Sự việc được đưa ra trong “Thiếu niên nói” - một chương trình nổi tiếng của Trung Quốc dành riêng cho các bạn thanh thiếu niên từ cấp 1 đến cấp 3 phát sóng cách đây không lâu.
Tại đây, cô bé Tu Sirui (14 tuổi, không tiết lộ nơi ở) chia sẻ bản thân yêu thích việc viết nhật ký, tự sáng tác một số truyện ngắn. Từ năm lớp 3, em đã tập viết truyện và sáng tác tổng cộng 56 cuốn với hơn 300.000 từ.
Theo Sohu, vì yêu thích nên các môn xã hội của Tu Sirui có thành tích rất tốt. Ngược lại, điểm tự nhiên như toán học, vật lý, hóa học lại không cao như kỳ vọng của phụ huynh.
Điều này khiến cha của cô bé vô cùng lo lắng và cho rằng Tu Sirui chỉ lo viết lách, chểnh mảng học tập. Trong một lần không khống chế cảm xúc, ông đã xé toàn bộ số truyện của Tu Sirui khiến em buồn bã, bật khóc vì áp lực mà cha mẹ đặt ra. Điều đó cũng trở thành vết thương lớn trong lòng nữ sinh cấp 2.
Chia sẻ trong Thiếu niên nói, Tu Sirui lần lượt kể lại kỷ niệm, chất vất hành động của người cha và chờ đợi một câu trả lời hợp lý. “Tại sao cha không bớt khắt khe và ép con làm những điều con không thích?”, nữ sinh cấp 2 không kìm được nước mắt.
“Con gái lên cấp 2 rồi, môn toán của con đang rất kém, lại không tự giác học môn này nên tôi rất lo lắng. Sợ rằng con tiếp tục như vậy, tôi sợ rằng sẽ không thể vượt qua các kỳ thi sắp tới, không đỗ được một trường đại học nào”, bố của Tu Sirui nghẹn ngào trần tình trong chương trình.
Hai cha con liên tục đối thoại và bày tỏ quan điểm cá nhân. Tu Sirui cũng chia sẻ rằng đam mê với viết đã giúp cô bé cải thiện khả năng ngôn ngữ rất nhiều. Em cũng không muốn ép mình học thứ không thích thú như môn toán.
Cuộc tranh luận và Tu Sirui và cha khiến tất cả người xem đều xúc động và cảm thấy tiếc nuối.
"Nếu con gái tôi viết một cuốn tiểu thuyết hơn 300.000 từ, bất kể nó có ảnh hưởng gì, tôi đều sẽ đọc nó”, một người xem có mặt trong chương trình chia sẻ.
Sau những tranh luận và chất vấn, cuối cùng cha của Tu Sirui xin lỗi con gái về hành động đã làm. Nhưng ông vẫn hy vọng con có thể học tốt hơn môn toán, bởi “rất nhiều người có thể làm được và con gái cũng vậy”. Ông cũng cho rằng, hành động ấy chỉ vì ông suy nghĩ và muốn tốt cho con.
Câu chuyện của Tu Sirui không mấy xa lạ với nhiều gia đình. Cha mẹ luôn muốn dành điều tốt nhất cho con. Tuy nhiên, quyết định thay lựa chọn của con cái hoặc ép con làm theo ý cha mẹ vô tình gây tổn thương cho cả hai, khiến mối quan hệ phụ huynh - con cái càng trở nên xa cách.
Cha mẹ kỳ vọng lớn vào con trẻ về học hành nhưng lại không đánh giá đúng khả năng của con. Điều này khiến cha mẹ vô tình tạo áp lực, khiến con bị khủng hoảng tâm lý, có thể gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần như tăng động giảm chú ý, trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi.
Bình luận