Video: 'Bảo tàng' kỷ vật bóng đá 1-0-2 của doanh nhân trẻ ở Hà Nội
Với những người yêu thích bóng đá, việc sở hữu kỷ vật của các ngôi sao hàng đầu thế giới như Diego Maradona, Lionel Messi, Cristiano Ronaldo là mơ ước cháy bỏng.
Được chạm vào áo đấu hay giày thi đấu cũng giống như rút ngắn khoảng cách giữa người hâm mộ và thần tượng. Các ngôi sao bóng đá không còn ở phương trời xa xôi, mà như thể gần ngay trước mắt. Sưu tầm và lưu lại những kỷ vật, cũng đồng nghĩa giữ lại mãi mãi tình yêu với môn thể thao vua.
Tuy nhiên, không phải cổ động viên nào cũng đủ khát khao và độ "máu" để theo đuổi đam mê sưu tầm. Ở Hà Nội, doanh nhân trẻ Phạm Ngọc Quốc Cường đang sở hữu một phòng trưng bày với hàng nghìn hiện vật của các danh thủ bóng đá. Một bảo tàng bóng đá đúng nghĩa, "thôi miên" tâm trí người xem mỗi khi bước vào.
Niềm cảm hứng Diego Maradona
Căn phòng trưng bày rộng 35m2 với một giếng trời thu hút ánh sáng ở vị trí trung tâm chính là khoảng không gian cô đọng nhất niềm đam mê và tình yêu bóng đá của doanh nhân Quốc Cường.
Trên bốn bức tường, các kỷ vật bóng đá lần lượt được bày ra. Bên trái cửa chính là áo đấu của Ronaldo và Pele - những huyền thoại bóng đá Brazil. Bên phía đối diện, những chiếc giày thi đấu của Ronaldo, Hristo Stoichkov được treo ở vị trí trang trọng nhất, đặt vuông góc với hàng trăm bức ảnh mang chữ ký cầu thủ.
Sở hữu một trong số những vật phẩm này đã là mơ ước với nhiều CĐV. Nhưng với Phạm Ngọc Quốc Cường, anh vẫn không ngừng làm dày khối kỷ vật, không nhằm lấp đầy từng mảng tường trong phòng trưng bày, mà để thỏa mãn đam mê bóng đá.
Tình yêu với môn thể thao vua được Quốc Cường gieo hạt vun trồng 31 năm trước, trong một lần theo dõi World Cup và đem lòng mến mộ huyền thoại Diego Maradona.
"Thời điểm tôi bắt đầu yêu bóng đá là vào năm 1990, khi World Cup được tổ chức vào mùa hè ở Italy. Bài hát của giải đấu năm ấy là 'Mùa hè Italy', được phát thường xuyên trên TV. Giai điệu sôi động hòa quyện trong cái sâu lắng của bài hát làm tôi cảm thấy sôi sục.
Trong clip chiếu lại trên TV, tôi được xem hình ảnh Diego Maradona bật khóc sau trận chung kết giữa Argentina và Đức, nơi đội bóng của Maradona thua trên chấm đá luân lưu. Tôi rất ấn tượng với hình ảnh chàng cầu thủ tóc xoăn rồi bật khóc được lặp lại nhiều lần trong clip.
Sau thời gian tìm hiểu, tôi mới biết cầu thủ tóc xoăn ấy là Maradona, cầu thủ hay nhất thế giới. Tôi bắt đầu cứ xem và hâm mộ từ lúc ấy", anh kể lại.
Giọt nước mắt của Diego Maradona trong mùa hè nóng bỏng ở Italy đã đánh thức tình yếu bóng đá trong Quốc Cường, nên trong "bảo tàng" bóng đá được doanh nhân này dày công vun đắp, hình ảnh Maradona được để ở cánh cửa.
Được Maradona mở cửa trái tim, nên những kỷ vật quý giá nhất của ông, Quốc Cường xếp ngăn nắp trên cửa để nhắc nhở bản thân không được thôi trân quý, lãng quên người đã đưa mình đến với môn thể thao vua.
"Cầu thủ tôi yêu thích và quý mến đặc biệt nhất là Diego Maradona. Tôi có đủ áo đấu của ông ở những đội bóng lớn nhất như Boca Juniors, Barcelona, Napoli, Argentina,...
