Dự án đường trục phía Nam nối từ quận Hà Đông đi qua các huyện phía Nam thành phố Hà Nội do Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 6.000 tỷ đồng.
Dự án được thực hiện nhằm hình thành tuyến đường mới phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, giảm lưu lượng người tham gia giao thông cho các quốc lộ 21B, quốc lộ 1A cũ… Tuy nhiên, đã nhiều năm dự án vẫn chưa được hoàn thành.
Xốp dưới móng trụ đèn
Theo ghi nhận của PV, móng nhiều trụ cột đèn chiếu sáng trên cây cầu này lộ những tấm xốp trắng. Lớp xốp dày 3-4 cm xen kẽ giữa lớp cát đệm và bê tông trên vỉa hè cầu. Chỉ cần dùng tay có thể bẻ gãy các miếng xốp giữa bê tông và cát rụng rời, vỡ vụn.
Trả lời về vấn đề trên, ông Lê Thanh Song – Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 cho biết, hạng mục cầu vượt đường sắt đã thi công cơ bản xong từ năm 2012. Thực hiện văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc điều tiết, tổ chức giao thông an toàn, phân luồng xe tải đi vào tuyến đường trục phía Nam (đoạn Km0 - Km9+300) trong giờ cao điểm nhằm giảm tải cho đường quốc lộ 21B trước Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, Công ty đã cho lắp đặt chiếu sáng tạm tại một số vị trí nút giao trên đường trục phía Nam trong đó có vị trí trên cầu vượt đường sắt (tại lý trình Km0+938.29).
Theo ông Song, nguyên nhân xuất hiện xốp xen kẽ lớp bê tông, cát đệm là do hạng mục vỉa hè thi công xong từ năm 2012. Khi đó chưa thi công hệ thống chiếu sáng nên khi thi công vỉa hè, đơn vị thực hiện đã đặt một tấm xốp (40cm x 40cm) để định vị tại những vị trí đấu nối, luồn cáp vào 24 chân cột đèn trên cầu.
Đến đầu năm 2015, đơn vị thi công mới triển khai lắp hệ thống chiếu sáng nên khi thi công, đơn vị đã đục các vị trí đó để đấu nối chiếu sáng. Tuy nhiên, do hạng mục chiếu sáng chỉ thi công tạm nên đơn vị thi công chưa hoàn thiện các vị trí lỗ đục xuất hiện hiện trạng như trên.
Về những vệt sụt lún, bong tróc, nứt gãy, ông Lê Thanh Song giải thích, các điểm này là vị trí tại khe co giãn của cầu vượt đường sắt. Theo thiết kế, khe co giãn tại vị trí mố và nhịp cầu rộng 10 cm đã được quy định trong bản vẽ, phù hợp với hồ sơ thiết kế.
‘‘Đối với vị trí bong tróc (khoảng 2 m2) là vị trí phần lề của đường dẫn đầu cầu, sát mố cầu vượt đường sắt đang trong quá trình thi công hoàn thiện. Công trình hiện đang trong giai đoạn thi công chưa được bàn giao cho cơ quan quản lý. Các hạng mục thi công dở dang vẫn đang được các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện’’ - ông Song nói.
Đề nghị thanh, kiểm tra toàn bộ dự án
Trao đổi với Tiền Phong chiều 3/7, ông Nguyễn Ngọc Long – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam tỏ ra bức xúc khi tiếp nhận phản ánh trên. Ông đánh giá, nhà thầu làm như vậy là “quá ẩu”.
Theo ông Long, chủ đầu tư cần thuê tư vấn giám sát kiểm tra, rà soát đánh giá lại toàn bộ dự án chứ không chỉ câu chuyện tấm xốp đệm này. Khi rà soát, cần kiểm tra kỹ các trụ cột đèn khác, nếu còn cột nào có xốp đệm như trên cần thống kê để xử lý. Nếu chưa phát hiện được bằng mắt thường cần đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm định, thanh tra trước khi đưa vào khai thác. Khi có kết luận, thời hạn thế nào nhà thầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
“Theo tôi, chỉ có thanh tra, kiểm định toàn bộ dự án mới có thể đánh giá đúng đắn, xác thực nhất. Không thể thấy dư luận phản ánh như vậy rồi lấp vội, lấp vàng cho xong. Chủ đầu tư, tư vấn giám sát không được bao che cho nhà thầu. Làm sai thì phải làm lại’’ - ông Long nói.
Video: Xuất hiện vết hằn, lún trên cầu 730 tỷ đồng ở Huế
Bình luận