Khi đề xuất mở rộng số đội tham dự World Cup 2024 lên con số 48 đội được thông qua, một bộ phận người hâm mộ đã phản đối gay gắt với lí do: việc "phổ cập" World Cup sẽ dẫn đến việc nhiều quốc gia nhỏ bé có cơ hội dự giải đấu này, dẫn đến những trận đấu tẻ nhạt với chất lượng chuyên môn thấp sẽ diễn ra thường xuyên hơn.
Video: Bỉ 3-0 Panama
Cách biệt "trời biển" giữa các đội dự World Cup từng được chỉ ra với những tỉ số lịch sử. World Cup 1982, Hungary từng đè bẹp El Salvador tới... 10-1. World Cup 2002, Đức nhấn chìm Ả Rập Xê Út 8-0. Hay World Cup 2010, Bồ Đào Nha hạ gục CHDCND Triều Tiên 7-0.
Nhìn trên khía cạnh chuyên môn, việc các đội bóng "hạt tiêu" dự World Cup cũng như việc theo dõi nhưng Malmo FF hay Ludogorets Razgrad dự Champions League vậy. Tham dự cho "đủ mâm đủ chỗ", gần như không có cơ hội thắng và "thi xong xuôi tất cả lại về".
Nhưng, World Cup không phải là câu chuyện của riêng chuyên môn. Và bóng đá, tất nhiên không phải môn chơi với chỉ 22 người cùng 1 trái bóng. Bóng đá, hay World Cup, là câu chuyện của cả một dân tộc, của những đau thương, mất mát và tự hào. Giọt nước mắt của đội trưởng Roman Torres khi quốc ca Panama vang lên tại đấu trường World Cup đã cho thấy điều đó.
Không phải một bàn thắng đẹp hay một pha lừa bóng hay, song đó sẽ là khoảnh khắc cô đọng và minh chứng cho vẻ đẹp thuần khiết của bóng đá.
Bản thân việc Panama có mặt tại World Cup đã là câu chuyện lịch sử, khi đội bóng nhỏ bé sát eo biển Caribbean vượt qua gã khổng lồ CONCACAF là Mỹ đúng ở lượt đấu cuối cùng. Với Panama, vùng đất của "thiên đường thuế", bạo lực, giết chóc, bi kịch và khủng hoảng kinh tế, bóng đá chẳng khác nào liều thuốc xoa dịu nỗi đau. Sau khi Panama giành tấm vé lịch sử, Tổng thống Juan Carlos Varela đã quyết định cho phép toàn thể người dân được phép nghỉ lễ trong vòng 24 giờ.
Từ khoảnh khắc Panama chính thức được điểm mặt chỉ tên là 1 trong 32 đội tuyển có mặt tại Nga cho đến hôm nay, người dân nước này luôn sống trọn vẹn từng phút giây với không khí World Cup. Ở trận ra quân với Bỉ, dù Panama bất lực trong nhiệm vụ tìm kiếm điểm số đầu tiên (và bàn thắng đầu tiên) khi thua trắng 0-3, những tiếng hò reo vẫn xuất hiện trên các khán đài ở Fisht Stadium.
Các cổ động viên Panama lặn lội gần nửa vòng trái đất để có mặt tại xứ bạch dương, khoác lên mình màu áo quốc kỳ và nhảy múa trong cả trận đấu dẫu trên sân, Panama không chống đỡ nổi sức mạnh của ứng viên vô địch Bỉ.
Nhưng có sao đâu, khi bóng đá không phải câu chuyện của riêng chuyên môn. Nếu xét riêng khía cạnh chiến thuật hay kỹ thuật, World Cup có lẽ không có "cửa" so sánh với Champions League hay các giải đấu hàng đầu châu Âu về mức độ lôi cuốn. Song World Cup vẫn ở đó, sừng sững tồn tại bởi bóng đá nơi đây tồn tại những giá trị thiêng liêng.
Giá trị ấy cô đọng và thuần khiết như những giọt nước mắt của Roman Torres hay Jong Tae Se - cầu thủ từng khóc khi cùng CHDCND Triều Tiên dự World Cup 2010. Họ thấu hiểu rất rõ cảm giác được góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh để tranh tài với những ngôi sao ở đẳng cấp cao nhất. Và họ cũng thấu hiểu rất rõ cảm giác phía trước là đối thủ, còn sau lưng, đã có cả dân tộc đồng lòng ủng hộ.
Trong thế giới quan của những đội bóng như Panama, thắng hay thua, có lẽ cũng không quá quan trọng. Mỗi ngày, mỗi giờ còn được ở lại và tận hưởng không khí World Cup, đó đã là một đặc ân.
Bình luận