• Zalo

Chân dung người giàu nhất Trung Quốc mất 15 tỷ USD trong 30 phút

Kinh tếThứ Hai, 25/05/2015 06:02:00 +07:00Google News

Li Hejun thích các nhân viên gọi mình là "Chủ tịch Li". Ông cho rằng, cách gọi này nghe "oai" hơn phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp khác tại Trung Quốc.

Li Hejun thích các nhân viên gọi mình là "Chủ tịch Li". Ông cho rằng, cách gọi này nghe "oai" hơn phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp khác tại Trung Quốc.

Thời điểm cổ phiếu Công ty Pin năng lượng mặt trời Hanergy (HTF) sụt giảm kỷ lục hôm thứ Tư vừa qua, Chủ tịch Li Hejun không có mặt tại cuộc họp thường niên của doanh nghiệp này tại Hong Kong.

Theo Tập đoàn Hanergy, ông Li bận tham dự lễ khai mạc Trung tâm hội chợ năng lượng sạch Bắc Kinh. Doanh nghiệp này cũng cung cấp ảnh chụp khi ông có bài phát biểu tại sự kiện nói trên.

Li Hejun, 48 tuổi, là người sáng lập và cũng là cổ đông lớn nhất của Tập đoàn Hanergy. Ông hiện nằm trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc. Ông thường thích nhân viên gọi mình là "Chủ tịch Li" - chức danh nghe "oai" hơn phần lớn các sếp ở Trung Quốc.

Vị chủ tịch bí ẩn

Văn phòng tại Bắc Kinh của Tập đoàn Hanergy cũng hoành tráng như chức danh của ông. Đường vào cho khách là một hành lang dài đi qua những cánh cửa khổng lồ được theo dõi bởi hai nhân viên bảo vệ cao lớn mặc đồng phục.
Li Hejun thích nhân viên gọi mình là "Chủ tịch Li".
Li Hejun thích nhân viên gọi mình là "Chủ tịch Li". Ảnh: Dealbreaker. 

Văn phòng của chủ tịch được bài trí với những giá sách được làm từ cẩm lai, loại gỗ đang có nguy cơ tiệt chủng. Trên tường, sau một chiếc bàn thấp dành cho tiệc trà, gắn một tấm lụa lớn đề thơ cổ.

Theo lời kể của cư dân gần đó, hàng loạt vệ sĩ, giúp việc và tài xế thường ra vào căn penthouse của gia đình ông trong một tháp dân cư hạng sang tại Bắc Kinh. Mặc dù vậy, họ hiếm khi thấy ông Li lộ diện.

Phần lớn doanh nhân tư nhân Trung Quốc đi lên từ hai bàn tay trắng kiếm tiền nhờ các sản phẩm tiêu dùng. Tuy nhiên, ông Li có sự khác biệt khi thành công từ lĩnh vực thuỷ điện do nhà nước chi phối.

Dám đối đầu với Nhà nước

Li thành lập công ty đầu tiên vào năm 1994. Công ty này được biết đến với tên gọi Tập đoàn Hanergy,  tập trung vào việc kinh doanh điện tử và đồ chơi.

Đột phá đầu tiên của ông trong kinh doanh là xây những đập thuỷ điện nhỏ tại quê nhà Hà Nguyên, thuộc tỉnh Quảng Đông, phía Đông Nam Trung Quốc. Những công trình này được xây dựng vào giữa thập kỷ 90, khi chính quyền địa phương đang tìm mọi cách cung cấp đủ điện cho các nhà máy đang mọc lên tại vùng đồng bằng sông Châu Giang.

Tuy nhiên, Li cho biết thành công lớn của ông chỉ đến vào cuối những năm 90, khi chính quyền địa phương tỉnh Vân Nam (Tây Nam Trung Quốc) mời một nhóm thương nhân tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tỉnh Vân Nam khi đó đang nỗ lực thu hút vốn từ Bắc Kinh và ông Li đã nhanh chóng nhận xây dựng 8 đập thuỷ điện lớn trên sông Kim Sa.

Quyết định nói trên của vị tỷ phú đã thu hút sự chú ý của Bắc Kinh. Vào đầu những năm 2000, các đập thuỷ điện bị chuyển qua cho các doanh nghiệp phát triển năng lượng trực thuộc Nhà nước với lý do một công ty tư nhân không thể đủ khả năng xây dựng chúng.

Ông Li sau đó đã kiện cơ quan kế hoạch Nhà nước và giành lại được một dự án, khi mà các nhà vận động vì môi trường đang tạm thời làm ngưng dự án xây đập.

Trong vài năm sau đó, ông theo học tại Đại học Cambridge, Vương Quốc Anh. Đó cũng là lúc Hanergy phát triển đa dạng hóa ngành nghề với lĩnh vực năng lượng gió.

Vào năm 2010, thông qua hệ thống ngân hàng ngầm tại Trung Quốc, Hanergy đã gây đủ tiền để có thể hoàn thành con đập tại tỉnh Vân Nam. Ông Li gọi đập Jinanqiao là "con gà đẻ trứng vàng". Đây chính là dự án giúp ông thâm nhập thành công vào lĩnh vực năng lượng mặt trời.

Trở thành người giàu nhất Trung Quốc nhờ pin mặt trời
Li thành lập công ty đầu tiên vào năm 1994, tập trung vào việc kinh doanh điện tử và đồ chơi. Ảnh: Wantchinatimes. 

Năm 2011, Tập đoàn Hanergy nắm quyền kiểm soát một công ty ở Hong Kong, sau đó đổi tên thành HTF. Hiện tại, công ty này chuyên cung cấp thiết bị sản xuất các tấm pin mặt trời.

Cổ phiếu của HTF, công ty con tại Hong Kong của Tập đoàn Hanergy, tăng giá tới 600% trong hai năm gần đây. Tuy nhiên, thứ Tư vừa qua, giá trị của cổ phiếu này đã giảm 47% chỉ trong vòng 30 phút.

Một báo cáo do Financial Times công bố vào tháng 3 đã hé lộ những dấu hiệu giao dịch bất thường của cổ phiếu HTF. Vào tháng 2, tờ báo này cũng tiết lộ về việc Tập đoàn Hanergy vay lãi suất cao hàng tỷ nhân dân tệ tại hệ thống ngân hàng ngầm.

Tháng 1 vừa qua, Financial Times cũng chỉ ra sự thành công vượt bậc của Tập đoàn Hanergy có được đa phần đều thông qua doanh thu chủ yếu từ các mua bán giữa HTF và công ty mẹ.

Trên thực tế, theo Bloomberg, việc cổ phiếu Hanergy sụt giảm 47% tuần vừa qua không hẳn đã có ảnh hưởng quá lớn tới Li Hejun. Ngày 18/5/2015,  vị chủ tịch này đã mua thêm 26,4 triệu cổ phiếu Hanergy, đi kèm với điều khoản gia tăng quyền bán khống từ 5,81% lên 7,71%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Li Hejun cuối cùng vẫn có những lợi ích nhất định, bất chấp sự sụt giá của cổ phiếu công ty ông.

Nguồn: Zing
Bình luận
vtcnews.vn