh là "nữ tướng vàng nữ trang" khi dẫn dắt PNJ từ một cửa hàng kinh doanh nhỏ trở thành một trong những doanh nghiệp kinh doanh nữ trang lớn nhất cả nước.
Chân dung bà Cao Thị Ngọc Dung
Chân dung bà Cao Thị Ngọc Dung 
Bà đã đưa PNJ vượt qua mọi khó khăn để phát triển ngày càng hùng mạnh hơn, được phân phối rộng khắp cả nước và một số quốc gia khác tại châu Âu, châu Mỹ...

Cũng như mọi DN khác đã đi lên trong một giai đoạn kinh tế đổi mới và mở cửa, con đường đi bắt đầu và trải dài suốt 25 năm của PNJ không trải bằng thảm đỏ.

Năm 1988, đang là Trưởng phòng Kế hoạch Cty Nông sản - Thực phẩm Quận Phú Nhuận, bà Dung được bổ nhiệm làm GĐ Cty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, với vỏn vẹn 20 nhân sự và tài sản chỉ đúng bằng 7,4 lượng vàng.

Bà Dung cho biết những năm mới thành lập, hoạt động của PNJ tập trung vào kinh doanh mua, bán vàng miếng, nhưng với ấp ủ mong muốn PNJ không chỉ là một cửa hàng nên sau hai năm đảm nhiệm quản lý, năm 1990, cửa hàng đã được nâng cấp thành Cty Mỹ nghệ Kiều hối Phú Nhuận, trực thuộc Ban Tài chính quản trị Thành ủy.

Thương hiệu vàng miếng Phượng Hoàng của PNJ cũng ra đời từ thời điểm này, đánh dấu tầm nhìn xa của người quản lý về vấn đề sản phẩm riêng, thương hiệu riêng – gạch nối của PNJ để bước thời kỳ kinh doanh với quy mô doanh nghiệp thực sự.

Bà Dung cũng được Thành ủy TP HCM điều động sang làm Giám đốc Trung tâm tín dụng Phú Gia để giải quyết những khó khăn mà trung tâm này gặp phải. Sau đó, bà tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm và cùng một số người nữa mạnh dạn đứng ra lập DongA Bank, theo sự khuyến khích của nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm.

Thương hiệu vàng miếng Phượng Hoàng về sau còn được xuất xưởng thêm một sản phẩm là Phượng Hoàng – Đông Á, và nhanh chóng trở thành lựa chọn quen thuộc của người dân trên thị trường vàng. Mãi cho đến năm 2012, do chính sách của Ngân hàng Nhà nước, mới bị xóa sổ.

PNJ khi đó đã tưởng chừng như "suy sụp" do doanh thu bị ảnh hưởng khá lớn bởi chính sách trên của Ngân hàng nhà nước, đồng thời cũng là do sức mua nói chung đang vô cùng yếu.

Điều khiến giới kinh doanh nói chung và giới kinh doanh vàng nói riêng hầu hết đều khâm phục bà Cao Thị Ngọc Dung không chỉ bởi kinh nghiệm và những vị trí bà đã đảm nhiệm, mà còn vì khả năng chèo lái con thuyền PNJ của bà trong những năm tháng khó khăn nhất.

Một số doanh nhân thậm chí còn khẳng định rất ít có một doanh nghiệp nào, dưới bàn tay của một nữ tướng với cái thuở ban đầu chỉ là một cửa hàng, một thương hiệu mang tầm vóc… quận, trong vòng 25 năm đã vươn dậy như rồng thức giấc, thoắt cái trở thành một thương hiệu quốc gia và đang trên đường trở thành thương hiệu quốc gia.

Nói riêng về lĩnh vực trang sức, cùng với DoJi, PNJ hiện đang thống trị thị trường với 20% thị phần trang sức vàng và 70% thị phần trang sức bạc (tính đến cuối năm 2012).

Đến thời điểm giữa năm 2015 đã trở thành một công ty đại chúng uy tín, niêm yết trên sàn chứng khoán, có tổng tài sản hoạt động hơn 2.500 tỷ đồng cùng một đội ngũ nhân sự hùng hậu.

Năm 2015, doanh thu của PNJ đạt  7.697 tỷ đồng, lợi nhuận 1.138 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt từ 20%-30%.

PNJ cũng được tổ chức Plimsoll (Anh) đánh giá và xếp hạng thứ 16 trong 500 Cty trang sức lớn nhất trong khu vực Châu Á. Và chừng đó cũng không còn lấy làm điều khó hiểu, vì sao mà cái tên Cao Thị Ngọc Dung lại được Forbes bình chọn đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất của khu vực châu Á.

Nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam

Mới chỉ cách đây 3 năm, cái tên Hãng hàng không VietJet Air xuất hiện làm "choáng váng" ngành hàng không trong nước cũng như quốc tế, khi đây là một hãng hàng không tư nhân đã sẵn sàng bỏ ra hơn 9 tỷ USD để thuê, mua 100 máy bay Airbus, phá vỡ hai chữ "độc quyền" trong ngành hàng không Việt Nam mà trước đó vốn chỉ biết có Vietnam Airlines.

Hợp đồng mua bán máy bay của VietJet Air khi đó gồm 63 chiếc, trong đó có 42 chiếc A320neo, 14 A320ceo và 7 A321ceo, cộng với quyền mua thêm 30 tàu bay và thuê 7 chiếc tàu bay Airbus khác.

Và bất ngờ hơn khi người thành lập, điều hành hãng hàng không này lại là một người phụ nữ còn rất trẻ tuổi là bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Chân dung bà Nguyễn Thị Phương Thảo
Chân dung bà Nguyễn Thị Phương Thảo 
Năm 1988, khi đang là sinh viên năm thứ hai ngành kinh tế tài chính ở Moscow, bà bước chân vào thương trường. Với số vốn không nhiều, bà bắt đầu phân phối các sản phẩm từ quần áo, văn phòng phẩm đến hàng tiêu dùng từ các nhà cung cấp ở Nhật Bản, Hồng Kông và Hàn Quốc và bán lại ở Nga.

3 năm sau đó, khi mới 21 tuổi, bà kiếm được 1 triệu USD đầu tiên nhờ bán máy fax và nhựa cao su. Với số vốn này, bà Thảo chuyển sang kinh doanh những mặt hàng công nghiệp như sắt thép, máy móc, phân bón và một số loại hàng hóa khác.

Rồi cũng giống như nhiều “đại gia” khởi nghiệp ở Đông Âu, vợ chồng bà Thảo đã quay về thị trường Việt Nam từ những năm 2000 tại lĩnh vực tài chính, bất động sản. Họ là những người sáng lập nên một số ngân hàng tư nhân Việt Nam như VIB, Techcombank rồi sau đó tham gia vào HDBank.

Trên cương vị là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị HDBank, bà Thảo tiếp tục để lại dấu ấn thông qua các thương vụ M&A như sáp nhập DaiABank vào HDBank, mua công ty tài chính SGVF, nâng tầm tên tuổi của HDBank lên vị thế mới.

Bà Phương Thảo hiện đang giữ một loạt các chức vụ quan trọng tại những tổ chức lớn: Chủ tịch HĐQT của Sovico Holdings, Tổng giám đốc Vietjet Air và Thành viên HĐQT của CTCP Dầu khí Đông Đô (đại diện phần vốn của công ty BĐS Phú Long).

Hiện tại, phần lớn tài sản của bà được tiết lộ là chủ yếu đến từ cổ phần ở VietJet và Dragon City (Phú Long) – dự án bất động sản rộng 65 hecta ở TP Hồ Chí Minh.

Thời gian gần đây, tức sau 3 năm kể từ ngày thành lập VietJet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo được trang tin nổi tiếng Bloomberg cho rằng, bà sẽ trở thành nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam, sau khi hãng VietJet Air thực hiện IPO vào quý II năm nay.

VietJet Air ra đời và nhanh chóng nổi tiếng với đội ngũ tiếp viên hàng không trẻ trung cùng chiến lược xây dựng hình ảnh táo bạo. Tiếp viên của hãng từng mặc bikini trong những chuyến bay khai trương có điểm đến là các vùng biển. Hình ảnh nóng bỏng này còn xuất hiện trên lịch của VietJet.

Bà Thảo cho rằng đây là thông điệp truyền đi sự tự tin, khích lệ. “Chúng tôi không bận tâm đến việc mọi người gắn VietJet với hình ảnh bikini, vốn trái ngược với hình ảnh áo dài truyền thống. Nếu điều đó khiến mọi người vui vẻ, chúng tôi cũng sẽ cảm thấy vui”, bà nói.

Bà Thảo tham vọng biến VietJet Air thành "Emirates của châu Á," muốn thành công như hãng hàng không Dubai, đơn vị mở 150 điểm đến và cung cấp các chuyến bay có thời gian bay dài nhất trên thế giới. Bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2011, VietJet đang sở hữu 47 đường bay ở trong nước và khu vực châu Á. Nếu được định giá 1 tỷ USD, hãng có giá trị vốn hóa lớn hơn cả Asiana Airlines của Hàn Quốc hay Finnair Oyj của Phần Lan.

Tiệp Tiệp
Bình luận
vtcnews.vn