Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 30/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết giáo sư Trần Văn Thọ và ông Trần Ngọc Phúc - Tác giả phát minh ra máy trợ thở cho trẻ sinh non ở Nhật Bản tuyên bố sẽ hỗ trợ sản xuất cho Hà Nội và TP.HCM 2.000 chiếc máy trợ thở.
Đồng thời, hai người sẵn sàng hợp tác với các đối tác trong nước sản xuất máy trợ thở.
Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng nhất trí với đề xuất của Ban Chỉ đạo là đồng ý công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc; yêu cầu cơ bản dừng vận chuyển công cộng.
Thủ tướng biểu dương cán bộ, nhân viên ngành y tế, cảm ơn Bệnh viện Bạch Mai có nhiều bác sĩ tình nguyện ở lại cùng với người bệnh nặng và nhiều bác sĩ tình nguyện khác.
Thủ tướng biểu dương ngành công thương và các doanh nghiệp đã làm thành công bộ đồ bảo hộ và đặc biệt, bảo đảm đầy đủ khẩu trang cho ngành y tế.
“Hệ thống của chúng ta trên dưới một lòng, quyết tâm ngăn chặn có hiệu quả Covid-19 ở nước ta”, Thủ tướng nêu rõ. Đây là thời điểm có tính chất quyết định đến cục diện cuộc chiến chống Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng phải tập trung cao độ cho phòng chống dịch.
Để chuẩn bị cho tình huống xấu có thể xảy ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo việc thiết kế và dự toán để sẵn sàng xây dựng các bệnh viện dã chiến khi cần thiết cũng như chương trình sản xuất máy trợ thở trong nước.
Trước đó, TP Hà Nội đề nghị Bộ Y tế cung cấp cho thành phố máy thở và 15.000 – 20.000 bộ test nhanh Covid-19 để phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là dập ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, hiện Hà Nội chỉ có 260 máy thở, số máy này đang sử dụng cho các bệnh nhân nặng ở các bệnh viện khác. Nguồn cung đang bị hạn chế, thành phố chỉ có thể mua thêm vài chục đến 100 cái máy trợ thở.
GS Trần Văn Thọ sinh năm 1949 tại Quảng Nam, sang Nhật Bản du học năm 1967. Mặc dù đến nay đã sống ở Nhật Bản hơn 50 năm nhưng ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.
Ông lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại ĐH Hitotsubashi (Tokyo, Nhật Bản). Ở lại Nhật, ông vào làm việc tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, sau đó làm phó giáo sư, rồi giáo sư ĐH Obirin (Tokyo). Từ năm 2000 đến nay, ông làm giáo sư kinh tế tại ĐH Waseda (Tokyo).
Năm 1990, báo chí Nhật đưa tin, lần đầu tiên có 3 người nước ngoài được mời làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản. Ông là một trong ba người đó. Ông ở cương vị này trong gần 10 năm, qua nhiều đời Thủ tướng Nhật.
Ông Trần Ngọc Phúc sinh năm 1947 tại Huế. Năm 1968, ông được gia đình cho sang Nhật du học, tốt nghiệp kỹ sư Đại học Tokai ở Kanagawa, làm việc tại Công ty Senko. Năm 1982, ông phát minh máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số Hummingbird (HFO) cho trẻ em sinh non.
Hummingbird vượt qua 7 đối thủ đến từ các nước trên thế giới, giành giải nhất trong cuộc thi chế tạo máy thở nhân tạo tại Đại học Harvard do Viện Y tế Hoa Kỳ tổ chức. Chiếc máy này được đánh giá là chiếc máy hô hấp nhân tạo cho trẻ sơ sinh tốt nhất thời điểm đó.
Năm 1984, ông sáng lập Công ty Metran, giữ chức vụ tổng giám đốc và sau này là chủ tịch. Tháng 7/2012, Nhật hoàng Akihito đã ghé thăm Công ty Metran. Năm 2016, Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sử dụng máy thở Hummingbird do công ty của ông tài trợ. Tháng 11/2018, ông nhận Huân chương Mặt trời mọc tia sáng bạc. Ông hiện là hội trưởng Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản.
Video: Cuộc chiến chống Covid-19 bước vào giai đoạn 3
Bình luận