• Zalo

Cậu học sinh mang gà đến lớp và điểm 10 bất ngờ

Giáo dụcChủ Nhật, 19/05/2019 08:44:00 +07:00Google News

Khi cô giáo vẽ hình tròn trên bảng, cậu học trò lập tức chạy lên xoá đi khiến cô bật khóc; cậu còn mang gà tới lớp và khi cô hỏi, bèn ôm gà bỏ ra ngoài.

Những ngày mới ra trường, tôi được phân công dạy cấp 2. Cách tôi tiếp cận với học trò bướng bỉnh đơn giản là nghiêm khắc với chúng sẽ giữ được kỷ cương lớp học.

Khi đó, tôi vẫn duy trì kỷ luật bằng những hình thức hà khắc như dùng thước để vụt vào tay những em viết ẩu hay có hành vi thái quá trong lớp học. Tuy nhiên, khi tôi càng cứng rắn, học trò lại càng trở nên… cứng đầu.

Chúng đáp trả lại sự nghiêm khắc của tôi bằng những ánh mắt lườm nguýt, những câu chửi thầm hay cả những nắm đấm được giơ từ phía sau lưng. Tôi cảm thấy ức chế vô cùng mà không thể nói ra bằng lời. Có lẽ, nếu khi ấy không đủ sự kìm chế, tôi sẽ lại tiếp tục đánh học sinh. Có giai đoạn tôi cảm thấy nản vô cùng và không còn cảm xúc với nghề nữa.

Tôi từng muốn bỏ cuộc bởi mỗi ngày đến lớp không còn là một ngày vui. Khi tôi đánh học sinh, thậm chí nhiều phụ huynh còn kéo tới nói những lời lẽ xúc phạm. Mặc dù tôi đã cố gắng không quan tâm đến thái độ của họ nhưng tôi vẫn không cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi vào lớp.

Những năm sau đó có sự tiến triển hơn, nhưng tôi vẫn giữ sự nghiêm khắc trước mặt học sinh. Tất nhiên, những gì tôi nhận được vẫn là những phản ứng không mấy tích cực của học trò. Tôi không nhớ mình từng bao lần phải rơi nước mắt.

Đồng nghiệp của tôi, cũng là một giáo viên trẻ, từng phải bất lực tới mức, khi cô vẽ một hình lên bảng, ở dưới học trò lại chạy lên xóa đi. Cô đã phải chạy sang lớp tôi đang dạy và bật khóc.

Chúng tôi đã đưa ra một quyết định là đổi lớp cho nhau. Cậu học sinh nghịch ngợm luôn trêu chọc cô giáo tên Duy.

Khi bước vào lớp, tôi đã đưa ra một câu hỏi dễ và gọi Duy lên bảng trả lời. Khi cậu trả lời đúng, tôi cho học trò 10 điểm. Tôi đã ghi con số ấy lên góc bảng và nói:

“Em trả lời rất đúng và cô cho em điểm 10. Nhưng mỗi hành động của em gây ảnh hưởng đến tiết học, cô sẽ trừ đi. Rất có thể, điểm số ấy sẽ trở về con số 0”.

Với một học sinh cá biệt, việc được điểm 10 là điều vô cùng quý. Và, trong tiết học hôm đó Duy đã ngồi rất ngoan.

Tôi cho rằng, bản thân mỗi học sinh đều có một cá tính riêng. Với mỗi cá tính ấy, giáo viên cần phải tìm ra cách thức riêng để “điều trị”. Cách tôi áp dụng với Duy khi ấy chỉ là phương pháp xử lý tức thời. Để giáo dục lâu dài, giáo viên cần phải có phương pháp bền bỉ hơn.

Bản thân Duy vốn là cậu học trò ngỗ ngược và cực kỳ "cá biệt". Cộng với việc không có kiến thức trong đầu nên mỗi lần đến lớp, em đều tỏ ra nghịch ngợm và phá phách.

Có lần, em mang theo một con gà con tới lớp. Tôi đã tiến tới nơi có tiếng gà kêu và đập bàn hỏi: “Vì sao em lại mang gà đến lớp”. Có lẽ do tôi đã quá gay gắt nên em đã ôm gà bỏ ra ngoài. Trưa hôm đó, tôi đã phải bỏ lớp đi tìm học trò. Phải mất cả buổi trưa tôi mới tìm ra em trốn ở dưới một chiếc cống ngay sát trường.

Phụ huynh của Duy đã đến gặp tôi và nói “nhờ cô giáo giúp đỡ” trong nước mắt. Nhưng trong tình huống này, tôi đã khuyên chị “cả phụ huynh và cô giáo phải cùng vào cuộc”.

Bạn bè trong lớp khi ấy đều coi Duy là thành phần bất hảo và không ai muốn chơi cùng.

Nếu tôi chỉ cố khiến em tiến bộ trong học tập thì đó là một điều không tưởng. Do vậy, tôi đã tổ chức các buổi thi đấu đá bóng vào cuối mỗi giờ học.

Mặc dù Duy học kém nhưng em lại đá bóng rất giỏi. Bất kỳ vị trí nào trong sân em đều chơi rất tốt. Từ đó, Duy nâng tầm được vị trí bản thân với các bạn trong lớp. Các bạn dần lấy lại thiện cảm với em. Khi ấy, tôi đã nhờ học sinh học tốt nhất trong lớp kèm cặp giúp Duy học tốt hơn. Nhờ vậy, từ một học sinh yếu em trở thành học sinh trung bình và đã được tốt nghiệp.

Vào ngày cuối năm học, phụ huynh của em đã đến cảm ơn tôi vì tất cả. Hiện cậu học trò này vẫn liên lạc thường xuyên với các thầy cô trong trường.

Tôi luôn cho rằng cảm hóa con người phải từ trái tim đến trái tim. Do vậy, giáo viên phải mềm mỏng, tâm sự, thậm chí có thể đặt câu hỏi: “Nếu em ở vị trí của cô, em sẽ làm thế nào”. Học trò khi ấy sẽ nói ra những gì các em nghĩ. Lúc đó, giáo viên mới tìm ra cách thức xử lý của riêng mình.

Tôi cũng cho rằng, việc sử dụng đòn roi không phải là cách thầy cô dạy dỗ mà là đang trừng phạt học trò. Sẽ rất phản giáo dục nếu giáo viên liên tục sử dụng đến thước và những cái tát.

Nó không đem lại bất kỳ tác dụng gì đối với những học sinh có biểu hiện đạo đức không tốt. Thậm chí, điều đó có thể gây ra tác dụng “ngược” là tạo cho học sinh thái độ thù địch, căm ghét trường học và mất đi sự tự tin vào bản thân.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn