Ngày 10/10, trả lời VTC News, nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết Bộ này đã nắm được thông tin và chỉ đạo các cơ quan cơ quan liên quan có giải pháp xử lý ngay việc hơn 50 cửa hàng xăng dầu hết hàng, ngưng bán tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP.HCM, các cửa hàng này chủ yếu thuộc doanh nghiệp tư nhân kinh doanh nhỏ lẻ, không theo chuỗi và nguồn lực có giới hạn nên khó cân đối, bù đắp chi phí. Để khắc phục, Sở Công Thương TP.HCM đã đề nghị các đơn vị có chuỗi cung ứng lớn tăng cường nhập hàng để cung ứng xăng dầu cho doanh nghiệp bán lẻ.
“Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường kiên quyết xử lý nghiêm khắc, thu hồi giấy phép doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xăng dầu vi phạm”, nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết.
Vẫn theo vị này, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, ngay trong đêm 9/10, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đã có văn bản yêu cầu cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình (thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, thương nhân nhận quyền bán lẻ, đại lý bán lẻ xăng dầu), yêu cầu các đơn vị hoạt động đúng với nội dung ghi trên giấy xác nhận đủ điều kiện, thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn.
Tập trung giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn. Với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, lực lượng quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngừng, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào, thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Thông tin đến VTC News, cán bộ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, sáng nay, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã cử một số đội của đơn vị này đi giám sát, kiểm tra, đo bồn tại các cây xăng, trong đó có cây xăng treo biển đóng cửa, nghỉ bán.
Cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng đã yêu cầu các đội quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, nắm tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm ngưng nghỉ kinh doanh không lý do, găm hàng, bán nhỏ giọt phải kịp thời làm việc ngay, xử lý theo đúng quy định.
Xăng dầu bất ngờ khan hàng trước kỳ điều chỉnh giá
Trả lời VTC News, ông G.T.T, chủ 6 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Trà Vinh cho biết đến 14h chiều 10/10, có 4 cửa hàng đã phải đóng cửa nghỉ bán vì hết hàng, 2 cửa hàng còn lại hoạt động cầm chừng. Doanh nghiệp muốn nhập thêm hàng nhưng thương nhân phân phối cho biết phía doanh nghiệp đầu mối đã khóa sổ, và không có hàng để cấp thêm.
Tại TP.HCM, theo ghi nhận của PV VTC News, sáng đầu tuần, tại các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP Thủ Đức, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, người dân xếp hàng dài chờ tới lượt đổ xăng.
Tại điểm bán lẻ xăng dầu số 194, trên đường Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, chỉ còn 1 trụ xăng hoạt động, nhân viên chỉ dám đổ cầm chừng chờ nhập hàng về, đồng thời hướng dẫn người dân đi thẳng về hướng Mũi Tàu để mua xăng, nếu không quá khẩn cấp.
Trong khi đó, tại cửa hàng xăng dầu số 1, số 4 thuộc Công ty CP thương mại xuất nhập khẩu Thủ Đức; trạm xăng dầu 27/7 trên đường Kha Vạn Cân, phường Linh Đông, TP Thủ Đức đông nghẹt người đến đổ xăng. Tuy nhiên, nhiều người thất vọng vì nhân viên chỉ đồng ý bán dưới 50.000 đồng/xe.
Rất khó hiểu khi từ hôm qua đến nay nhiều cửa hàng xăng dầu tạm ngừng bán. Tôi phải chạy vòng vòng đi kiếm chỗ đổ xăng nhưng cửa hàng nào cũng đóng cửa. Đến sáng nay, nhiều nơi mở bán nhưng khách xếp hàng đợi hơn 30 phút mới tới lượt và chỉ được mua 30.000 đồng", anh Bùi Văn Tứ (ngụ TP Thủ Đức) cho hay.
Tương tự, khách gọi điện hối liên hồi nhưng anh Mai Ngọc Chinh (ngụ Bình Thạnh) cũng bất lực vì xe đã cạn xăng. “Cả đoạn đường dài mà cây xăng nào cũng chật kín người xếp hàng, đợi tới lượt mình chắc phải đến quá giờ trưa. Xe ôm giờ không có xăng thì biết chạy bằng gì đây?”, anh Chinh nói.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, nguyên nhân của việc nguồn cung xăng dầu thiếu hụt cục bộ do việc nhập khẩu của một số đơn vị bị gián đoạn, bên cạnh đó việc vận chuyển cũng bị đình trệ bởi vào giờ cao điểm do xe bồn vận chuyển xăng dầu không được lưu thông ở các quận trung tâm.
TP.HCM kiến nghị khẩn về xăng dầu
UBND TP.HCM trưa 10/10 đã có báo cáo và kiến nghị gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính. UBND TP.HCM nhấn mạnh giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu dẫn đến việc phân bố mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường.
UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở mặt hàng xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức. Đồng thời, rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (premium) và các loại thuế nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu trên cơ sở phù hợp với thực tế phát sinh và các quy định hiện hành.
Bộ Công Thương xem xét, đề nghị Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan, đơn vị có liên quan quan tâm hỗ trợ giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; cần xem xét, hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (nhất là các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu) góp phần tạo nguồn, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Bình luận