• Zalo

Cầu 'tử thần' treo khắp nơi ở Thái Nguyên

Thời sựThứ Ba, 04/03/2014 03:18:00 +07:00Google News

Sau sự cố cầu treo Chu Va 6 ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, rất nhiều người mới giật mình và run rẩy mỗi khi đi trên các cây cầu treo đã và đang xuống cấp tại Thái Nguyên.


Cầu treo Thái Nguyên.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 45 cầu treo dân sinh, do UBND các huyện quản lý, sử dụng. Đến nay, chỉ mới có 3 cây cầu được làm theo hình thức BOT là: Cầu treo Bến Oánh, cầu treo Đát Ma và cầu treo Đồng Liên; còn nhiều cầu trong số này được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước nên đã xuống cấp.

Trong khi nhu cầu đi lại, vận chuyển qua cầu của người dân lại tăng lên rất cao. Vì vậy, sau sự cố cầu treo Chu Va 6 ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, rất nhiều người mới giật mình và run rẩy mỗi khi đi trên các cây cầu treo đã và đang xuống cấp tại Thái Nguyên.

Võ Nhai với đặc thù là huyện vùng cao, miền núi của tỉnh Thái Nguyên nên có tới 10 cây cầu treo dân sinh. Và theo báo cáo của địa phương, toàn bộ số cầu treo này đều trong tình trạng xuống cấp ở mức báo động.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai cho biết: “Trên địa bàn xã có 3 cây cầu treo là Thành Tiến, Làng Đèn và Đồng Danh nhưng cả tất cả đều đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, tại hai cây cầu Thành Tiến và Làng Đèn, mặt cầu nhiều chỗ mục gãy, một số dây cáp treo đã bị đứt…”.

Được biết, trước tình trạng xuống cấp của 3 cây cầu treo ở xã Tràng Xá, năm 2013 huyện Võ Nhai đã cấp trên 10 triệu để sửa cầu Thành Tiến và trên 30 triệu sửa cầu Làng Đèn.

Xã Tràng Xá đã dùng số tiền trên để thay được ván mặt cầu còn các hệ thống khác như cáp treo, dầm dọc, dầm ngang- những vấn đề thuộc “xương cốt” công trình thì vẫn phải đợi…cấp thêm tiền.

Tương tự, tại huyện Định Hóa địa phương có 10 cầu treo dân sinh thì hầu hết cũng đã trong tình trạng “hết khấu hao”. Hàng năm, huyện Định Hóa cân đối dành khoảng 400 triệu để bảo dưỡng sửa chữa lại cầu treo nhưng cũng chỉ đủ để sơn lại và thay ván mặt cầu.

Tại huyện Phú Bình, chiếc cầu treo Hà Châu bắc qua sông Cầu nối liền hai xã Hà Châu (Phú Bình- Thái Nguyên) và Đồng Tân (Bắc Giang) là nơi đi lại, vận chuyển nông sản chính của trên 800 hộ dân trong xã Hà Châu, được xây dựng từ năm 1997 cũng đã xuống cấp nghiêm trọng.

Theo mắt thường có thể thấy nhiều mối hàn đã gỉ sét, lung lay tạm bợ. Trên mặt cầu nhiều cây gỗ nhỏ về để ken vào vào các miếng ván cầu quá mục cũng đã oải cùng mưa nắng. Mỗi lần có người hay phương tiện đi qua cầu rung lắc mạnh, khiến những người yếu bóng vía lần đầu đi cầu chỉ biết… khóc!

Chủ tịch UBND xã Hà Châu, ông Nguyễn Viết Đài, cho biết: Biết là cầu xuống cấp, nguy hiểm cho người đi lại nên năm 2012 xã đã có văn bản đề nghị huyện cho sửa chữa nâng cấp lại cầu và thông báo cầu hỏng để bà con chú ý mỗi khi qua cầu. Trong khi đó, nguồn kinh phí của xã cũng chỉ đủ để mua những cây gỗ nhỏ về để ken vào vào các miếng ván cầu quá mục.


Cầu treo ở xã Bình Long, huyện Võ Nhai.

Nhiều người dân tâm sự: Mỗi lần tiếp xúc cử tri các cấp chúng tôi đều có ý kiến đề nghị được sửa chữa cầu, nhưng thấy các vị đại biểu cứ hứa mãi mà chả thấy đâu. Vì mưu sinh, học hành nên dù biết nguy hiểm chúng tôi vẫn phải đi trên cầu treo vì không còn đường nào khác thuận hơn...

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở GTVN Thái Nguyên cho biết: Bắt đầu từ ngày 1/3, Sở sẽ thành lập đoàn đi kiểm tra thực trạng của tất cả các cầu treo trên địa bàn để có đánh giá cụ thể từng công trình từ báo cáo tỉnh có hướng chỉ đạo giải quyết.

Mong rằng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, những cây cầu treo ở Thái Nguyên sẽ được tu bổ, sửa chữa tốt hơn, đảm bảo cho người tham gia giao thông yên tâm hơn mỗi khi qua cầu.

Bình luận
vtcnews.vn