• Zalo

Chân dung những nữ doanh nhân 'thét ra lửa' trên thương trường Việt

Kinh tếThứ Ba, 11/08/2015 07:05:00 +07:00Google News

Chân dung những nữ doanh nhân 'thét ra lửa' trên thương trường Việt

(VTC News) - Một nữ doanh nhân quyền lực không chỉ là người giữ vài trò quan trọng trong một công ty, tập đoàn mà còn có khả năng chèo lái được con tàu của mình vượt qua sóng gió thương trường để đến với bến bờ thành công.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE)


Là một trong những người được nằm trong danh sách những nữ doanh nhân thành đạt nhất châu Á của Forbes, bà Nguyễn Thị Mai Thanh được đánh giá là một người có khả năng lãnh đạo xuất sắc khi chèo lái con tàu REE - Công ty cổ phần Cơ điện lạnh từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ thành một thương hiệu trị giá hàng trăm triệu đôla.
Chân dung bà Nguyễn Thị Thanh Nga
Chân dung bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE)
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí điện tại Đại học Karl-Marx-Stadt (Đức), từ năm 1982, bà gia nhập Xí nghiệp Cơ điện lạnh (tiền thân của REE) với vị trí là một kỹ sư, sau đó bà đã trở thành Phó giám đốc đến tháng 7/1987 và chính thức trở thành Giám đốc vào 1993.

REE - Công ty cổ phần Cơ điện lạnh được biết đến là công ty Việt Nam tiên phong trong việc cổ phần hóa, niêm yết trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu chuyển đổi... Năm 2013, doanh thu thuần đạt 2.413,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 2.395,62 tỷ đồng của 2012. Lợi nhuận gộp đạt 603,1 tỷ đồng, tăng 3% so 2012.

Bà Mai Thanh và gia đình của mình đang nắm giữ tổng cộng 37,74 triệu cổ phiếu, tương đương 14% cổ phần của REE. Theo thị giá trên sàn chứng khoán, lượng cổ phiếu REE này có giá trị hơn 970 tỷ đồng, trong đó cá nhân bà nắm giữ khoảng 430 tỷ đồng.

Trong các cuộc khủng hoảng đẩy REE vào thế chân tường, bà Mai Thanh luôn tìm ra một hướng đi mới để trụ vững thương hiệu trên thương trường. Còn về việc tái cơ cấu, trong vài năm trở lại đây, REE đang đầu tư mạnh vào các công ty sản xuất và kinh doanh điện, than và nước sạch bằng cách miệt mài thu gom cổ phiếu từ các đơn vị niêm yết cũng như thực hiện các thương vụ M&A doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực này.

Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank)

Trong lĩnh vực kinh tế nói chung và lĩnh vực tài chính ngân hàng nói chung, cái tên Nguyễn Thị Nga không còn xa lạ khi người phụ nữ này đã từng giữ những vai trò "cộm cán" nhất tại những công ty, tập đoàn lớn có tên tuổi tại Việt Nam trong hàng nhiều năm qua.
Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank)
Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank) 
Bà Nguyễn Thị Nga sinh năm 1955 và đến với ngành ngân hàng từ năm 2002 với chức vụ Phó Chủ tịch của ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Cho tới năm 2005, bà Nga chính thức lên làm làm Chủ tịch của Techcombank.

Trong thời gian này, bà Nga còn làm Chủ tịch kiên Tổng giám đốc Công ty TNHH Thung lũng Vua, nền tảng để bà xây dựng lên tập đoàn BRG.

Đến nay BRG đã là một tập đoàn sở hữu cổ phần trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng với những dự án đình đám như sân Golf quốc tế Đảo Vua – Kings’ Island Golf Resort (Sơn Tây, Hà Nội), khu nghỉ dưỡng ven biển và sân Golf Quốc tế Đồ Sơn Seaside Golf Resort (Hải Phòng), khu vui chơi giải trí thể thao và sân Golf quốc tê Legend Hill - Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội), khách sạn Hilton Hanoi Opera, khách sạn Hilton Garden Inn...

Năm 2007, bà Nga chuyển sang giữ chức Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeAbank), giúp cho SeABank đã có sự lột xác hoàn toàn về quy mô, tăng trưởng liên tục về tổng tài sản, vốn điều lệ và lợi nhuận trước thuế.

Không dừng lại ở đó, đến năm 2009, bà Nga SeABank còn lên làm Chủ tịch của CTCP Intimex Việt Nam, với đại diện phần vốn khá lớn tại công ty vốn trước đó có nhiều bất ổn trong việc cổ phần hóa và bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng.