Maradona là người dẫn dắt tôi đến với đam mê bóng đá. Từ hình ảnh rất giản đơn trong trận chung kết, lúc tôi chưa biết Maradona là một huyền thoại, đến khi bắt đầu tìm hiểu qua băng video cassette để xem lại những bàn thắng của ông ở World Cup thì với tôi, Maradona mãi là thần tượng.
Ông cũng là ngôi sao trong tim rất nhiều người đam mê bóng đá. Maradona là con người phàm trần, chứ chẳng phải được "thần thánh hóa" như Pele. Tôi đặt hình ảnh của Maradona ở cửa ra vào, bởi luôn xem ông là người dẫn lối, đưa mình đến với niềm đam mê bóng đá.
Tôi cũng may mắn được tặng poster của Maradona ở World Cup 1986, giải đấu mà anh dẫn dắt Argentina bước lên ngôi vô địch. Giá trị của tấm poster ấy có thể lớn như những món đồ khác, nhưng rất khó tìm kiếm mà đôi khi có tiền cũng không mua nổi. Những kỷ vật yêu thích nhất đôi khi lại rất giản đơn", Quốc Cường khẳng định.
Quốc Cường cũng yêu bóng đá theo cách đặc biệt và vô cùng "chịu chơi". Đã phải lòng thì dù khó khăn đến mấy, doanh nhân trẻ này cũng không nản chí. Trong 800 chiếc áo Quốc Cường đang sở hữu, áo đấu của Diego Maradona ở Boca Juniors là kỷ vật khó tìm kiếm nhất.
"Kỷ vật có hành trình xa nhất để đến phòng trưng bày là chiếc áo đấu của Maradona ở Boca Juniors. Đây là chiếc áo rất khó tìm kiếm. Tôi phải nhờ bạn bè trên khắp thế giới, suốt hơn 1 năm mới có người tìm thấy để giới thiệu cho mình. Chiếc áo khi ấy nằm ở Argentina, xuất phát từ buổi ký tặng của Maradona ở Buenos Aires.
Sau đó, có người sưu tầm được và đem bán. Khi tìm được, tôi quyết định lấy luôn. Phải sau đó 2 tháng, tôi mới có thể mang áo của thần tượng về, để rồi xếp ngăn nắp, trang trọng ở phòng trưng bày", Quốc Cường chia sẻ.
Đam mê bất tận
Gọi phòng trưng bày của doanh nhân Quốc Cường là "bảo tàng" bóng đá là bởi hai lý do. Thứ nhất, những vật phẩm anh mang về đều thuộc dạng "hiếm có khó tìm".
Không chỉ có áo đấu, giày thi đấu, chữ ký hay những bức tượng của Lionel Messi và Cristiano Ronaldo được đúc tinh xảo từng chi tiết hình họa trên khuôn mặt, phòng trưng bày của Quốc Cường còn có những cuốn sách, bưu phẩm được xuất bản cách đây 20, 30 năm.
Những cuốn sách về Manchester United như Hồi ký của Sir Alex Ferguson (được chắp bút bởi Patrick Barclays với tựa đề "Bóng đá, địa ngục đẫm máu), sách về Diego Maradona, Eric Cantona hay Ronaldo được xếp ngăn nắp và trang trọng. Với Quốc Cường, sách, tượng hay áo không quan trọng bởi "cứ liên quan đến bóng đá, tôi sẽ kiếm tìm bằng được".
Thứ hai, căn phòng trưng bày của Quốc Cường giống như thước phim tua chậm về lịch sử bóng đá thế giới trong hơn ba thập kỷ, từ thời Diego Maradona tung hoành, đến giai đoạn Hristo Stoichkov, Eric Cantona, Ronaldo tỏa sáng, đến kỷ nguyên đua tranh hấp dẫn của Cristiano Ronaldo và Lionel Messi.
Chiếc giày của ngôi sao trẻ Kylian Mbappe cũng được Quốc Cường giữ lại. "Nhất định tôi sẽ tìm một chỗ thật trang trọng để trưng lên", doanh nhân trẻ nói. Khi Mbappe ra đời (năm 1998), Ronaldo là đầu tàu đưa Brazil lọt vào chung kết World Cup. Giờ đây, kỷ vật của cả hai được xếp gọn gàng trong không gian ưa thích của Quốc Cường.
