• Zalo

Cầu và hành động của các Bộ trưởng

Kinh tếChủ Nhật, 02/03/2014 01:22:00 +07:00Google News

Sự kiện về những cây cầu là tâm điểm “nóng” nhất tuần qua. Đó là vụ sập cầu Chu Va 6 (Lai Châu), sự cố nứt trụ T22 cầu Vĩnh Tuy và số phận giữ hay phá cây cầu Long Biên.

Cùng với sức nóng sự kiện, sức nóng dư luận, là hành động quyết liệt của các vị trưởng tư lệnh ngành Giao thông, Xây dựng...
 1 con ốc đổi 8 mạng người
Đây là cái giá quá đắt đối với những người dân xấu số đã thiệt mạng tại huyện Tam Đường, Lai Châu.

Ngay sau khi sự việc tang thương xảy ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng đoàn công tác đã lập tức lên đường để khắc phục sự cố. Bộ trưởng Thăng đã trực tiếp báo cáo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế điều động 2 đoàn bác sĩ bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức trực tiếp lên Lai Châu để mổ, cấp cứu cho các nạn nhân. Sự có mặt kịp thời của vị tư lệnh ngành giao thông đã phần nào xoa dịu nỗi đau của người dân Chu Va 6.

Sau hành động cứu người, Bộ trưởng Thăng đã cấp tốc chỉ đạo các ngành, các cấp nhanh chóng vào cuộc tìm ra nguyên nhân gây ra sự cố. Một tổ điều tra độc lập của Bộ Giao thông đã được lập ra.

Chỉ chưa đầy 1 tuần,  nguyên nhân của vụ lật cầu Chu Va 6 đã được làm rõ đó là  là do đứt ắc neo tăng đơ tại đầu neo cáp ở đầu cầu hướng bản Chu Va 8 phía thượng lưu cầu, dẫn đến mất khả năng chịu lực của cáp chủ thượng lưu gây lật mặt cầu, hất người đi trên cầu xuống sông. Và toàn bộ danh sách nhà thầu thi công lắp đặt cầu Chu Va 6 cũng đã được công bố.

Trước mắt, để đảm bảo cuộc sống người dân, Bộ trưởng Thăng yêu cầu địa phương xây dựng cầu tạm. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Thăng và Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng đồng thời ra chỉ thị đề nghị tổng rà soát tất cả các công trình cầu treo, cầu tạm tại các địa phương.

Hiện, dư luận vẫn đang chờ Bộ trưởng Thăng đưa ra quyết định xử lý đối với những người chịu trách nhiệm chính trong vụ lật cầu Chu Va 6.
Ảnh minh họa

Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng lãnh đạo tỉnh Lai Châu tìm hiểu nguyên nhân khiến óc neo mố cầu phải bị đứt


“Nứt trụ Cầu Vĩnh Tuy, tổng kiểm soát chất lượng tất cả các công trình”

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng ngay khi dư luận phản ánh về tình trạng nứt trụ T22 cầu Vĩnh Tuy. Sở dĩ Bộ trưởng Dũng xông xáo hành động không chỉ bởi trách nhiệm của người đứng đầu Hội đồng nghiệm thu các công trình xây dựng mà còn là bởi ông rất lo lắng cho sự an nguy của những người dân đang hàng ngày tham gia giao thông.

Ngày 26/2, sau khi thị sát vết nứt tại trụ cầu T22 Vĩnh Tuy, Bộ trưởng Dũng đã nhấn mạnh: "Hiện nay, các cầu trên địa bàn TP. Hà Nội nói chung là an toàn, nhưng chúng ta cũng không thể chủ quan, một sơ suất nhỏ nằm ngoài khả năng kiểm soát cũng có thể gây sự cố. Với trách nhiệm quản lý Nhà nước của ngành Giao thông, Sở Giao thông vận tải phải tăng cường kiểm tra chất lượng các công trình. Có như vậy, hàng ngày người dân mới yên tâm tham gia giao thông qua các cây cầu”.

Trước mắt, Bộ trưởng Dũng yêu cầu chủ đầu tư (Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn) phải tập trung vào việc xử lý vết nứt này theo hướng thuê một tư vấn kiểm định độc lập đánh giá hiện trạng vết nứt, xác định nguyên nhân gây nứt và theo dõi quá trình diễn biến của vết nứt.

Đồng thời phải kiểm tra toàn tuyến, tất cả các trụ, kiểm tra tình trạng chung những xuất hiện bất thường ở các kết cấu chịu lực chính của cầu.

Cầu Long Biên: Tâm điểm cuộc tranh cãi

Tuần qua, dư luận một lần nữa lại xôn xao trước đề án mà UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải đưa ra để phục dựng cầu Long Biên. Trong đó, phương án khả thi nhất là xây dựng cây cầu mới bên cạnh cầu Long Biên, tuy nhiên vị trí xây dựng cây mới đặt ở đâu vẫn chưa có quyết định.

Quan điểm của Bộ trưởng Thăng, Bộ Giao thông Vận tải hoàn toàn đồng ý với phương án mà Thủ tướng đã phê duyệt từ 2011 - xây một cầu mới cách cầu Long Biên hiện tại 30 m.

Đây là phương án khả thi nhất, tiết kiệm chi phí nhất vì giải phóng mặt bằng không lớn. Còn phương án của Hà Nội đề xuất xây cầu mới cách cầu cũ 186 m hoàn toàn không khả thi và chi phí giải phóng mặt bằng lớn, liên quan đến hàng trăm hộ dân.

Tại phiên họp giao ban thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức yêu cầu không phá dỡ cầu Long Biên. Thủ tướng nêu rõ: “Cầu Long Biên là nhất quyết phải giữ nguyên và Cộng hoà Pháp, Tổng thống Pháp đã tuyên bố tài trợ để bảo tồn. Quan điểm của Việt Nam cũng là giữ nguyên. Còn cầu vượt đường sắt đô thị thì Bộ và Hà Nội phải bàn phương án nào tốt nhất, hay nhất thì làm, cách bao nhiêu bàn cụ thể có lợi nhất".

Bình luận
vtcnews.vn