Sáng 3/7, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội, trả lời câu hỏi của đại biểu, lãnh đạo UBND TP Hà Nội và các sở, ngành đã làm rõ trách nhiệm đối với các dự án, công việc còn chậm triển khai.
Chất vấn tại kỳ họp, đại biểu Vũ Ngọc Anh (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, qua theo dõi có một số văn bản liên quan các dự án triển khai trên địa bàn được các cơ quan Trung ương gửi văn bản xin ý kiến nhưng các sở, ngành được giao nhiệm vụ tham mưu cho UBND thành phố trả lời rất chậm.
Ông Vũ Ngọc Anh dẫn chứng trường hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có công văn gửi thành phố đề nghị cho ý kiến thẩm định điều chỉnh hồ sơ Dự án khu đô thị Nam Thăng Long (hay còn gọi là khu đô thị Ciputra) nhưng 1 năm không nhận được câu trả lời dù liên tục có văn bản đôn đốc.
"Nguyên nhân vì sao sau 1 năm, UBND thành phố chưa có văn bản cho ý kiến với Bộ KH&ĐT. Đề nghị thành phố cho biết công tác đôn đốc, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này trong thời gian tới", đại biểu Ngọc Anh nêu yêu cầu.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, nguyên nhân khách quan là do khu đô thị Ciputra là khu đô thị lớn, quá trình đầu tư đã trải qua thời gian rất dài, bị thanh tra, kiểm toán nhiều lần và "có nhiều phức tạp ở trong này".
Trong khi đó, Sở KH&ĐT Hà Nội chỉ là cơ quan đầu mối được thành phố giao góp ý vào dự án, không phải riêng sở làm việc này. Sở cũng phải xin ý kiến các sở, ngành liên quan, chính quyền sở tại.
Về nguyên nhân chủ quan, ông Lê Anh Quân thừa nhận có trách nhiệm trong việc Sở KH&ĐT và các sở, ngành khi chưa khẩn trương, tích cực góp ý, tham mưu thành phố trả lời.
"Từ nội dung này, thành phố đã kiểm tra công vụ đối với Sở KH&ĐT và các sở, ngành liên quan. Trong đó kiểm điểm từ ban giám đốc, phó giám đốc sở phụ trách trực tiếp rồi các cán bộ thụ lý hồ sơ", ông Lê Anh Quân thông tin.
Ông Quân cho biết thêm việc kiểm điểm nhằm chỉ ra những vấn đề, biểu hiện trong việc xử lý hồ sơ và những bất cập, từ đó khắc phục cho những dự án sau này.
Cùng trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong trường hợp chủ trương đầu tư mới thì có thể thiết lập quy trình mạch lạc, còn khi điều chỉnh chủ đầu tư thì với mỗi dự án là cả một quá trình, lộ trình pháp lý rất phức tạp.
Đối với trường hợp của khu đô thị Ciputra, việc trả lời là chậm nhất vì dự án này quy lớn khoảng 300 ha, có chủ đầu tư cấp 1 liên doanh tập đoàn nước ngoài và trong nước, đồng thời có nhiều chủ đầu tư thứ cấp…
"Dự án này có nhiều khó khăn nên việc trả lời chậm. Nhưng việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án phức tạp, nhiều khó khăn thì càng cần sự tập trung cao độ của các cơ quan liên quan. UBND thành phố thấy rằng đây là một nội dung còn tồn tại, vướng mắc.
Thành phố sẽ tập trung củng cố, tăng cường năng lực cán bộ, tổ chức triển khai hiệu quả để làm sao rút ngắn tiến độ cho ý kiến với bộ, ngành Trung ương khi cho ý kiến điều chỉnh chủ trương đầu tư với dự án phức tạp. Đảm bảo trong thời gian ngắn nhất nhưng vẫn đảm bảo chất lượng", ông Tuấn nói.
Cũng liên quan dự án trên, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết Sở đã xem xét, kiểm tra công tác thực hiện kỷ luật, kỷ cương cán bộ đối với các sở ngành có liên quan.
Theo ông Cảnh, qua kiểm tra, "không đơn vị nào không thực hiện nghiêm". Riêng trách nhiệm của Sở KH&ĐT Hà Nội, đơn vị sẽ bố trí luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác một số cán bộ liên quan. Đoàn kiểm tra công vụ của Hà Nội sẽ ban hành kết luận về việc này trước ngày 31/7.
Bình luận