Tháng 4/1985, Aimes tự mình bước qua ngưỡng cửa toà nhà Đại sứ quán Liên Xô nằm trên phố 16, Washington và trao cho người trực ban một bức thư mật với lời yêu cầu gửi thẳng cho Tổ trưởng KGB ở Washington. Aimes thừa nhận trong bài trả lời phỏng vấn tờ Washington Post sau khi bị bắt: “Các quan điểm thúc đẩy tôi hợp tác với Xô-viết”.
Trong một cuộc thẩm vấn, nhân viên FBI hỏi: “Nếu như bây giờ được bắt đầu lại mọi thứ, anh sẽ chọn CIA hay KGB?”. Aimes đáp không lưỡng lự: "KGB".
Từ khi còn trẻ, Aimes không tin rằng tồn tại một “nguy cơ Xô-viết”. Sau này, với tư cách là chuyên gia tình báo về Liên Xô, ông càng có điều kiện để so sánh hai quốc gia. Ông nhận ra hình ảnh Liên Xô mà bộ máy tuyên truyền Mỹ vẽ ra là hoàn toàn bịa đặt. “Tôi chưa bao giờ tự hào mình là người Mỹ. Tôi yêu đất nước tôi, nhưng đối với các thiết chế của nó thì không như vậy. Tôi chưa hề có cảm giác về sự gắn bó với CIA”, ông cho hay.
Một đồng sự nhận xét, Aimes “công khai căm thù không chỉ những người cùng làm việc, mà cả tổ chức của họ và toàn bộ những gì liên quan đến họ”.
Theo đánh giá của Aimes, vào thời điểm ấy Liên Xô giống như một cục pho mát Thuỵ Sĩ bị những con chuột chũi gián điệp gặm ngang gặm dọc, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào dưới gánh nặng phản bội. Aimes biết rõ những con chuột này và muốn giúp Liên Xô “làm phẳng lại sân chơi” bằng cách lôi những con chuột ấy ra khỏi lỗ.
Sau khi về “đầu quân” cho KGB, Aldrich Aimes chọn cho mình bí danh “Quả chuông”. “Tôi muốn bắt chước nhà dân chủ - nhà khai sáng Nga Alesander Ghersen", Aimes giải thích. "Thông qua tạp chí Quả chuông, Ghersen đánh thức tư duy Nga và phát đi lời cảnh báo”.
Tiếng chuông kéo chuột ra khỏi hang
Theo thừa nhận của FBI, nhờ “điệp viên hai mang của mọi thời đại” Aldrich Aimes mà người Nga có được hồ sơ đầy đủ của trên 30 kẻ phản bội bị CIA mua chuộc hoặc công dân nước khác làm việc cho CIA chống lại Liên Xô. Aimes cũng báo cho KGB các chi tiết của ít nhất là 50 chiến dịch tình báo do CIA tổ chức nhằm vào Liên Xô và Nga.
Trong suốt 10 năm trời, cơ quan phản gián Liên Xô hầu như biết trước mọi điệp vụ của CIA, trong đó có nhiều kế hoạch do chính Aimes soạn thảo hoặc tham gia soạn thảo. Thông qua Aimes, tình báo Nga còn nắm được nhiều vấn đề nội bộ của CIA như ngân sách, cơ cấu, nhân sự, trạng thái tinh thần... và chuyển cho CIA nhiều tin giả gây thiệt hại rất lớn cho phía Mỹ.
Trong số các điệp viên Liên Xô làm việc cho CIA bị Aimes phanh phui có những “con chuột” mà CIA rất quý như Dmitry Polyakov và Adolf Tokachov. Thiếu tướng Polyakov từng cung cấp cho phía Mỹ nhiều tin tuyệt mật về nhiều loại vũ khí mới nhất do Liên Xô thiết kế, chế tạo. Y cũng chuyển cho CIA những tài liệu về đường lối chính trị và chiến lược quân sự Liên Xô. Toàn bộ tài liệu mà Poliakov bán cho Mỹ chất đầy 25 ngăn kéo trong kho lưu trữ của CIA.
