Cây bút Lê Lan Anh và hành trình không run sợ

Tổng hợpThứ Ba, 10/12/2013 02:24:00 +07:00

Ðầu tiên, phải đoán là thời trẻ bà rất duyên dáng, nhưng lại là người mẹ đơn thân một mình nuôi con nhiều năm dài.

Ngồi trước một người phụ nữ trung niên cứng cỏi, cá tính, mạnh mẽ và thầm tưởng tượng về những năm tuổi trẻ của bà là một trải nghiệm thú vị. Ðầu tiên, phải đoán là thời trẻ bà rất duyên dáng, nhưng lại là người mẹ đơn thân một mình nuôi con nhiều năm dài. Thứ hai, là một doanh nhân nhưng bà vừa đặt viên gạch vững chắc đầu tiên trong nghiệp văn với cuốn tiểu thuyết đầu tay được NXB danh giá của Pháp lựa chọn dịch thuật. Thứ ba, hơn 50 tuổi, bà ba lô con cóc sang Mỹ. Lý do, là đi học tiếng Anh cùng tụi trẻ con, cũng để tìm kiếm tư liệu viết cuốn sách ám ảnh cuộc đời mình. Ngần đó điều thú vị, đã đủ để đọc phần tiếp theo về người phụ nữ không biết run sợ này?

 

Từ cô bé sơ tán ở làng quê năm xưa

Tiểu thuyết "Ở đất kẻ thù" (Lê Lan Anh – NXB Văn học) được ra mắt tại Việt Nam cách đây khoảng 6, 7 năm. Không viết trực tiếp về hình ảnh người lính, cuốn tiểu thuyết nhỏ nhắn tập trung xây dựng hình ảnh hậu phương lớn miền Bắc XHCN đang gồng lên sản xuất, chống chiến tranh phá hoại và đùm bọc cho con em trong bom đạn. Những đứa trẻ thành thị phải xa bố mẹ, sơ tán theo trường học ở các làng quê xa xôi. Các em phải vượt qua muôn ngàn khó khăn, thiếu thốn, đặc biệt là chống chọi lại cơn đói. Những người nông dân chất phác, hiền lành, có tấm lòng nhân hậu đã sẵn sàng nhường cơm sẻ áo để nuôi sống những đứa trẻ xa lạ. Gần 10 năm niên thiếu trôi qua ở những ngôi làng đơn sơ ấy, nhà văn Lê Lan Anh đã lớn lên hồn nhiên như cây cỏ, được hun đúc thêm sự cứng cỏi, sẵn sàng đương đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống sau này mà không hề run sợ.

30, rồi 40 năm trôi qua, cuộc sống thời bình đã có quá nhiều đổi thay, nhưng Lê Lan Anh vẫn cảm thấy mắc nợ với những người nông dân vô tư đã đùm bọc mình năm xưa. Không có họ, sẽ không có bà ngày nay, vượt qua bao sóng gió cuộc đời để vượt lên nuôi con khôn lớn, kinh doanh thành công. Không phải nhà văn, không muốn cầm bút viết, nhưng chính sự thôi thúc mãnh liệt từ bên trong đó đã khiến bà bắt buộc phải cầm bút khi đã ở lứa tuổi 50. Thật kỳ lạ, cuốn tiểu thuyết đầu tay của một người phụ nữ trung niên lần đầu cầm bút (với hàng trăm buổi trưa hì hụi tra cứu tư liệu về vũ khí, về chiến tranh ở Thư viện Quân đội, cả ngàn ngày một mình một ba lô cặp lồng cơm chạy rảo chân ra tàu điện ngầm cho kịp buổi học ở nước Mỹ xa lạ, những đêm thức trắng để viết) đã thành công vang dội. Cuốn tiểu thuyết mỏng nhưng đúc kết rất nhiều kiến thức - về nét đẹp thiên nhiên của làng quê Bắc Bộ, về vũ khí hai bên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của dân tộc ta, về diễn biến tâm lý đầy chất Mỹ nhưng cũng rất con người của viên phi công Mỹ khi bị rơi máy bay và trở thành tù binh của người dân làng Hà.

 

Ra mắt tại Việt Nam, nơi mà những tác phẩm viết về chiến tranh không hề thiếu, thì cuốn tiểu thuyết mô tả bối cảnh hẹp ở đồng quê Bắc Bộ, chỉ có những người nông dân cầm súng bảo vệ quê hương mình, tích cực xây dựng hậu phương XHCN lại được NXB L’Harmattan lựa chọn dịch thuật và giới thiệu tại Pháp. Ðây là một trong những NXB lâu đời và lớn nhất của Pháp, cũng là cuốn sách đầu tiên của tác giả Việt Nam được họ chọn ra mắt công chúng nước này. Khi sang Pháp để giới thiệu cuốn sách, bà Lê Lan Anh đã hỏi đại diện NXB L’Harmattan lý do lựa chọn cuốn sách của bà, lại là cuốn sách nói về cuộc kháng chiến chống Mỹ chứ không liên quan đến nước Pháp, ông ta nói: "Lâu lắm mới có một người viết cho chính mình chứ không phải viết cho độc giả". Với bà, đó là một sự hiểu biết đáng trân trọng từ một người bạn quốc tế.

