Hành động bỏ trận đấu của đội bóng đá nữ Hà Nam tối qua (6/10) không xứng đáng nhận được sự cảm thông hay bênh vực vì bất kỳ lý do nào. Bất kể trọng tài đúng hay sai, cách phản ứng này là điều không được phép xảy ra ở một giải đấu cấp độ quốc gia.
Video: Trọng tài thổi phạt đền, cả đội Hà Nam bỏ trận đấu
Đội bóng đá nữ Hà Nam bị xử thua 0-3 và khó tránh khỏi án phạt theo điều lệ giải. Hành động phi thể thao trên sân chẳng mang lại cho thầy trò Nguyễn Thế Cường lợi ích gì ngoài việc giải tỏa cơn nóng giận không chút lý tính?
Không chỉ vậy, những hình ảnh xấu xí mà họ tạo ra còn đe dọa tới cả một giải đấu cũng như phong trào bóng đá nữ vốn đã phải gồng mình vượt khó suốt bao năm qua.
Những thành công phi thường của đội tuyển quốc gia là những ấn tượng đẹp của bóng đá nữ Việt Nam đối với người hâm mộ, Đó chính là động lực lớn nhất để duy trì sân chơi quốc nội cho vỏn vẹn sáu đội bóng, trong đó có những đội từng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
Cũng bởi lẽ đó, khi những sự cố đáng buồn xảy ra như hôm qua, hay màn ẩu đả tai tiếng ở trận đấu giữa CLB TP.HCM và Than Khoáng Sản Việt Nam hai năm về trước, dư luận vừa giận mà cũng vừa thương các nữ cầu thủ. Trong một môi trường chưa thể được gọi là chuyên nghiệp, họ dù sao cũng là những cô gái có lúc giận hờn bột phát một cách dại dột.
Các nữ cầu thủ đáng trách một, HLV và các lãnh đạo đội bóng đáng trách mười. Trong vai trò quản lý, dẫn dắt, vị trí mà bắt buộc người đảm nhiệm phải hiểu chuyện, họ lại đưa các cầu thủ của mình vào ngõ cụt.
Như mọi lần, LĐBĐ Việt Nam và ban tổ chức giải sẽ lại là những người đi mở đường thoát cho họ bằng việc "giơ cao đánh khẽ" vì sự cảm thông cho phong trào chung. Đó cũng là cái khó của những người làm giải, vừa phải đưa ra án phạt có tính răn đe lại vừa phải nghĩ cho "nồi cơm" của các đội bóng, cầu thủ, điều mà lẽ ra các HLV và lãnh đạo CLB phải đủ tỉnh táo và chuyên nghiệp để nhận thức được khi xảy ra sự cố.
Bóng đá nữ Việt Nam lâu nay "sống bằng tình thương". Ngay đến doanh nghiệp gắn bó đến cả thập kỷ với giải vô địch quốc gia cũng coi việc tài trợ như một hoạt động "tri ân xã hội". Tiền và sự quan tâm dành cho các nữ cầu thủ là điều mà chính họ và những người làm bóng đá phải vất vả tìm kiếm, duy trì suốt những năm qua.
Các đội bóng nữ đã khổ, tự đá đi "nồi cơm" của mình thì quá dại dột. Chưa thể đòi hỏi sự chuyên nghiệp trong điều kiện bóng đá nữ hiện tại. Tuy nhiên, các nữ cầu thủ và hơn hết, những người thầy và lãnh đạo CLB phải tự ý thức được rằng không thể nhân sự cảm thông để phá hỏng đi những ấn tượng đẹp đã nuôi dưỡng sự tồn tại của các đội bóng cũng như cả phong trào bóng đá nữ.
Bình luận