Cây đinh lăng hay còn được biết đến với tên gọi cây gỏi cá, sâm nam... Loài này có tên khoa học là Polyscias Fruticosa (L), thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae). Đinh lăng được ví như nhân sâm của người nghèo bởi nó dễ trồng trong khi tác dụng đối với sức khoẻ lại rất lớn.
Báo Kinh tế & Đô thị dẫn kết quả nghiên cứu của TS Nguyễn Thị Thu Hương và cộng sự tại Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM cho thấy, cây đinh lăng các tác dụng: Giảm đau nhức xương khớp, kháng viêm, giảm sưng, bảo vệ gan, tăng cường thể lực và giảm stress, hỗ trợ cải thiện hoạt động tiểu tiện.
Theo y học cổ truyền, đinh lăng cũng có nhiều công dụng:
- Lá chữa cảm sốt, sưng tấy và mụn nhọt.
- Rễ dùng làm thuốc bổ, lợi tiểu.
- Thân và cành cây đinh lăng chữa tê thấp, đau nhức lưng.
Cây đinh lăng có thể được dùng đun lấy nước uống hàng ngày. Bên cạnh đó, nhiều người cũng ngâm rượu đinh lăng để sử dụng.
Cây đinh lăng ngâm rượu có tác dụng gì?
Ở Việt Nam, rễ đinh lăng là một trong những dược liệu được sử dụng phổ biến để ngâm rượu. Bài đăng trên website của Bệnh viện Quốc tế Vinmec chia sẻ kết quả nghiên cứu của Viện Y học Quân sự Việt Nam cho biết, trong rễ đinh lăng có các hoạt chất như alcaloid, saponin, glycosid, tanin, flavonoid, các acid amin và vitamin B1...
Những lợi ích được liệt kê dưới đây giúp bạn trả lời câu hỏi "cây đinh lăng ngâm rượu có tác dụng gì?":
- Bồi bổ cơ thể, tăng cường sức đề kháng
- Hạ huyết áp, làm chậm co bóp cơ tim, giảm trương lực cơ tim
- Tăng cường chức năng hô hấp, lợi tiểu
- Giải toả căng thẳng, mệt mỏi, giúp ngủ ngon và sâu giấc hơn
- Cải thiện chức năng sinh lý ở nam giới.
Cách ngâm rượu đinh lăng
Để có một bình rượu đinh lăng chuẩn, bạn cần phải ngâm đúng cách, đúng tỷ lệ và đảm bảo đủ thời gian để đinh lăng tiết ra hết các hoạt chất. Nên chọn loại rượu gạo 40 - 42 độ sản xuất bằng men truyền thống. Bình ngâm rượu phải bằng thuỷ tinh hoặc sứ, không nên dùng bình nhựa.
Cách ngâm rượu đinh lăng khô
Nếu củ đinh lăng khô sẵn, thì bạn chỉ cần đem làm sạch, thái thành miếng rồi sao vàng, hạ thổ. Nếu củ đinh lăng còn tươi, bạn hãy đem rửa sạch, thái miếng, phơi khô rồi sao vàng hạ thổ. Nếu tự phơi đinh lăng, bạn cần phơi lượng lớn vì nó sẽ bị hao dần, 4kg đinh lăng tươi chỉ thu được 1kg khô.
Sau bước sơ chế, bạn đổ đinh lăng và rượu vào bình ngâm với tỉ lệ 1kg củ đinh lăng khô ngâm với 7 lít rượu.
3 tháng là thời gian tối thiểu để ngâm rượu đinh lăng. Rượu đinh lăng để lâu sẽ càng ngả màu vàng đẹp hơn, thơm hơn và cũng ngon hơn.
Cách ngâm rượu đinh lăng tươi
Đối với củ đinh lăng tươi, bạn cần đặc biệt chú ý bước làm sạch, bởi củ đinh lăng được đào lên thường bám rất nhiều đất ở xung quanh củ và các kẽ nhánh rễ.
Sau khi làm sạch củ, bạn để ráo nước rồi mới đem ngâm. Đinh lăng tươi có thể ngâm cả củ hoặc thái lát tuỳ vào nhu cầu của mỗi gia đình. Tỷ lệ là 1kg củ tươi ngâm với 3 lít rượu.
6 tháng là thời gian tối thiểu để ngâm rượu đinh lăng tươi. Cũng giống như đinh lăng khô, rượu đinh lăng tươi ngâm lâu sẽ ngả màu càng đẹp, có mùi thơm và chất lượng rượu cũng ngon hơn.
Hiện nay, rất nhiều người đem củ đinh lăng lâu năm ra tạc tượng theo hình mong muốn để bình rượu ngâm trở nên đẹp mắt, ấn tượng hơn, đem trưng bày sẽ tạo sự sang trọng cho không gian sống.
Để rượu đinh lăng phát huy tối đa những công dụng và an toàn, người sử dụng cũng cần lưu ý:
- Chỉ nên sử dụng từ 1-2 chén nhỏ/ngày
- Người bị bệnh gan không nên sử dụng rượu ngâm củ đinh lăng
- Phụ nữ đang mang thai, cho con bú không nên uống
- Không sử dụng rượu đinh lăng thay cho những loại rượu thông thường khác.
Bình luận