Dòng thời gian nơi "bảo tàng" của anh đọng lại trong từng kỷ vật, nhưng có sự tiếp nối mạch lạc, rõ ràng như một dòng chảy xuyên qua nhiều thập kỷ. Bảo tàng ấy chẳng phải không gian đóng, mà nó luôn cởi mở đón chào những món đồ mới. Bởi tình yêu bóng đá của doanh nhân trẻ không bao giờ ngừng lại.
"Thời tôi bắt đầu yêu bóng đá, nước mình còn đang khó khăn. Việc kiếm được một chiếc áo chính hãng cũng rất khó, chưa nói đến áo có chữ ký cầu thủ. Khi ấy tôi còn bé, chưa có điều kiện sưu tầm. Ngày nào, tôi cũng bớt tiền ăn sáng, ăn trưa để mua báo thể thao như Thể thao Văn hóa, Sài Gòn giải phóng, sau có thêm báo Bóng đá.
Tôi cắt ảnh cầu thủ dán lên vở lưu giữ. Quá trình ấy kéo dài mãi đến khi tôi đi du học. Lúc ấy, nước mình mới có cửa hàng đầu tiên về bán áo đấu chính hãng, đặt ở Tràng Thi. Đó là cửa hàng nhỏ, cũng chỉ có vài chiếc áo chính hãng thôi", Quốc Cường vừa nói, vừa đặt từng ngón tay lên cuốn sổ sưu tầm anh nâng niu như một báu vật.
Cuốn sổ nhuốm màu bàng bạc của thời gian, với những bức hình của Mario Basler, Oliver Kahn, Roberto Baggio hay Dennis Bergkamp được cắt ra từ những tạp chí hay bất cứ bức hình nào "cậu bé Quốc Cường" tìm kiếm được từ thời niên thiếu.
Bước ngoặt đến với Quốc Cường khi anh đi du học. Đặt chân sang vùng trời mới, khoảng cách với đam mê sưu tầm cũng ngắn lại. Vị doanh nhân trẻ tích lũy từng chút với niềm tin "năng nhặt, chặt bị", để rồi bồi đắp nên phòng truyền thống hoành tráng và đắt giá như bây giờ.
"Khi Manchester United ký thỏa thuận với BIDV, nhờ may mắn quen với bạn bè ở đây, nên tôi được tặng những chiếc áo đầu tiên của Manchester United có chữ ký cầu thủ. Lúc ấy tôi nghĩ: Tại sao mình không đi tìm những chiếc áo có chữ ký cầu thủ ở khắp nơi trên thế giới. Niềm đam mê sưu tầm bắt đầu từ ấy.
Tôi nhờ những người bạn có cùng đam mê tìm kiếm giúp những chiếc áo, rồi mọi người tặng, trao đổi với mình. Khi số lượng kỷ vật lớn dần, tôi nảy ra ý tưởng làm nơi trưng bày để mình cảm thấy “sướng” cho mình thôi. Nếu gấp chiếc áo lại, cất đi, đôi khi mình không nhớ được mình có gì.
Để làm phòng trưng bày cho riêng mình, tôi có tham khảo các phòng trưng bày của các CLB trên thế giới, rồi nghiên cứu để trưng bày nhẹ nhàng và thẩm mỹ nhất. Tôi yêu thích Manchester United và Barcelona, nhưng không chỉ sưu tầm kỷ vật liên quan đến đội mình thích.
Phòng trưng bày của tôi có chủ đề là các huyền thoại của bóng đá thế giới. Tôi chủ yếu săn lùng kỷ vật của những cầu thủ giỏi, có tư cách tốt, hoặc có ảnh hưởng đến nền bóng đá của họ. Hiện tại, tôi có cả nghìn vật phẩm, nhưng chỉ bày ra những thứ mình tâm đắc nhất", Quốc Cường kể lại.
Doanh nhân 38 tuổi si mê môn thể thao đến mức dù đã có hàng nghìn vật phẩm vẫn có cảm giác... thiếu thiếu. Căn phòng của anh sẽ luôn rộng mở đón chờ những "người bạn mới", bởi để lấp đầy khoảng trống đam mê, có lẽ đầu tư bao nhiêu cũng không bao giờ là đủ.
