Từ lâu, cây đinh lăng được biết đến là vị thuốc nam mà bộ phận chủ yếu được sử dụng và lá và củ (rễ). Cây này dễ trồng nhưng hiệu quả lớn nên vẫn được gọi là nhân sâm của người nghèo. Người ta thường chỉ biết đến củ và lá đinh lăng, vì thế "cây đinh lăng có quả không" là câu hỏi có thể khiến nhiều người ngơ ngác, vì nhiều người thậm chí còn chưa bao giờ nghĩ đến điều này.
Cây đinh lăng có quả không?
Thực tế, cây đinh lăng có thể ra hoa và quả, nhưng quả của nó không phổ biến nên ít được biết đến. Vì thế, nhiều người chưa nhìn thấy quả của cây này hoặc không nhận biết được hình dạng của nó.
Hoa của cây đinh lăng thường nở vào mùa hè, có màu trắng hoặc tím nhạt, mọc thành từng chùm nhỏ ở đầu cành. Sau khi hoa tàn, cây đinh lăng kết trái. Quả đinh lăng nhỏ, có hình cầu hoặc hình bầu dục, khi chín có màu đen hoặc tím đậm. Quả của cây đinh lăng không lớn và nổi bật như các loại quả khác, thường mỗi quả đinh lăng sẽ chứa một hạt nhỏ bên trong.
Quả đinh lăng không phải là bộ phận được quan tâm và sử dụng trong y học cổ truyền. Thay vào đó, lá và rễ của cây mới là những bộ phận chứa nhiều dược tính quan trọng và được sử dụng rộng rãi. Vì vậy, ít ai để ý và biết đến hoa và quả của cây đinh lăng.
Tổng quan về cây đinh lăng
Đinh lăng có tên khoa học là Polyscias Fruticosa), có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á. Người Việt Nam thường trồng đinh lăng trong vườn nhà không chỉ vì giá trị thẩm mỹ mà còn vì những lợi ích sức khỏe mà nó mang lại.
Trong y học cổ truyền Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác khuyên dùng rễ đinh lăng sao vàng, hạ thổ, sắc cho phụ nữ uống sau khi sinh đẻ để chống đau dạ con và làm tăng tiết sữa cho con bú.
Lá đinh lăng vị bùi, đắng, thơm, hơi mát. Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, lá đinh lăng có tác dụng lương huyết, giải độc, chống tanh hôi, lợi niệu, tiêu mẩn ngứa. Lá đinh lăng được dùng trong các bài thuốc chữa dị ứng, ho ra máu, kiết lỵ.
Ngoài ra, lá của cây đinh lăng thường được dùng dưới dạng thuốc sắc, rượu ngâm hoặc bột khô để chữa chứng ho, đau tức vú, tắc tia sữa, làm lợi sữa, chữa kiết lỵ và làm thuốc tăng lực, chữa chứng suy nhược cơ thể.
Cây đinh lăng được mọi người dùng để ăn như rau làm gia vị và chữa nhức đầu. Nhiều nơi thường lấy lá đinh lăng để nấu canh với thịt, cá bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người ốm mới dậy.
Trong một bài báo trên VnExpress, ThS Nguyễn Thị Lai cho biết rằng rễ cây đinh lăng chỉ mới được nghiên cứu và xác nhận tác dụng bổ dưỡng trong những năm gần đây, trong khi lá và thân cây đã được sử dụng như thuốc chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian từ lâu.
Về thành phần hóa học và dinh dưỡng, rễ đinh lăng chứa 0,3% glucozit, alcaloit, saponin, tanin, 13 loại axit amin và vitamin B1. Đinh lăng có một số hoạt chất mang tính năng tương tự nhân sâm.
Cách trồng và chăm sóc cây đinh lăng
Đinh lăng là cây thân gỗ nhỏ, có thể cao từ 1 đến 2 mét. Đây là loài cây có khả năng sinh trưởng tốt ở nhiều loại đất khác nhau và ít tốn công chăm sóc. Một đặc điểm nổi bật của đinh lăng là bộ rễ sâu và lan rộng, giúp cây hấp thụ dinh dưỡng tốt từ đất.
Cây đinh lăng có thể được trồng bằng cách gieo hạt hoặc giâm cành. Để cây phát triển tốt, nên trồng cây ở nơi có ánh sáng mặt trời đầy đủ và đất thoát nước tốt. Việc bón phân định kỳ sẽ giúp cây sinh trưởng mạnh mẽ hơn.
Loài cây này không yêu cầu nhiều công chăm sóc. Cần tưới nước đều đặn nhưng tránh để cây bị ngập úng. Để cây khỏe mạnh, nên thường xuyên cắt tỉa những cành lá khô và sâu bệnh. Nếu trồng trong chậu, cần thay đất và bón phân định kỳ để đảm bảo dinh dưỡng cho cây.
Bình luận