Cuốn tiểu thuyết sống động về hậu phương thời chiến

Bối cảnh xuyên suốt trong tiểu thuyết "Ở đất kẻ thù" là thời kỳ không quân Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc. Năm 1968 – những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến - một phi công Mỹ bị bắn rơi máy bay xuống làng Hà, nơi có những nông dân hiền lành, tảo tần. Trong một ngày bị giam giữ ở nhà ông Bi – người phụ trách dân quân xã, viên phi công Mỹ đã chứng kiến tận mắt sự hoang tàn đổ nát mà mình cùng đồng đội tạo ra sau nhiều ngày ném bom miền Bắc Việt Nam. Nhưng bất chấp bom đạn, cây gạo vẫn sừng sững nở hoa, các bà các chị vẫn lũ lượt gồng gánh, đi chợ. Lũ trẻ vẫn hát bài" Hạt gạo làng ta…" khi mà lâu lắm chúng chẳng có gạo ăn, chẳng nghe tiếng trống trường. Và hơn tất cả là tấm lòng nhân ái, thơ ngây của bé Na – con gái ông Bi mới 13, 14 tuổi đã hoàn toàn chinh phục được trái tim của kẻ từng gieo rắc đau khổ cho chính nơi đang đùm bọc hắn. Jim đi qua làng quê Bắc Bộ mà những hành động anh hùng nhất cũng chỉ là vô danh và ngày nào cũng có. Trong cái làng hẻo lánh ấy, Jim đã nhận ra một điều vô cùng giản dị: Lòng nhân ái, tình người có thể vượt qua mọi khoảng cách địa lý, ngôn ngữ hay văn hóa...

Ba mươi năm sau, người tù binh Mỹ bí ẩn ngày nào bỗng quay trở lại Việt Nam với tư cách một thượng nghị sĩ nổi tiếng, ông John McCain và theo dõi những hoạt động nhằm cải thiện mối quan hệ Việt – Mỹ của ông. Cây bút Lê Lan Anh nung nấu ý định viết một cuốn sách lấy cảm hứng đó. Năm 2004, bà lên đường sang New York tìm kiếm tư liệu và gặp gỡ các nhân chứng. Sau 6 năm miệt mài, bà đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết đầu tay "Ở đất kẻ thù".

Bà Lê Lan Anh vừa trở về từ hội nghị nhà văn Châu Á – Thái Bình Dương và đặt viên gạch vững chắc cho sự nghiệp sáng tác muộn màng của mình. Bà là một trong những cây bút Việt Nam đầu tiên tham gia hội nhà văn Châu Á – Thái Bình Dương nhờ vốn tiếng Anh rất tốt của mình.

 

Phóng viên Tạp chí Truyền hình số đã có cuộc trò chuyện khá thú vị với cây bút Lê Lan Anh.

Thưa bà, nhà văn Chu Lai từng nói rằng, là người phụ nữ, tại sao bà lại không khai thác những gì thường thức trong cuộc sống, chuyện xã hội, chuyện công sở mà lại quyết định theo đuổi đề tài chiến tranh, một đề tài hóc búa với ngay cả những người lính từng đi qua bom đạn?

Một đức tính thiên bẩm của phụ nữ là nhạy cảm, tinh tế trong quan sát vấn đề đời sống và tình yêu. Nhưng có một nhóm phụ nữ khác, trong đó có tôi, phụ nữ thứ thiệt, quan tâm đến những vấn đề có tính giá trị toàn cầu, như công cuộc giải phóng dân tộc, giá trị nhân văn, số phận một đất nước.

Tôi đã sống và quan sát người nông dân từ khi còn nhỏ. Tôi cảm nhận được phần nào tất cả những gì họ làm cho tôi và làm cho tiền tuyến để chúng ta có ngày khải hoàn chiến thắng một đế quốc lớn nhất thế giới. Tôi phải viết ra cuốn sách để trả món nợ sâu nặng với những người nông dân cưu mang thế hệ trẻ em trong chiến tranh như chúng tôi năm xưa.


Ðọc tác phẩm, tôi có ấn tượng rõ rệt với miền quê Kinh Bắc thanh bình nơi bà từng sơ tán. Qua 24 giờ bị giam giữ ở làng, sự chuyển biến trong tinh thần viên phi công Mỹ - kẻ từng tự tay ném nhiều quả bom hủy diệt những làng quê như thế - đã diễn ra như thế nào?