Kỹ sư Tokachov từ năm 1977 thường xuyên chuyển cho Sứ quán Mỹ tại Moscow những thông tin liên quan đến công nghiệp quốc phòng và các phát minh khoa học mới nhất, phục vụ đắc lực cho các tổ hợp quân sự của Mỹ.
Một phần nhờ Tokachov mà Mỹ dần thắng thế Liên Xô trong cuộc chạy đua vũ trang, đến mức, như chính người Mỹ đánh giá, “nếu chiến tranh xảy ra ở châu Âu thì Mỹ sẽ hoàn toàn làm chủ bầu trời”. Không phải ngẫu nhiên mà tiền công CIA trả cho Tokachov lên đến trên 2 triệu USD.
Aimes còn có công phát hiện và lật tẩy những kẻ ăn ở hai lòng đầy nguy hiểm khác như Motorin và Potashev, Gordievsky và Iugin, Martunov và Varennikov...
Aimes cũng vẽ nên và trao cho ban lãnh đạo KGB một bức tranh toàn cảnh về việc tình báo Mỹ thâm nhập vào nhiều lĩnh vực, trong đó có cả guồng máy cao cấp của Đảng và Nhà nước, hòng làm tan rã Liên Xô và nền kinh tế của nó. Khắp đất nước đầy rẫy những nhà “dân chủ”, những kẻ “cấp tiến”... được CIA chi trả.
Chủ tịch KGB lúc bấy giờ là V. A. Kriuchkov báo cáo lãnh đạo Liên Xô và cá nhân ông M. Gorbachov về tình hình nguy hiểm này. Rất tiếc là lãnh đạo không rút ra kết luận cần thiết từ những hồi chuông mà “Quả chuông” vàng Aldrich Aimes gióng lên.
Cửa hồ sơ KGB bị mở
Những thất bại liên tiếp đã buộc CIA cảnh giác và FBI bắt đầu rà soát lại nội bộ. Trong một lần kiểm tra thường lệ, họ phát hiện ra sự chi tiêu quá khả năng của gia đình Aimes. Chính Aimes sau này cũng thừa nhận sự nhẹ dạ và sơ suất này của mình.
Mùa thu năm 1991, lợi dụng tình trạng hỗn loạn trong nội bộ KGB vừa được “cải tổ”, phía Mỹ đưa ra giải thưởng trị giá 5 triệu USD dành cho ai phát hiện và tố cáo một “con chuột bự” nằm sâu trong cộng đồng tình báo Mỹ. Đề nghị này được chuyển cho một loạt nhân viên đặc vụ Nga, nhưng không ai trong số họ trả lời.
Tuy nhiên, đến đầu năm 1993, khi quá trình sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô đã hoàn tất thì cũng tìm được người biết cách mở cửa hồ sơ của Tổng cục I KGB. Và “người đó” đã thông báo cho FBI những thông tin cần thiết về điệp viên có bí danh “Quả chuông”. Tiếp đó, việc tìm ra Aimes chỉ còn là vấn đề kĩ thuật.
Tháng 4/1994, vợ chồng Aimes bị đưa ra toà. Rút kinh nghiệm từ vụ vợ chồng nhà khoa học Rosenberg, Aimes thừa nhận toàn bộ tội trạng và đồng ý hợp tác với cơ quan điều tra để đổi lấy một án nhẹ nhàng cho vợ.
Kết quả, Aimes bị kết án chung thân, bị tước bỏ quyền được ân xá và bị giam trong xà lim riêng tại nhà tù Allenwood ở bang Pensilvania. Maria Del Rosario chịu hình phạt 63 tháng tù giam, án nhẹ nhất cho loại tội danh này. Lúc ấy con trai Paul của họ mới lên 6 tuổi.
Bình luận