• Zalo

Cây cảnh tiền tỷ hóa 'đống củi', đại gia khóc ròng

Kinh tếChủ Nhật, 22/09/2013 10:15:00 +07:00Google News

Bỏ ra hàng chục tỷ đồng thu gom cây cảnh phục vụ cho các dự án BĐS của giới nhà giàu, nhưng khi địa ốc “chết đứng”, cây cảnh xuống giá ngang với củi.

Bỏ ra hàng chục tỷ đồng thu gom cây cảnh phục vụ cho các dự án BĐS của giới nhà giàu, nhưng khi địa ốc “chết đứng”, cây cảnh xuống giá ngang với củi.




Đổ hàng chục tỷ thu gom cây cảnh
Khi kinh tế thịnh vượng nhiều người không tiếc hàng tỷ đồng tậu cho mình một cây cảnh ưng ý làm thú vui trong các biệt thự sang trọng; các dự án bất động sản (BĐS) cũng đầu tư không ít tiền để mua cây cảnh làm đẹp. 
Vì thế, trong một thời gian dài, bám theo các chu kỳ tăng trưởng nóng kinh tế và cơn sốt BĐS, cây cảnh cũng được “thơm lây”, đắt hàng tăng giá.
“Giá trị của nó trước kia thì trên trời giờ giá rẻ như củi”, một người kinh doanh cây cảnh chia sẻ. 

Đã có một thời, kinh doanh cây cảnh là một mốt thời thượng, giá trị cây cảnh được các ông chủ nâng lên mỗi ngày, rồi chính khách hàng đổ xô tìm mua, săn cây đẹp không tiếc tiền… kéo theo một thị trường sôi động.
Thấy kiếm ăn được nhiều người đã đổ xô đi kinh doanh cây cảnh, không ít người bỏ vốn, thế chấp tài sản ngân hàng để tậu cây, buôn bán. Với số tiền bỏ ra lên đến hàng tỷ đồng, chẳng mấy chốc có trong tay vườn cây đẹp, nhiều người ngiễm nhiên được xưng danh là đại gia cây cảnh.
Anh Hà Thành Quang (Lục Lam - Bắc Giang), đã có cả chục năm kinh nghiệm trong nghề cây cảnh. Nhiều năm liền, anh đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để gom các cây bon sai có thế đẹp rồi tạo dáng chờ giá cao để bán, ngoài ra anh còn thu gom các loại cây sanh để xuất khẩu sang Trung Quốc. 
“Vốn để thu gom đôi khi không có nhiều nhưng sợ người khác mua mất nên phải huy động vốn ở nhiều nơi thậm chí vay tín dụng đen để mua bằng được. Cạnh tranh mua cây là cuộc đua ngầm, giá đẩy lên quá cao khiến người thắng cuộc có khi cũng giật mình”, anh Văn chia sẻ
Nuôi mộng làm tỷ phú cây cảnh, ông Nguyên Hải Thành (Như Quỳnh - Hưng Yên) đã cầm cố ngôi nhà của mình cho ngân hàng để vay 300 triệu kinh doanh. 
Ban đầu vốn mỏng, nhưng do khéo mua đi bán lại, dần dần tài sản anh lên đến hàng cả tỉ. Say nghề, ham lợi, anh vẫn tiếp tục tìm kiếm các cây ở khắp mọi thậm chí sang các nước bạn Lào và Campuchia để thu gom “tích trữ” chờ giá cao để bán lãi lớn.
Ông Lượng cho biết, cây cảnh loại lâu năm, tiền trăm triệu, tiền tỷ mỗi cây thực ra không có nhiều. Đó chỉ là loại cây đầu tư để làm hàng, thể hiện đẳng cấp, chơi lâu dài còn chủ yếu giới cây cảnh vẫn trông chờ bán cây cho các dự án BĐS. 
Cây cảnh trong các dự án cần khối lượng lớn, đủ chủng loại, không cầu kỳ về kiểu dáng chất lượng. Trong thiết kế, giá trị cây cảnh phục vụ cho cảnh quan môi trường của các dự án lến đến hàng chục tỷ đồng.
“Trúng cây cảnh dự án thì thắng rất nhanh những cũng không ai ngờ khi dự án chết thì mình cũng chết theo. Tiếng là vườn cây tiền tỷ những bán không được, cho không xong. Không ít người có vườn cây tiền tỷ giờ thành cục nợ tiền tỷ”, ông Lượng nói.
Kinh tế khó khăn, đặc biệt các dự án BĐS, các công trình xây dựng ngưng trệ khiến cho thị trường trở nên buồn tẻ, giá trị cây cảnh giờ chỉ còn bằng 30 - 50% so với trước. Các đại gia cây cảnh nay cũng chịu chung số phận với các đại gia nhà đất trước kia. Vốn bỏ vào hàng chục tỉ nay chẳng còn là bao.
Anh Nguyễn Quang Khánh (Hạ Bằng - Thạch Thất - Hà Nội ) vốn là đại gia cây cảnh có tiếng, là tay thầu cây công trình có hạng một thời thì nay lại đang thất nghiệp, ôm đống nợ lớn. 
Chủ chán nản, nhiều chậu cây cành lá um tùm vì không được cắt tỉa thường xuyên. 

Kinh tế suy thoái, BĐS đóng băng, cây cảnh sụt giảm cả giá và số lượng khiến anh bị đọng vốn hàng chục tỉ do gom cây bon sai thời giá cao, nhưng chưa kịp bán ra. 
Trước kia, anh tậu cho mình chiếc Lexus RX 350 đi công trình nay anh cưỡi trên chiếc Suzuki Best cũ trốn nợ. Đây cũng là tài sản cuối cùng do anh đã phải bán dần tài sản có giá trị để trả nợ.
Anh Trần Hoàng Minh (Đan Phượng - Hà nội) hiện đang ôm số nợ gần 5 tỷ đồng do kinh doanh cây cảnh xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng bị khi thương lái Trung Quốc “bỏ bom”. Vườn cây tiền tỷ hoành tráng năm nào của anh giờ như một cái vườn hoang, cây cảnh giờ cũng bị bỏ quên do hết tiền và không còn hứng thú để chăm sóc.
Anh Trần Hướng Quang (Thạch Hòa - Thạch Thất - Hà Nội) may mắn trúng thầu 15 tỷ cung cấp cây bóng mát cho một dự án khu đô thị gần cầu Vĩnh Tuy nên đã dồn toàn bộ tài sản vốn liếng, thậm chí cầm cố nhà cho ngân hàng để lấy vốn chạy dự án. 
Tuy nhiên, khi dự án chưa xong, tiền chưa lấy thì nhà đất rớt giá, dự án dừng xây dựng, việc thanh toán cây cảnh cho anh cũng bị đọng lại. Nay anh Quang mang nợ vì không thể đòi được nợ từ dự án, còn cây cảnh cũng không biết bán cho ai.
Không chỉ đại gia cây cảnh chết mà nhiều người ăn theo đại gia cũng trở nên bi đát. Anh Hà Xuân Minh (Hạ Bằng - Thạch Thất - Hà Nội) cũng phải bán xe tải cẩu vì trước kia xe của anh chỉ phục chở cây cảnh cho các đại gia, giờ đây các đại gia lâm nạn nên xe của anh không có việc để chạy.
Đằng sau hào quang một thời của các đại gia cây cảnh thì nay chỉ còn lại một đống đổ nát, nợ nần. Đại gia thuở nào giờ đang chạy đủ đường để đòi nợ và trả nợ rồi cầu mong BĐS sớm hồi phục để giải phóng số cây tiền tỷ thu hồi vốn bỏ ra.

Theo Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn