• Zalo

Cây 'quái thú' vi vu trên quốc lộ ở Huế: Chủ nhân cây xuất trình hồ sơ khai thác

Thời sựThứ Năm, 05/04/2018 06:51:00 +07:00Google News

Chủ nhân 3 cây "khủng" như quái thú bị bắt giữ tại Huế đã mang hồ sơ khai thác cây ở Đắk Lắk đến cơ quan chức năng để chứng minh nguồn gốc.

Liên quan vụ việc cây 'quái thú' vi vu trên quốc lộ, chủ nhân của 3 cây khủng là ông Kiều Văn Chương (32 tuổi, trú tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) vừa đến trình hồ sơ chứng minh nguồn gốc cây từ Đắk Lắk cho Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế.

Qua hồ sơ, có 2 cây đa sộp được khai thác tại xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) và 1 cây đa sộp khai thác tại xã Ea Pil (huyện M’Đrắk). Hiện 3 cây gỗ khủng này đã hạ tải, bỏ lại bên quán cơm trên đường tránh Huế (thuộc địa phận phường Phú Bài, TX Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế).

cay-quai-thu-1

Cây quái thú và biên bản xác minh của cơ quan chức năng. (Ảnh: HT) 

Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, ngày 12/3 tại khu đất nông nghiệp của ông Phạm Đình Thướng (trú thôn 3 xã EaPil, huyện M’Đrăk) có người lạ vào khai thác cây đa sộp đường kính gốc 1,8m, ngọn 65cm, dài 8m, khối lượng 9,043m3.

Trao đổi với PV, ông Thướng cho biết, người lạ này vào khai thác cây đa để tặng một người tên Lương Anh Tuấn đưa về xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội. 

"Do cây đa có gốc rất lớn, thân cao, tán rộng khiến những cây nhãn, mắc ca trồng tại rẫy không sinh trưởng được nên tôi có ý định chặt bỏ. Tình cờ có người nói muốn mua cây này mang ra ngoài Hà Nội cúng chùa, nên tôi đồng ý cho người lạ đó khai thác mang đi", ông Thướng nói.

Ông Thướng nói thêm, trong lúc khai thác cây ông chỉ lấy tiền dầu, công ca máy chứ không lấy tiền bán cây. Còn việc, người lạ đó vận chuyển cây đi đâu và làm gì thì không biết rõ.

Untitled

Ông Thướng chỉ khu vực khai thác cây đa sộp trên đất của gia đình. (Ảnh: MK)

Liên quan đến vụ việc trên, Phó chủ tịch UBND xã Ea Pil - ông Trần Văn Cảnh cho biết, đơn vị có nhận được đơn xin khai thác cây đa của ông Thướng. 

"Với việc xin khai thác cây đa của ông Thướng, cán bộ địa chính cùng kiểm lâm có xuống hiện trường để kiểm tra thực tế. Từ đó, đơn vị xác nhận cây đa là của ông Thướng nên mới cho khai thác", ông Cảnh nói.

Trả lời phóng viên, ông Lê Văn Ba - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện M’Đrắk cho biết, cán bộ kiểm lâm xác định cây đa nằm trên khoanh đất của gia đình ông Thướng nên đã cho khai thác, vận chuyển. Việc cấp quyền khai thác do UBND xã phụ trách, cán bộ kiểm lâm đi theo để kiểm tra, xác nhận tính pháp lý.

"Theo quy định, những cây có nguồn gốc từ rừng nhưng nằm trên diện tích đất nông nghiệp đã có bìa đỏ thì chủ đất có quyền khai thác, vận chuyển sau khi có đơn được xác nhận từ cấp xã. Các cây rừng trên đất nông nghiệp chưa có bìa đỏ, trên đất lâm nghiệp đều không được khai thác nếu không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền", ông Ba nói.

Ngoài cây khủng bị khai thác tại xã EaPil, huyện M’Đrăk, thì còn 2 cây khác ở vườn rẫy nhà bà H’Yô Na Byă (trú thôn 4, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng), có đường kính 1,4m, cao 12m và được bán cho ông Đinh Công Quân (trú huyện Thạch Thất, Hà Nội) để đưa về một ngôi chùa tại huyện này làm bóng mát.

Tuy nhiên, trong hồ sơ đơn xin khai thác, vận chuyển 2 cây đa sộp bản photo do người xưng chủ cây cung cấp lại có chữ ký của bà H’Phi La Niê - Phó chủ tịch UBND xã Ea Hồ xác nhận vào ngày 22/3.

Trả lời về vụ việc này, bà H’Phi La Niê, Phó chủ tịch UBND xã Ea Hồ, khẳng định không hề ký giấy xin khai thác của bà H’Yô Na Byă và đơn xin vận chuyển của ông Đinh Công Quân vào thời gian này.