Viên phi công này thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt. Trước khi rơi xuống hậu phương lớn XHCN của Việt Nam, tay này cực kỳ căm ghét mảnh đất phía dưới cánh máy bay ("mảnh đất bé tí, nghèo xơ nghèo xác, đánh mãi không thắng, cái con kiến chết dẫm…" – Trích lời phi công Jim trong tác phẩm). Khi rơi xuống làng Hà, đi qua những giây phút ngỡ ngàng về sự khác biệt văn hóa Ðông Tây, anh đã ngày càng cảm động trước cách ứng xử nhân văn của nông dân Việt Nam, tiêu biểu là các cô gái nữ dân quân 18, 20 tuổi và bé Na mới 13, 14 tuổi. Ðó là cách ứng xử tốt đẹp hoàn toàn tự nhiên, đã lay động đến tận con tim của tay phi công, mà cách đó 20 giờ, hắn ta chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại có những cảm xúc lạ lùng như thế khi đứng ở miền Bắc Việt Nam.

 

Khi còn ở Mỹ, viên phi công này đã được đào tạo, dạy dỗ một quá trình dài, sẵn lòng căm thù với một đất nước nhỏ bé mà anh ta chưa hề biết đến. Qua cuốn sách này, tôi muốn nhấn mạnh một điều: Những gì được dạy dỗ, nhồi nhét mà không đi từ trái tim thì sớm muộn sẽ trở thành vô nghĩa. Chỉ có những gì từ trái tim đến thẳng trái tim mới bền lâu.


Quyết định sang Mỹ để tập hợp tư liệu viết sách đã thể hiện sự nghiêm túc của bà với nghề viết. Một người đã lên bà nội lại cắp ba lô đi học tiếng Anh với bọn trẻ. 6 năm ở Mỹ trôi qua như thế nào, thưa bà?

Nói thật, 6 năm đó trôi qua chẳng có gì vui vẻ, toàn nỗi buồn. Tôi cũng khóc nhiều lần. Bạn nghĩ xem, hơn 50 tuổi, mò mẫm một mình đi nước ngoài, học tiếng Anh với toàn trẻ con, trong lúc nhà mình đã có 2 cháu nội. Mỗi sáng, hai cặp lồng cơm (triền miên dưa bắp cải và thịt ba dọi) chạy cho kịp xe buýt đến trường. Tôi tự nhủ phải chịu đựng tất cả những thay đổi đó, để hoàn thành cuốn sách này, giải thoát về tinh thần cho chính mình. Sang Mỹ, tôi học được phụ nữ Mỹ tính tự lập, tự chăm lo cho bản thân, tự sửa nhà, điện nước…


Bà nói nhiều về những điều ám ảnh thời ấu thơ đi sơ tán. Ðó chính xác là những kỷ niệm như thế nào, thưa bà?

Lúc đấy, chúng tôi là những cô cậu bé học cấp 2, cấp 3 đi sơ tán. Ðiều tôi nhớ nhất là đói, đói khủng khiếp, đêm ngủ chẳng mơ gì khác ngoài miếng ăn, không có mẹ cha bên cạnh, đêm ngủ dùng ổ rơm lấy hơi ấm. Tôi nhớ như in chị Có, một người phụ nữ nông dân đã dịu dàng nói với tôi: "Em xay bột đi rồi chị em mình làm bánh đúc". Bát bánh đúc đó tôi quý vô cùng. Lúc đó, người nông dân đã nhường cơm sẻ áo cho mình, vì bản thân người ta và con cái họ cũng đói. Nhờ họ mà tôi mới học xong cấp 3 để lên đại học.

Ngày hôm nay nếu tôi có chút thành công, thì nó đã manh nha, thành hình, gieo mầm từ những ngày chiến tranh gian khổ sống cùng người nông dân. Họ rèn luyện cho tôi thành người không run sợ trước những thử thách. Khi sang Mỹ tôi đi chơi những trò thể thao mạo hiểm, và đúng là cũng không run sợ thật (cười).


Ðược biết, khi học ở Mỹ, bà đã đi nhiều bang, gặp gỡ nhiều nhân chứng để viết nên những trang rất thật về người Mỹ. Nhưng một nhân chứng quan trọng nhất, viên phi công rơi máy bay xuống miền Bắc Việt Nam, ông John McCain thì bà lại không gặp mặc dù có cơ hội, tại sao vậy thưa bà?

Ông John McCain là người gây cảm hứng cho tôi viết cuốn sách này chứ không phải tôi viết về ông ta. Trong đầu tôi luôn tưởng tượng ra nhân vật của mình, và sợ rằng khi gặp người thật thì nhân vật bị vỡ. Nếu ông ta khác xa với tưởng tượng thì công sức tạo hình nhân vật một thời gian dài của tôi đã đổ sông đổ bể. Sau này tôi có gặp ông, khi viết xong và xuất bản sách rồi. Ông ấy nói "Nhanh nhanh có bản tiếng Anh để tôi đọc". Hiện tại, tôi đã có trong người ít nhất 3 bản dịch tiếng Anh của tác phẩm nhưng chưa bản nào đạt để gửi tặng ông. Ðó là điều tôi day dứt!


Trong tác phẩm có rất nhiều chi tiết về các loại vũ khí dùng trong chiến tranh. Rõ ràng, vũ khí là kiến thức khó đối với bất cứ ai. Bà gặp những khó khăn gì khi tìm hiểu về lĩnh vực này?

Viết về vũ khí rất khó vì mình không phải chuyên gia vũ khi mà nhiều bạn đọc giỏi lĩnh vực này sẽ soi xét. Vì thế tôi đã ngồi hàng năm trời ở phòng đọc Thư viện Quân đội. Lúc đó thư viện chưa có điều hòa nhiệt độ, nóng kinh khủng nhưng ngày nào tôi cũng ngồi chỗ đó, giờ đó để tìm kiếm thông tin. Sang Mỹ, tôi cũng tiếp tục tìm hiểu về vũ khí. May mắn đến giờ vẫn chưa có độc giả nào phản hồi là viết sai về vũ khí (cười).

 

Viết về thời chiến nhưng hình ảnh bộ đội chủ lực chỉ xuất hiện vài giây phần cuối tác phẩm để dẫn giải phi công Mỹ, còn xuyên suốt tiểu thuyết là lão dân quân và các nữ dân quân xã. Với bối cảnh hẹp như vậy, bà đã xây dựng không gian thời chiến nơi làng quê ra sao?

Người cầm bút khi viết về chiến tranh hay theo chân người lính ra trận. Có lẽ đối mặt với bom đạn, ở giây phút mong manh giữa sự sống và cái chết thì con người hay bộc lộ cái tốt cái xấu. Nhưng chiến tranh đâu chỉ ở mặt trận, chiến tranh còn ở hậu phương nữa chứ. Nếu không có hậu phương của những người nông dân, những người chắt chiu từng hạt thóc, đưa những đứa con ưu tú ra mặt trận, người tải lương, người đặt ống dẫn dầu, làm sao có chiến thắng. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, mãi mãi sau này, trong giờ phút chúng ta nhớ đến chiến thắng cũng nên nhắc đến họ. Vì vậy, trong trang đầu cuốn sách vừa tái bản, tôi có thêm dòng chữ: "Kính dâng những người Nông Dân Việt Nam mọi thời đại".

Tác phẩm kết thúc buồn, khi nụ cười của bé Na và các nữ dân quân đã tắt do một quả bom sót lại mà đồng đội của Jim thả nốt vào làng. Vẫn biết mất mát là điều không thể tránh khỏi trong chiến tranh, nhưng bà đã cân nhắc ra sao để đặt bút viết cái kết ấy?

Nhiều độc giả đọc sách xong đã viết thư hỏi: "Sao cô ác thế, để tất cả những người con gái trong tác phẩm chết hết?". Với tư cách người cầm bút, tôi không hề chọn người này chết hay cho người kia sống. Chính mạch truyện dẫn dắt mình, phải kết thúc như vậy mới logic. Hơn nữa, đấy là chiến tranh.

Và chính viên phi công Mỹ, phải tự mắt nhìn thấy những cái quá vô lý và ác nghiệt của cuộc chiến. Lúc trước anh ta vừa nhìn thấy đội nữ dân quân hừng hực sức sống, mấy phút sau các cô chết hết. Thiên thần bé nhỏ của anh ta là cô bé Na, tuyệt vời như thế, cũng chết như một vị thánh bé nhỏ. Anh ta cũng cảm nhận sự đau đớn của người cha mất con. Tất cả chỉ vì quả bom sót lại mà đồng đội của anh ta thả nốt cho nhẹ máy bay. Cái đó đi thẳng vào trái tim, hơn tất cả các lời dạy dỗ của các trường đại học danh giá nhất trên thế giới.

Với thành công của tác phẩm đầu tay, bà có thể chia sẻ dự định trong những tác phẩm tiếp theo của mình? Liệu có tiếp tục với đề tài chiến tranh?

Tôi vẫn theo đuổi vấn đề các giá trị trong cuộc sống, ví như sự khác biệt về giá trị giữa phương Ðông và phương Tây trong gia đình, trong xã hội. Tác phẩm sẽ lồng thêm cả những tư liệu về tuyến đường Trường Sơn. Bên cạnh đó là một cuốn sách khác theo chủ đề đi học ở Mỹ tuổi 55. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích cho phụ huynh và các bạn trẻ đang định hướng đi du học.

Xin cảm ơn bà!

Diệu Ngân

Bình luận
vtcnews.vn