• Zalo

Cầu phao xuống cấp trầm trọng, người dân Hải Dương vẫn phải liều mình đi qua

Đời sốngThứ Sáu, 06/11/2020 06:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Mặc dù cây cầu phao hơn 20 năm tuổi ở Hải Dương xuống cấp trầm trọng với những thanh sắt hoen gỉ nhưng hàng ngày vẫn có nhiều người qua lại trong thấp thỏm, lo âu.

Video: Cầu phao hơn 20 năm tuổi ở Hải Dương xuống cấp trầm trọng

Hơn 20 năm qua, cầu phao Mũ bắc qua sông Cửu An là con đường ngắn, thuận tiện nhất để người dân 2 xã Phượng Kỳ và Hà Kỳ (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) đi lại với nhau, cũng là đường bà con một số xã khu Hạ lên thị trấn Tứ Kỳ hoặc sang thị trấn Ninh Giang (huyện Ninh Giang, Hải Dương) nhanh nhất.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, cây cầu này xuống cấp trầm trọng, chòng chành trên mặt nước với những tấm sắt đã hoen gỉ được gác trên các mảnh gỗ mục nát.

Lan can cầu chỉ là những dây kim loại chằng lại với nhau cao chừng 50cm, chỗ có chỗ không. Thậm chí, nhiều đoạn có tấm sắt bị thủng nhưng chưa được vá lại. Các dầm, ống thép nối các nhịp phao với nhau cũng trong tình trạng tương tự.

Cầu phao xuống cấp trầm trọng, người dân Hải Dương vẫn phải liều mình đi qua - 1

Cầu phao Mũ xuống cấp trầm trọng.

Được biết, trước đây, tại khu vực cầu phao Mũ có một bến đò hoạt động. Hơn 20 năm trước, một số người dân xin phép chính quyền địa phương đầu tư cầu phao để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Và cây cầu hoạt động cho tới ngày nay, có thu phí người dân đi lại.

Trả lời PV VTC News, ông  Trương Ngọc Thành – Chủ tịch UBND xã Phượng Kỳ cho biết, cầu phao Mũ có tuổi đời hơn 20 năm, hiện đang trong tình trạng xuống cấp.

Mặc dù không có tai nạn chết người khi người dân qua cây cầu này nhưng để tiếp tục khai thác sẽ rất nguy hiểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ, đặc biệt trong những ngày mưa bão.

Vì vậy, từ nhiều tháng nay, chính quyền địa phương cho tạm dừng hoạt động cây cầu này. Thỉnh thoảng có người dân đi bộ sang làm đồng ở bên đầu 2 xã Phượng Kỳ và Hà Kỳ.

Cầu phao xuống cấp trầm trọng, người dân Hải Dương vẫn phải liều mình đi qua - 2

Lan can cầu sơ sài, các thanh sắt đã hoen gỉ đặt trên những tấm gỗ đã mục nát.

UBND huyện Tứ Kỳ cũng xây dựng kế hoạch trình cấp trên thẩm định để xây cầu phao cứng với mức kinh phí cho dự án là hơn 10 tỷ đồng. Hiện, kế hoạch vốn đã được phê chuẩn.

Những cá nhân đầu tư cây cầu này cũng có phương án bảo dưỡng, sửa chữa nhưng chỉ là tạm và không đảm bảo nên không được chấp thuận”, ông Thành nói.

Cầu phao xuống cấp trầm trọng, người dân Hải Dương vẫn phải liều mình đi qua - 3

Xuống cấp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn nhưng hàng ngày vẫn có nhiều người dân đi qua cây cầu này.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV VTC News, thời điểm hiện tại, cầu phao Mũ vẫn làm nhiệm vụ nối 2 đầu sông Cửu An, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, trong đó có người đi bộ, người đi xe đạp điện, người đi xe máy…

Là người đầu tư và quản lý cầu phao Mũ từ nhiều năm nay, ông Bùi Quang Long cho hay, cầu rộng 2m, dài 156m, trung bình mỗi ngày có khoảng 200 người qua lại để buôn bán, giao lưu giữa các địa phương.

Cầu phao xuống cấp trầm trọng, người dân Hải Dương vẫn phải liều mình đi qua - 4

Khi khoang thông thuyền được mở để tàu, thuyền qua lại càng lộ rõ hơn sự xuống cấp của cây cầu.

Đứng chờ hai đầu cầu nối lại sau khi khoang thông thuyền mở cho tàu đi qua, ông Phạm Đức Thanh (quê xã Phượng Kỳ) cho biết, cây cầu với những tấm sắt hoen gỉ, rung lắc trên mặt nước khi có người qua lại nhưng lại là con đường ngắn nhất để ông và người thân đi sang những địa chỉ khác. Vì vậy, ông Thanh đành “nhắm mắt” đi qua.

Sáng nay chúng tôi đi một xe máy và ba người mất 20 nghìn đồng, bây giờ về thêm 20 nghìn đồng nữa. Cây cầu không đảm bảo an toàn, rất nguy hiểm nhưng phí lại đắt, không có bảo hiểm. Ngày mưa bão không ai dám đi qua vì sợ rơi xuống sông.

Người dân chúng tôi mong muốn Nhà nước đầu tư xây cầu mới cho dân đi an toàn. Nếu duy trì cây cầu này phải có sửa chữa và điều chỉnh lại phí qua cầu”, ông Thanh nói.

Cầu phao xuống cấp trầm trọng, người dân Hải Dương vẫn phải liều mình đi qua - 5

Người dân luôn mong có cây cầu mới để họ đi lại được an toàn.

Bà Phạm Thị Năm (xã Văn Tố, Tứ Kỳ, Hải Dương) cũng thở dài khi nghĩ tới mỗi lần đi qua cầu phao Mũ chòng chành. Thậm chí, bà Năm cho biết nhiều lúc có tiền cũng không được đi vì không ai mở cánh cửa để ra cầu.

Cũng như ông Thanh, bà Năm mong muốn sớm có cây cầu nối giữa hai bờ sông để người dân an tâm đi lại.

Nguyễn Huệ
Bình luận
vtcnews.vn