"Tôi có áo bóng đá có chữ ký của cầu thủ quốc tế và Việt Nam. Riêng về số áo đấu có thể lên tới 700, 800 chiếc. Ngoài ra, tôi còn sở hữu hình ảnh, giày đá bóng, tượng, sách,... Mọi thứ liên quan đến bóng đá, tôi đều sưu tầm.
Tôi chưa có ý định dừng lại. Ngoài những kỷ vật trong năm vừa rồi như chữ ký, tượng, tranh ảnh,... tôi sẽ hướng tới thêm áo của các cầu thủ.
Mỗi cầu thủ ra sân thi đấu thường được chuẩn bị 3 chiếc áo, được sử dụng dự phòng nếu cầu thủ muốn thay, hoặc áo đấu bị rách. Dù mặc hay không, những chiếc áo đó cũng là dành cho cầu thủ đó rồi. Tôi sẽ cố gắng sưu tầm những vật phẩm ấy", anh nhấn mạnh. Đến lúc ấy, căn phòng trưng bày sẽ không còn đủ chỗ.
Sau khi chúng tôi tham quan "bảo tàng", Quốc Cường trở lại với bộ quần áo đá bóng anh mặc thường nhật. Doanh nhân trẻ sở hữu nhiều màu áo đội tuyển, nhưng hai chiếc áo anh yêu mến và trân trọng nhất thuộc về Italy và Argentina. Đây cũng là hai đội bóng anh luôn đặt vào niềm tin và sự chờ đợi lớn lao hơn tất thảy.
"Chung kết EURO 2020 là trận đấu rất khó đoán. Giữa hai đội, tôi dành tình yêu nhiều hơn cho Italy. Khi tôi bắt đầu xem bóng đá, giải Italy đang rất mạnh. Roberto Baggio, Gabriel Batistuta hay “bộ ba Hà Lan bay” (Marco van Basten, Ruud Gullit, Frank Rijkaard) đều tập trung ở đất nước hình chiếc ủng. Bóng đá Italy mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc.
Ở EURO 2020, Italy đang đá rất tốt, trừ trận gặp Tây Ban Nha bị đối thủ chiếm lĩnh thế trận. Ở trận chung kết, Anh có lợi thế chủ nhà. Họ chơi xù xì, lầm lì hơn. Đây là trận khó đoán.
Nếu hai đội chơi sòng phẳng, Italy có cơ hội lớn hơn, nhưng Anh là chủ nhà nên thế cục lại cân bằng. Italy có 52% cơ hội thắng, còn Anh là 48%. Hy vọng Italy sẽ vô địch EURO", Quốc Cường nói về trận chung kết EURO 2020 diễn ra vào 2h rạng sáng mai (12/7).
Vị doanh nhân trẻ sẽ lại gác mọi bộn bề cuộc sống, ngồi trước máy thu hình và theo dõi trận đấu cùng bố như một thói quen. Bóng đá luôn biến động. Từng lớp ngôi sao mới được sản sinh thay thế thế hệ cũ, nhưng với doanh nhân Hà Nội, giá trị của môn thể thao vua không thay đổi.
Anh coi bóng đá không chỉ là đam mê bổ trợ để thỏa mãn tinh thần, mà còn có được rất nhiều bài học đắt giá từ môn thể thao vua.
"Bóng đá giúp tinh thần mình vui vẻ, phấn chấn, điều này bổ trợ tốt cho công việc. Bóng đá có chiến lược, chiến thuật, lúc tấn công, lúc phòng ngự, tùy đối mạnh hay yếu mà áp dụng linh hoạt. Kinh doanh cũng vậy, mỗi dự án cần có chiến thuật, chiến lược riêng để giành được kết quả tốt nhất", Quốc Cường cắt nghĩa về đam mê.
Ba thập kỷ phải lòng bóng đá, phòng trưng bày không chỉ là món quà Quốc Cường tự thưởng lãm cho đam mê. Đó còn là "tượng hình" của một tình yêu sắt đá, bền bỉ và thôi thúc con người làm được những điều tưởng như khó khăn và thách thức nhất.
Bình luận