• Zalo

Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà: Những điều cha mẹ phải nhớ

Bệnh và thuốcThứ Bảy, 02/07/2022 09:15:36 +07:00Google News
(VTC News) -

Chuyên gia nêu một số lưu ý với người lớn khi trẻ bị sốt xuất huyết.

TS Đặng Thị Thuý – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết với trẻ nhỏ hay người lớn khi nhiễm virus sốt Dengue thì biểu hiện đầu tiên là sốt cao đột ngột 39 – 40 độ, biểu hiện nhiễm trùng toàn thân đau mỏi người, kén ăn.

Bị sốt xuất huyết, bạn còn có thêm triệu chứng là đau hốc mắt và xuất hiện ban đỏ, chấm xuất huyết trên da. Các triệu chứng này thường khó nhận biết.

Bác sĩ Thuý khuyên nếu trẻ nhỏ bị sốt cao trong 1, 2 ngày, cha mẹ nên cho con đến khám ở cơ sở y tế gần nhất để xác định nhiễm sốt xuất huyết hay không. Sốt xuất huyết do virus gây nên nhưng không phải trẻ nào cũng cần vào viện điều trị. Dù vậy bạn cần cho con đi khám để tìm hiểu độ bệnh của trẻ, bác sĩ kê đơn thuốc và hướng dẫn để điều trị chăm sóc tại nhà. 

Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà: Những điều cha mẹ phải nhớ - 1

 Trẻ nhỏ bị sốt cao trong 1, 2 ngày, phụ huynh nên cho con đến khám ở cơ sở y tế gần nhất để xác định bệnh. (Ảnh minh họa)

Cách điều trị, chăm sóc tại nhà

BS Thuý lưu ý sốt xuất huyết chưa có thuốc đặc trị nên điều trị theo triệu chứng. Khi sốt, cha mẹ theo dõi và cho trẻ uống hạ sốt. Bác sĩ Thuý đặc biệt lưu ý chỉ hạ sốt bằng Paracetamol.

Các loại thuốc hạ sốt aspirin và ibuprofen có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Vì vậy, các bác sĩ đã cảnh báo tuyệt đối không được sử dụng thuốc này như một loại giảm đau kháng viêm khi bị sốt xuất huyết. 

Sau khi uống thuốc, cha mẹ cho trẻ nghỉ ngơi và theo dõi nhiệt độ cơ thể. Cha mẹ nên cho trẻ uống orezol,  tăng cường sữa, nước dừa cho trẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng, các thức ăn loãng, mềm; tránh ăn dưa hấu, rau dền… các thực phẩm có màu đỏ.

Sốt xuất huyết nếu không được theo dõi và điều trị phù hợp có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của bé. Một số phụ huynh thường lầm tưởng rằng bé hết sốt là khỏi bệnh nhưng điều này hoàn toàn sai. Thực tế bé có thể hết sốt vào ngày thứ 3 nhưng bệnh có thể chuyển biến nặng vào các ngày sau đó.

Dấu hiệu phải đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay

Khi thấy những dấu hiệu này, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay:

- Trẻ đang chơi mà mệt mỏi, khó chịu,  nôn nhiều (1 tiếng nôn 3 lần), trẻ kêu đau bụng nhất là vùng bên phải, đau liên tục tăng lên.

- Trẻ chảy máu niêm mạc, chảy máu cam. Trẻ nữ có kinh nguyệt giữa chu kỳ, trẻ ít đi tiểu… Đây là dấu hiệu trẻ nên đi viện cấp cứu vì cảnh báo nguy cơ sốc nhiễm khuẩn. 

Phòng sốt xuất huyết

Cách phòng tốt nhất là diệt môi trường sống và triệt đường sinh sản của muỗi. Những khu vực có nước đọng trong nhà cần được dọn dẹp sạch sẽ, bình chứa nước cần được đậy nắp kín tránh muỗi trẻ trứng trong đó. Những vật phế thải như rác, tô chén, chum vỡ… vật có thể chứa nước đọng cần được dọn dẹp sạch sẽ vì muỗi có thể sinh sôi nảy nở ở đó.

Cha mẹ cần phòng ngừa việc bị muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ có mùng,màn và giăng lưới khu vực cửa sổ. Chú ý sáng sớm và chiều tối là hai thời điểm để bảo vệ trẻ, tránh không cho trẻ đi đến những chỗ có nước đọng, đặc biệt là nước sạch vì muỗi sốt xuất huyết không đẻ trứng ở những nơi nước bẩn như cống rãnh. 

Ngọc Hà
Bình luận
vtcnews.vn