Bà Tư Hường – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàn Cầu

Tập đoàn Hoàn Cầu là một tập đoàn kinh doanh đa ngành đa lĩnh vực, từ bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng, đến trung tâm thương mại, ngân hàng và khu công nghiệp... Và người khai sinh cũng như đứng đầu tập đoàn khổng lồ này lại một "bóng hồng" - đó là bà Tư Hường

Năm 1993, khi sang tuổi thứ 57, bà Hường thành lập ra công ty TNHH Hoàn Cầu, chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất vật liệu xây dựng với 10 công ty thành viên, tổng vốn điều lệ (tính đến năm 2010) khoảng gần 6.000 tỷ đồng.
Doanh nhân Tư Hường
Doanh nhân Tư Hường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàn Cầu
Ngoài đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, bà Hường còn sở hữu lượng cổ phần lớn tại ngân hàng Nam Á. Không phải người điều hành trực tiếp mà chỉ giữ chức vụ cố vấn HĐQT của ngân hàng Nam Á nhưng bà Hường là cổ đông cá nhân lớn thứ ba tại đây với tỷ lệ nắm giữ lên tới 9,5% vốn.

Tính đến năm 2011, 5 thành viên trong gia đình bà Hường sở hữu tới 20% vốn của ngân hàng Nam Á, tương đương khoảng 600 tỷ đồng. Trong đó, con gái và con trai cả của bà lần lượt giữ vị trí Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng.

Sau hơn nửa thế kỷ kinh doanh, tích lũy của cải, bà Tư Hường đã xây dựng được khối tài sản khổng lồ trải rộng trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước và trở thành một trong những người phụ nữ quyền lực nhất trong giới đầu tư Việt Nam.

Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)

Bà Cao Thị Ngọc Dung nổi danh trong giới kinh doanh với cương vị là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) từ năm 2004 đến nay.

Song song đó, bà Dung còn đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo, quản trị ở những DN khác mà PNJ là cổ đông lớn như Chủ tịch HĐQT Cty CP Địa ốc Đông Á. Trước đó, bà còn đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á, Chủ tịch HĐQT Cty CP Năng lượng Đại Việt… và nhiều vai trò quan trọng ở những công ty khác.
Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) 
Điều khiến giới kinh doanh nói chung và giới kinh doanh vàng nói riêng hầu hết đều khâm phục chị Dung, không chỉ là bởi kinh nghiệm và những vị trí chị đã kinh qua, mà chính là vì khả năng chèo lái con thuyền PNJ của chị trong rất nhiều năm tháng.

Từ một cửa hàng trang sức, một thương hiệu mang tầm vóc… quận, trong vòng 25 năm đã vươn dậy tiến tới trở thành thương hiệu quốc gia, được tổ chức Plimsoll (Anh) đánh giá và xếp hạng thứ 16 trong 500 Cty trang sức lớn nhất trong khu vực Châu Á.

Còn bà Cao Thị Ngọc Dung đã được đánh giá là một trong Top 5 nữ CEO quyền lực và Top 5 doanh nhân xuất sắc nhất Việt Nam trong Giải thưởng “Ernst & Young – Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp năm 2012” do VCCI phối hợp cùng Ernst & Young thực hiện.

Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)

Cái tên Mai Kiều Liên đã trở thành huyền thoại trong ngành sữa Việt Nam và là biểu tượng cho sự quyền lực của nữ giới trong lĩnh vực kinh tế của Việt Nam.

Sinh năm 1953, bà Mai Kiều Liên ban đầu khởi nghiệp chỉ với tấm bằng kỹ sư công nghệ chế biến sữa, sau đó đến năm 2003, bà đã vươn lên trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), đóng góp rất lớn trong việc xây dựng vị thế của Vinamilk trên trường quốc tế và trong nước như hiện nay.
Chân dung huyền thoại Mai Kiêu Liên
Chân dung huyền thoại Mai Kiều Liên - Cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)
Dưới sự chèo lái của bà Liên, năm 2014, Cục chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn VN (Bộ NN&PTNN) đã trao tặng giải thưởng trang trại bò sữa xuất sắc nhất Việt Nam 2014 cho Vinamilk. Ngoài ra, vượt qua hơn 100 sản phẩm được đề cử đến từ 70 quốc gia, sản phẩm sữa nước của Vinamilk đã được lọt vào vòng chung kết và đoạt giải thưởng Công nghiệp thực phẩm Toàn cầu 2014.

Là bà chủ của hãng sữa lớn tại Việt Nam, bà Mai Kiều Liên còn được gọi với những biệt danh như đại gia sữa, người đàn bà sữa. Bà cũng là người Việt Nam duy nhất nằm trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2012, được bình chọn bởi Forbes.

Ngày 25/7 vừa qua, bà Mai Kiều Liên đã rút khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) với lý do được nói là vì Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông của Vinamilk năm 2015 đã thông qua việc tách hai vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc, không cho kiêm nhiệm.

Vì vậy hiện tại bà Mai Kiều Liên chỉ giữ chức Tổng giám đốc Vinamilk, còn ngôi vị Chủ tịch HĐQT được bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch HĐQT ngân hàng HD Bank kế nhiệm. Tuy nhiên người ta vẫn kỳ vọng huyền thoại Mai Kiều Liên sẽ tiếp tục đóng góp để xây dựng Vinamilk - doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam với doanh số hàng năm vẫn đạt tới gần 1 tỷ USD.

Huyền Trân(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn