Trong chấm thi môn tự luận, các hội đồng chấm thi đều tuân thủ quy trình chấm kiểm tra 5% tổng số bài thi sau khi giám khảo chấm vòng 1, vòng 2 thống nhất điểm, trong đó tập trung vào bài đạt điểm cao. Các hội đồng thi đều tuân thủ nguyên tắc chấm kỹ, không áp lực về thời gian nhằm đảm bảo công bằng cho thí sinh.
Hiếm có điểm 9
Theo thống kê từ các hội đồng chấm thi, môn Ngữ văn năm nay ít bài được điểm cao. Mức điểm chủ yếu 5-7 điểm, ít bài được điểm 9.
Tại Bình Thuận, ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận, cho hay tới thời điểm này công tác chấm thi môn Ngữ văn đã hoàn tất.
Theo ông Thái, thống kê sơ bộ có một thí sinh điểm 9. Điểm cao trên 8 là 60 em, đạt 0,56%. Những bài thi này đều được chấm thẩm tra và công nhận mức điểm trên. Hơn 80% các bài thi có điểm trên 5 và phổ biến tập trung 5-7 điểm. Có tám thí sinh bị điểm liệt môn văn (dưới 1 điểm).
Ông Thái cho hay năm nay công tác chấm thi được tổ chức khá chặt chẽ và an toàn. Lực lượng chấm thi bao gồm 99 cán bộ chấm 10.835 bài thi ngữ văn. Việc chấm thi được tổ chức chấm hai vòng độc lập. Công tác chấm kiểm tra ngoài việc chấm 5% theo quy định thì các bài thi điểm cao đều được chấm thẩm tra để đảm bảo tính công bằng, minh bạch.
Về việc công bố điểm thi, ông Thái nói: “Bộ GD&ĐT chỉ đạo trực tiếp cho 63 sở GD&ĐT, sau khi Bộ công bố điểm thi, chúng tôi sẽ cho điểm thi lên website để học sinh không phải chờ đợi lâu. Ngày công bố điểm thi là 14/7”.
Tại tỉnh Khánh Hòa, bà Hoàng Thị Lý, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa, cho biết đến thời điểm này, tỉnh đã chấm xong bài thi môn ngữ văn và đang nhập điểm. Thống kê ban đầu, có hai bài thi đạt điểm 9, tỉ lệ điểm trên trung bình cũng khá nhiều. Dự kiến ngày 10/7, tỉnh sẽ hoàn tất công tác chấm thi môn Ngữ văn và gửi dữ liệu về cho Bộ GD&ĐT.
Tương tự, tại TP.HCM, công tác chấm thi Ngữ văn đã hoàn tất. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết có 61.325 bài đạt điểm trung bình trở lên (chiếm tỉ lệ 89,4%), 1.366 bài từ điểm 8 trở lên (tỉ lệ 1,9%). Đặc biệt có 6 bài thi đạt điểm 9.
Lý do bài thi Ngữ văn ít có điểm cao, một cán bộ chấm thi tại TP.HCM lý giải do phần đọc hiểu ra thể loại thơ khiến các em khó cảm hơn, vì thế khó lấy được điểm trọn vẹn. Thứ hai, đặc điểm của thể ký thí sinh thường không thích, không hào hứng. Hơn nữa suy nghĩ của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện trong đoạn văn bản khá hay cho nên thí sinh khó lột tả hết được xúc cảm đó.
Cùng với TP.HCM, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng hoàn thành việc chấm thi môn ngữ văn.
Nhiều bài thi trắc nghiệm mắc lỗi
Năm nay, các trường ĐH được giao nhiệm vụ chấm thi trắc nghiệm đều tổ chức chấm ngay sau khi kết thúc thi THPT Quốc gia, nên nhiều trường hoàn thành việc chấm trắc nghiệm.
Ông Phạm Thái Sơn, đại diện Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, là đơn vị được phân công chấm thi trắc nghiệm tại tỉnh Bình Thuận, cho biết quét xong bài trắc nghiệm và bàn giao dữ liệu điểm cho Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận.
Năm nay trường quét 31.999 bài thi trắc nghiệm. Trong quá trình quét cũng xuất hiện trên 100 bài thi bị lỗi nên phải điều chỉnh, chủ yếu xuất hiện ở bài thi môn Ngoại ngữ. “Năm nay, Bộ GD&ĐT làm chặt ở khâu mã hóa từng giai đoạn nên rất khó biết được điểm của các thí sinh” - ông Sơn nói.
Tại Thanh Hóa, ĐH Bách khoa Hà Nội là đơn vị được giao chấm thi trắc nghiệm THPT Quốc gia năm 2019.
Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho hay trường chấm xong hơn 102.000 bài thi trắc nghiệm. Trong quá trình chấm thi, có nhiều bài thi bị lỗi phải sửa như sai số báo danh, sai/trùng mã đề, tô mờ, không nhận dạng được bài thi.
Theo ông Tớp, những lỗi này bắt buộc phải sửa, nếu không phần mềm sẽ không chấm được. Đặc biệt, có một bài thi không ghi gì và đã được ban chấm thi lập biên bản coi như trường hợp bất thường.
Bình luận