• Zalo

Cầu đường sắt vượt sông Hồng sẽ đặt ở đâu?

Thời sựThứ Ba, 28/10/2014 03:25:00 +07:00Google News

(VTC News) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đề ra 7 nguyên tắc cần đảm bảo khi lựa chọn vị trí xây dựng cầu đường sắt đô thị vượt sông Hồng.

(VTC News) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đề ra 7 nguyên tắc cần đảm bảo khi lựa chọn vị trí xây dựng cầu đường sắt đô thị vượt sông Hồng.

Ngày 28/10, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến các bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học về phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi).
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chủ trì hội thảo đã khẳng định, việc xây cầu đường sắt đô thị vượt sông Hồng phải đảm bảo 7 yêu cầu.

Cụ thể, thứ nhất phải hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, đạt được sự đồng thuận cao của nhân dân khi lựa chọn vị trí xây dựng. "Đây là việc làm hết sức khó khăn, cần có sự nghiên cứu kĩ càng, lấy ý kiến nhiều đơn vị, ban ngành, người dân để có phương án lựa chọn hợp lý nhất", Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu vị trí được lựa chọn để xây cầu đường sắt vượt sông Hồng phải đảm bảo 7 yếu tố (Ảnh: Minh Chiến)

Thứ hai, việc xây dựng công trình mới phải giữ nguyên cầu Long Biên như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và giữ nguyên cảnh quan khu phố cổ.
Yêu cầu thứ ba, ông Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo cần hạn chế tối đa công tác giải phóng mặt bằng. "Không thể nói giải phóng mặt bằng là làm được ngay. 
"Không phải cứ tính toán đất đai, tài sản, kinh phí đền bù rồi trao cho người dân là được, cần có sự đồng thuận, phải tính đến cuộc sống của những hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng để có phương án tốt" Chủ tịch thành phố chỉ đạo.
Thứ tư, việc xây dựng cầu đường sắt đô thị vượt sông Hồng cần thuận tiện kết nối giao thông công cộng. Theo ông Thảo, đây là công trình đường sắt đô thị, nên phải đặt mục tiêu phục vụ giao thông đô thị, đi lại của người dân lên hàng đầu. Cho nên việc kết nối giao thông là hết sức quan trọng.
Thứ năm, phương án vị trí được lựa chọn để xây dựng cầu đường sắt vượt sông phải đảm bảo giao thông đường thủy, tính năng thông thuyền và thoát lũ trên sông Hồng.
Thứ sáu, Chủ tịch thành phố chỉ đạo phương án được lựa chọn phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật, phù hợp với yêu cầu và điều kiện hiện tại.
Cuối cùng, ông Nguyễn Thế Thảo đề cập đến hiệu quả kinh tế xã hội của dự án này.
Theo đó, phía đơn vị tư vấn thiết kế là Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải đưa ra ba phương án về vị trí xây dựng cầu đường sắt đô thị vượt sông Hồng.
Mô phỏng 3 phương án vị trí xây cầu đường sắt đô thị vượt sông Hồng của đơn vị tư vấn thiết kế (Ảnh: Minh Chiến) 

Phương án thứ nhất, vị trí cầu vượt cách cầu Long Biên 30 mét về phía Thượng Lưu. Phương án này đã được kiến nghị trong dự án "Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) đã được Bộ GTVT phê duyệt ngày 31/10/2008.
Tuy nhiên, vị trí cầu đường sắt nằm trong vùng 1, ngay sát cầu Long Biên nên kiến trúc phải nghiên cứu kĩ để không ảnh hưởng đến cảnh quan và việc bảo tồn cầu Long Biên. Về việc giải phóng mặt bằng, phía đơn vị tư vấn cho rằng, phương án này đi thẳng vào khu vực có đông dân cư, đặc biệt số lượng nhà dân khu phố Cổ phải giải phóng mặt bằng là lớn nhất trong 3 phương án.
Phương án thứ 2, vị trí cầu đường sắt đô thị vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 186 mét về phía thượng lưu. Phương án này nằm trong Đề án quy hoạch thủ đô Hà Nội tới năm 2030 tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26/7/2011.
Đối với việc ảnh hưởng đến cầu Long Biên, phương án này cách xa cầu Long Biên 186 mét, đủ xa để có thể nghiên cứu về kiến trúc tạo điểm nhấn cho toàn khu vực mà không chịu tác động từ kiến trúc cầu Long Biên.
Phương án thứ 3, cầu đường sắt đô thị vượt sông Hồng cách cầu Long Biên 75 mét về phía thượng lưu. Theo đơn vị tư vấn, cầu cách cầu Long Biên 75 mét đủ xa để giảm bớt ảnh hưởng kiến trúc từ cầu Long Biên cũng như không bị vướng mắc trong thi công do 2 cầu cạnh nhau.

Minh Chiến
Bình luận
vtcnews.vn