Mô hình "Hệ thống phơi cà phê thông minh" của Nguyễn Anh Hào và Nguyễn Thành Long (lớp 8, THCS Gia Hiệp, huyện Di Linh, Lâm Đồng) đang được chú ý tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học phía Nam, tổ chức ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Người nảy ra ý tưởng cho sản phẩm là Hào - cậu bé khuyết tật phải đi lại bằng nạng gỗ.
Ngay từ khi lọt lòng, Hào đã mắc căn bệnh loạn sản sụn nên bị khuyết tật các chi. “Các bác sĩ nói đây là căn bệnh hiếm gặp” anh Nguyễn Đình Nhạn, cha Anh Hào cho hay. Mặc dù điều kiện gia đình không khá giả, hai vợ chồng từ Hà Tĩnh vào Di Linh làm giáo viên tiểu học, nhưng thương con, cứ mỗi mùa hè anh chị lại chạy vạy vay mượn để đưa Hào đi khắp nơi chữa bệnh. Nhưng đến nay vẫn chưa có cách chữa nên cậu bé Hào phải chấp nhận sống trong cảnh tật nguyền. Từ đó, cậu bé phải di chuyển bằng tay, đôi nạng gỗ trở thành người bạn bất li thân của cậu bé.
Phàm khiếm khuyết cái này sẽ vượt trội ở mặt khác, thứ mà Anh Hào được bù đắp chính là nghị lực. Dù thân hình nhỏ bé, di chuyển luôn chậm chạp hơn chúng bạn nhưng sự tìm tòi, học hỏi khám phá sự vật xung quanh thì không chịu thua ai. Hào tham gia nhiều giải cờ vua, thi giỏi Toán, tiếng Anh... ở huyện và đạt được giải cao.
Bố mẹ làm giáo viên ở huyện Di Linh, trồng thêm cà phê để tăng nhu nhập và Hào được giao việc trông hạt phơi trước sân, khi cả hai bận đi dạy.
"Một buổi chiều, khi cà phê trước sân đã gần khô thì trời kéo giông, báo hiệu cơn mưa ập đến. Em chống nạng ra sân, cố gắng kéo tấm bạt phủ lại nhưng không kịp. Em bị ngã, còn cà phê ướt sũng", Hào kể. Mang nỗi buồn trong lòng, cậu học trò lớp 8 nảy ý tưởng làm mái che sân phơi có điều khiển, chỉ cần ngồi trong nhà có thể kéo bạt mà không cần dùng sức.
Hào rủ người bạn thân trong lớp là Long cùng làm chiếc mái che. Sau khi bàn bạc, hai bạn quyết định chia sẻ ý tưởng của mình với thầy giáo Phạm Văn Tĩnh. Được thầy định hướng, Hào và Long lập kế hoạch, phác thảo ý tưởng trên giấy và thực hiện dự án hệ thống phơi cà phê thông minh.
Hào phụ trách chính về lập trình, Long phụ trách phần cơ. Một số phụ kiện như cảm biến đo độ ẩm, cảm biến mưa được các bạn tìm kiếm trên mạng và đặt hàng giao tận nơi.
Dưới sự hướng dẫn về kiến thức của thầy giáo dạy Toán Phạm Văn Tĩnh và sự ủng hộ, giúp đỡ của bố mẹ trong khâu lắp ráp phần khung, sản phẩm “Mái che thông minh” của Anh Hào và Thành Long ra đời. Khi tham gia Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học huyện Di Linh, đề tài của Hào và Long đoạt giải nhì và được chọn dự thi cấp tỉnh. Bằng sự tự tin trả lời lưu loát thuyết phục Ban giám khảo cũng như tính ứng dụng cao, đề tài “Mái che thông minh” đạt luôn giải ba cấp tỉnh.
Ban đầu chỉ là mái che với hệ thống ròng ròng dây kéo đơn thuần, hai cậu học trò lớp 8 đã “gia cố” sự linh hoạt cho hệ thống che của mình bộ cảm biến mưa, cảm biến độ ẩm gắn trên mái cùng hệ thống đảo và hong khô cà phê bằng quạt bằng mô tơ thông qua điều khiển từ bo mạch chính.
“Điểm mới và đáng ghi nhận nhất ở hệ thống mái che này chính là sự chủ động và linh hoạt. Nó không chỉ giúp những người già yếu, khuyết tật đôi chân như Anh Hào dễ dàng với công việc của mình bằng một cái bấm tay, mà hệ thống còn có điểm cộng khi được các em dựng phần mềm điều khiển, sử dụng công tắc điều khiển ảo tích hợp với điện thoại thông minh qua Bluetooth. Người dùng chỉ cần ngồi thao tác việc kéo mái che bằng các phím ảo trên điện thoại”, thầy Phạm Văn Tĩnh-giáo viên hướng dẫn đề tài cho biết.
Theo tính toán của Hào và Long, để lắp đặt hệ thống cho sân phơi rộng 5m, dài 20m và cao 3m giá thành khoảng 30 triệu đồng. Dù giá thành ban đầu hơi cao nhưng lại sử dụng được trong nhiều năm. Tùy thực tế mỗi hộ gia đình có thể ráp riêng lẻ từng bộ phận, giá thành rẻ hơn. Ngoài phơi cà phê, hệ thống có thể được tận dụng để phơi nhiều loại nông sản khác.
Bất ngờ trước thành tích của cậu bé có vóc dáng nhỏ thó bên chiếc nạng gỗ, bà Đàm Thị Kinh (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng) đã đến thăm gia đình Hào. "Cỗ máy" mái che cà phê thông minh được Hào khởi động và chạy khá tốt.
"Chúng tôi rất cảm phục trước sự vượt khó, hiếu học của Hào. Mong mô hình của em được áp dụng thành công trong thực tế để giúp đỡ được nhiều nông dân trồng cà phê trong tỉnh", bà Kinh cho biết.
Được đánh giá là nghiên cứu gần gũi với thực tế đời sống, khả năng ứng dụng và chuyển giao cao, mô hình Hệ thống phơi cà phê thông minh của Hào và Long còn được đánh giá cao khi giảm thiểu công sức của người nông dân trong công tác đảo và làm khô cà phê khi trời mưa dài ngày.
Bình luận