Chỉ trong vài tháng trở lại đây, trên địa bàn TP.HCM đã có hàng chục cây xanh phải chặt bỏ do bị xâm hại bởi các công trình chỉnh trang vỉa hè trước Tết Nguyên đán 2018.
Cây bật gốc do thi công quá ẩu
“Những công trình ngầm lưới điện cần phải đào sâu nên việc xâm hại đến bộ rễ cây còn có lý do để hiểu được chứ công trình chỉnh trang vỉa hè, chỉ lát gạch mà cũng làm cây bật gốc ngã ra đường thì không thể chấp nhận được. Nó cho thấy sự cẩu thả trong thi công và xem thường giá trị của cây xanh trên đường phố” - một chuyên gia về cây xanh đã bộc bạch như thế khi được chúng tôi cho xem hình ảnh những cây xanh bị xâm hại bởi các công trình cuối năm.
Một trong những địa phương có tình trạng cây xanh bị xâm hại nhiều nhất là quận 5. Chỉ trong vòng hai tuần, các đơn vị quản lý xác định có 10 cây xanh ở quận này bị xâm hại nghiêm trọng, nhiều cây phải cắt tán khẩn cấp vì có thể ngã ra đường.
Vụ gần nhất xảy ra ở đường Nguyễn Văn Đừng, phường 6, quận 5, khi vỉa hè được đào lên để lát gạch thì có một cây phượng lớn đang tươi tốt bỗng dưng bật gốc ngã ập ra đường.
Theo xác định của đơn vị chăm sóc cây xanh (thuộc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM) và đại diện UBND phường 6, quận 5, cây phượng trên bị ngã do tác động bởi công trình thi công vỉa hè do Công ty Dịch vụ công ích quận 5 làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, còn có thêm ba cây phượng lớn gần đó bị xâm hại bộ rễ cần phải đốn hạ để tránh ngã ra đường. Chưa hết, hiện trên đường Nguyễn Văn Đừng còn có nhiều cây xanh bị xâm hại bộ rễ cần phải có biện pháp phòng, chống ngã đổ.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2017, hơn chục cây phượng lớn đang tươi xanh trên đường Trần Nhân Tôn, phường 4, quận 5 cũng bị cắt hết tán để ngăn ngã ra đường.
Theo Công ty Công viên cây xanh TP.HCM, nguyên nhân là do đơn vị thi công công trình chỉnh trang vỉa hè trên đường Trần Nhân Tôn (đoạn từ đường Trần Phú đến Hùng Vương) cào hết đất làm nhiều gốc cây bị nổi rễ, đồng thời bộ rễ của nhiều cây xanh cũng bị đơn vị thi công làm đứt.
Bồi thường phải thỏa đáng
Trước tình trạng cây xanh trên địa bàn TP bị xâm hại nghiêm trọng gần đây, lãnh đạo Sở GTVT đã triệu tập cuộc họp với các đơn vị liên quan và thống nhất phương án chặt bỏ những cây có nguy cơ ngã cao trước Tết nguyên đán. Chi phí đốn hạ và trồng cây mới sẽ do đơn vị xâm hại cây chi trả.
“Dựa trên quy định của Sở GTVT TP, việc tính toán tiền bồi hoàn cây bị xâm hại chia làm ba loại từ cấp 1 đến cấp 3 (tương ứng với đường kính cây từ nhỏ đến lớn). Sau đó, tính toán cụ thể các chi phí từ lúc mới trồng, chăm sóc cây đến lúc đốn hạ; kế tiếp là chi phí đốn hạ, trồng cây mới và chăm sóc cây mới. Đơn vị thi công xâm hại cây phải chịu tất cả chi phí này” - một cán bộ Sở GTVT cho hay.
Tuy nhiên, TS Đinh Quang Diệp, nguyên giảng viên ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng cách tính toán trên vẫn chưa thỏa đáng.
Ông phân tích: “Giá trị cây xanh không chỉ là chi phí trồng trọt và chăm sóc mà còn là những giá trị về môi trường, về đời sống tinh thần. Ví dụ, có những cây mất hơn 10 năm mới cao lớn được như thế, giờ phải đốn bỏ, trồng lại thì không biết khi nào người dân trong khu vực mới lại được hưởng bóng mát. Ai sẽ bồi thường tổn thất tinh thần cho họ?”.
Từ đó, TS Diệp cho rằng để ngăn chặn tình trạng xâm hại không nên áp dụng một công thức tính toán bồi thường chung cho tất cả trường hợp. Thay vào đó, cần tính cả giá trị theo vị trí cây trồng và những giá trị về môi trường, về cảnh quan, về giá trị tinh thần.
Ví dụ cây trồng ở trung tâm quận 1 giá trị sẽ khác so với cây trồng ở quận 12, cây có bóng mát nhiều có giá trị cao hơn cây ít bóng mát… Số tiền bồi thường phải cao thì mới đủ sức răn đe các đơn vị thi công ẩu.
Tình trạng xâm hại cây xanh không chỉ gây thiệt hại về tiền bạc, về môi trường mà còn tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân. Có những vụ, tại thời điểm phát hiện cây bị xâm hại có thể bộ rễ cây bị đứt ít nhưng sau đó cây rất dễ bị sâu bệnh tấn công làm suy yếu dần và dẫn đến ngã đổ.
TS Đinh Quang Diệp, nguyên giảng viên ĐH Nông Lâm TP.HCM
Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ cây bị xâm hại tưởng chừng không nghiêm trọng nhưng sau đó rễ cây bị sâu bệnh và một, hai năm sau thì cây ngã thình lình. Nếu xét về mức độ nguy hiểm thì có khi những trường hợp mức xâm hại ít, không đến mức phải đốn hạ lại tiềm ẩn nguy hiểm nhiều hơn.
Ông Ngô Bá Kính, Giám đốc Xí nghiệp cây xanh số 1 (thuộc Công ty Công viên cây xanh TP.HCM).
Video: Cây xanh gãy đổ đè trúng ô tô trên phố Hà Nội
Bình luận