Trước đó, chiều 30/3, trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT thuộc Trạm CSGT Phú Lộc (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) phát hiện một số phương tiện của Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn vận chuyển cây cổ thụ nghi có dấu hiệu vi phạm.

Theo đó, khoảng 18h05 ngày 30/3, lực lượng chức năng kiểm tra 2 xe đầu kéo và 1 xe tải của doanh nghiệp này khi đang chạy theo hướng quốc lộ 1A từ Nam ra Bắc.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 3 phương tiện đều vi phạm luật giao thông: Quá chiều cao, quá chiều dài và quá tải cầu đường từ 20% - 50%; xe tải phạm lỗi quá chiều dài và quá tải từ 20% - 50% và 1 xe đầu kéo phạm lỗi quá chiều cao, quá chiều dài.

"Căn cứ vào lỗi vi phạm của các phương tiện trên, Trạm CSGT Phú Lộc quyết định xử phạt hành chính đối với cả 3 phương tiện với tổng mức 81,7 triệu đồng, tước bằng lái xe của tài xế từ 1 - 3 tháng", lãnh đạo Trạm CSGT Phú Lộc cho biết.

29920731_539967886400623_1506154276_n 4

Cây khủng được hạ xuống tại bãi đất trống ở Huế. (Ảnh: Thanh Hải)

Sáng 2/4, trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Hải Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Hải Sơn (đơn vị chở cây) cho biết, cây được chở là cây đa được công ty nhận hợp đồng chuyển từ Đắk Lắk ra một ngôi chùa ở Hà Nội.

Ông Nguyễn Hải Sơn cho biết: "Tôi chở cây ra ngoài kia nhưng xe của tôi có giấy phép lưu hành là chở máy chứ không phải chở cây, anh em kiểm tra và lập biên bản.

Tôi không phải cố ý để chạy, tôi chỉ định chạy đến quán cơm khoảng 1 cây số rồi hạ xuống nhưng trong quá trình đó có đơn vị báo bắt lại thì tôi chấp hành thôi".

Sau khi nắm bắt được thông tin, Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT) đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk tổ chức kiểm tra, xác minh làm rõ nguồn gốc của các cây cảnh được chuyên chở như báo chí phản ánh; kiểm tra, rà soát quy trình làm thủ tục xác nhận nguồn gốc lâm sản của kiểm lâm địa phương có liên quan.

30121055_1540508522725218_1955117045_n-1328549 5

 Một người đàn ông được thuê để tưới nước cho cây khủng khỏi khô héo. (Ảnh: Thanh Hải)

Cục Kiểm lâm yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế kiểm tra hồ sơ nguồn gốc lâm sản trên 3 xe đầu kéo gồm: Xe mang biển kiểm soát 73C – 028.80, xe biển số 73C – 021.48, rơ móc 73R – 003.82; xe biển số 73C – 046.05, rơ móc 73R – 002.01 chở lâm sản đang được Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế tạm giữ, tại địa phận phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy.

Đồng thời, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế cần phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, Đắk Lắk, Chi cục Kiểm lâm Vùng IV xác minh nguồn gốc lâm sản được vận chuyển trên các phương tiện nêu trên, để làm căn cứ xử lý theo quy định.

Ngoài ra, Cục Kiểm lâm cũng yêu cầu xác minh làm rõ nguồn gốc lâm sản, hồ sơ, địa điểm nơi đi, nơi đến, thời gian vận chuyển...

Các đơn vị này phải khẩn trương thực hiện việc kiểm tra làm rõ và báo cáo trước ngày 5/4.

Cùng ngày 2/4, trả lời VTC News, một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Sau khi nhận được chỉ đạo của Cục Kiểm lâm, đơn vị vào cuộc xác minh nguồn gốc của các cây gỗ vi vu trên quốc lộ khiến dư luận xôn xao mấy ngày qua".

Theo tiết lộ của vị lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, cơ quan này vừa xác định được chủ nhân của một trong số các cây gỗ trên là một người dân đang sinh sống ở huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk).

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tiếp - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Năng cho biết, vừa có buổi làm việc với chủ nhân một trong số cây gỗ ''khủng'' được vận chuyển trên quốc lộ 1A.

Người này được xác định là ông Nguyễn Ngọc Chung (trú thôn Giang Hoà, xã Tam Giang, huyện Krông Năng).

Video: Cận cảnh cây 'quái thú' bị bỏ lại ven đường sau bị CSGT Thừa Thiên - Huế xử phạt

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, làm rõ có hay không hành vi bao che cho phương tiện chở quá khổ, quá tải lưu thông trên đường bộ như phản ánh của báo chí.

Ngoài ra, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải cần làm rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về tải trọng xe.

"Nếu vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/4/2018", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, làm rõ nguồn gốc các cây được chuyên chở trên các phương tiện như báo chí phản ánh và có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm (nếu có).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/4/2018.

THANH HẢI
Bình luận
vtcnews.vn