• Zalo

Chân dung đại gia chứng khoán Hà Nội muốn ‘tự sát’

Kinh tếThứ Hai, 25/04/2016 06:32:00 +07:00Google News

Đã có thời là đại gia chứng khoán Hà Nội nhưng hiện tại Kim Long đang có kế hoạch “tự sát” dù trong tay vẫn còn khoảng 2.000 tỷ đồng.

(VTC News) – Đã có thời là đại gia chứng khoán Hà Nội nhưng hiện tại Kim Long đang có kế hoạch “tự sát” dù trong tay vẫn còn khoảng 2.000 tỷ đồng.

Một thời thăng trầm

Năm 2006, thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ với những đại gia “đời đầu” như FPT, REE, SAM, SSI... Mặc dù xuất hiện muộn hơn nhưng cổ phiếu KLS của công ty cổ phần chứng khoán Kim Long vẫn chứng tỏ được vị thế của mình.

Xét trong nhóm cổ phiếu chứng khoán trên toàn thị trường, KLS chỉ đứng sau SSI. Xét trên sàn giao dịch Hà Nội, KLS là một trong những mã dẫn dắt sàn Hà Nội. Cùng với vị thế gia tăng trên sàn, vốn của KLS cũng được cải thiện nhanh chóng. Chỉ sau vài năm hoạt động, KLS tăng vốn điều lệ lên hơn 2.000 tỷ đồng và trở thành một trong những công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Năm 2006 – thời điểm thị trường chứng khoán bắt đầu “chạy đà”, lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn khiêm tốn, chỉ đạt 4,46 tỷ đồng. Dù vậy, đây không phải con số tệ vì năm đó, vốn chủ sở hữu của công ty mới hơn 22 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán Kim Long sẽ giải thể
Công ty chứng khoán Kim Long sẽ giải thể
Sang năm 2007, các chỉ tiêu tài chính của KLS tăng vọt. Công ty đạt 126,25 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 28 lần so với năm 2006. Có thể thấy đây là khoảng thời gian công ty “hái ra tiền” cùng với sự thăng hoa của thị trường chứng khoán và sự hưng phấn của giới đầu tư. KLS được xem là đại gia chứng khoán Hà Nội.

Thành tích trong năm 2007 khiến ban lãnh đạo công ty hứng khởi và đưa 31,5 triệu cổ phiếu KSL giao dịch tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội vào ngày 28/1/2008. Trong những ngày đầu tiên, có thời điểm KLS vươn lên mức giá 68.200 đồng/CP.

Thế nhưng, trong năm đầu tiên niêm yết, KLS khiến nhà đầu tư thất vọng khi bất ngờ công bố khoản lỗ khủng. Năm 2008, KLS lỗ tới 347,44 tỷ đồng. KLS lọt vào danh sách các doanh nghiệp lỗ nặng nhất thị trường chứng khoán.

Sang năm 2009, KLS tìm lại được vị thế của mình khi lãi 362,80 tỷ đồng. Đa số khoản lãi này đều đến từ hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn chứ không phải  từ hoạt động môi giới.

Và rồi KLS đã chứng minh mình là doanh nghiệp... không ổn định khi lãi, lỗ bất thường. sau năm lãi kỷ lục 2009, KLS bất ngờ báo lỗ 172,82 tỷ đồng. Vì thế, những khoản lãi 184,5 tỷ đồng, 21,57 tỷ đồng, 138,34 tỷ đồng, 144,79 tỷ đồng từ năm 2011 đến 2014 không giúp KLS được giới đầu tư đánh giá cao như trước đây nữa.

Sự mất ổn định được thể hiện rõ trong năm 2015.  Thua lỗ trong 3 quý khiến cả năm  2015 KLS hao hụt 39,06 tỷ đồng. Trong khi đó, đối thủ lớn của KLS là công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) gặt hái được rất nhiều thành công. Lợi nhuận sau thuế của SSI trong năm 2013, 2014 và 2015 lần lượt là 418,04 tỷ đồng, 744,83 tỷ đồng và 851,91 tỷ đồng.

Đại gia muốn “tự sát”

Chỉ duy trì được vị thế đại gia chứng khoán Hà Nội trong thời gian ngắn rồi từ từ tuột dốc với đối thủ nên KLS được tin rằng sẽ phải cố gắng tìm ra các biện pháp tự cứu mình. Tuy nhiên, KLS bất ngờ đưa ra lựa chọn gây sốc. Đó là giải thể công ty dù vẫn sở hữu tiền mặt và lượng cổ phiếu trị giá hơn 2.000 tỷ đồng.

Nhiều người đánh giá đây là hành động “tự sát” của một đại gia. Nhiều người thì phân tích đây là kết quả tưởng như bất ngờ nhưng lại không hề đáng ngạc nhiên với những người am hiểu tài chính. Đúng là KLS có nhiều năm lãi lớn nhưng lại tỏ ra mình là nhà giàu... không biết tiêu tiền.

Năm 20011, sau khi tăng vốn điều lệ “thần tốc”, KLS sở hữu hàng ngàn tỷ đồng. Thế nhưng thay vì đưa đi đầu tư hay tự doanh, KLS lại mang khoản tiền mặt 1.800 tỷ đồng gửi ngân hàng và nhận khoản lãi gần 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay cả việc đem tiền gửi tiết kiệm cũng không hiệu quả vì mức lãi suất huy động của ngân hàng của KLS cũng thấp hơn mức lãi suất trả cho các cá nhân.

KLS “chết”, đại gia dầu khí lao đao theo

Nếu KLS “tự sát”... thành công thì đó không phải là câu chuyện riêng của đại gia chứng khoán Hà Nội một thời nữa. Đó còn là tin xấu cho nhiều đại gia dầu khí vì hiện tại, KLS sở hữu rất nhiều cổ phiếu. Trước khi giải thể công ty, KLS phải bán hết cổ phiếu để lấy tiền mặt chia cho cổ đông.

Cụ thể, hiện tại, KLS đang nắm giữ hơn 5 triệu cổ phiếu PVS, hơn 3,5 triệu cổ phiếu PVD, hơn 2,9 triệu cổ phiếu CTG, hơn 1,4 triệu cổ phiếu GAS,... Đa số các mã này đều giảm giá mạnh so với giá KLS mua vào.

Nếu KLS công bố bán hết danh mục đầu tư, với việc sử hữu lượng cổ phiếu khá lớn, KLS có thể khiến các cổ phiếu này bị ảnh hưởng.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn