Video: Ý nghĩa những phong tục ngày Tết Việt
Nguồn gốc tục treo câu đối đỏ ngày Tết
Tương truyền, vào một năm, sắp tới giao thừa, vua Lê Thánh Tông dạo phố phường xem dân ăn Tết. Thấy một nhà không treo câu đối, vua vào hỏi, biết đó là nhà một người thợ nhuộm vợ góa, con trai đi vắng, vua sai lấy giấy bút đến và viết: Thiên hạ thanh hoàng giai ngã thủ; Triều đình chu tử tổng ngõ gia (Xanh vàng thiên hạ đều tay tớ; Đỏ tía triều đình tự cửa ta).
Tuy xuất hiện từ thời Ngũ đại nhưng phải đến đời Đường mới hình thành tục treo câu đối tết, nhưng vẫn chưa thật phát triển. Nhiều gia đình muốn có câu đối để treo nhưng không biết làm mà cũng chưa có tục viết và bán câu đối ngoài chợ.
Truyện dân gian còn kể rằng: một nhà nọ muốn có câu đối treo Tết nên lúc trang trí nhà cửa chuẩn bị đón xuân, gia chủ sửa sang cổng nhà thật đẹp, treo đèn lồng, làm hoa giấy sặc sỡ và dán ở hai bên cổng 2 băng giấy trắng, cạnh đó có một tờ giấy ghi lời mời: "Trân trọng đợi các văn nhân cho chữ". Một nhà nho là Lưu Vũ Tích đi qua cổng nhìn thấy, hiểu ý chủ nhà muốn xin câu đối Tết nhưng ông lại nghĩ ra cách đùa vui nên ông lấy bút và đề: "Lưỡng xứ mang mang giai bất kiến nhất chỉ không văn". (nghĩa là: Hai bên đều mờ mịt không hề nhìn thấy gì chỉ là tờ giấy trắng).
Tục lệ dán câu đối chỉ phát triển mạnh từ triều Minh. Nếu thiếu một đôi câu đối đỏ treo trong nhà thì ngày xuân chắc hẳn là chưa toàn vẹn. Đôi câu đối khiến người ta cảm thấy Tết cổ truyền trở nên thiêng liêng hơn, trang trọng hơn và đặc biệt hơn những ngày bình thường khác.
Câu đối Tết thường viết vào giấy màu đỏ vì màu đỏ tượng trưng cho sự đầm ấm, phù hợp với không khí thiêng liêng và có lẽ còn mang hàm ý của tục dùng màu đỏ để dọa giống quỷ có tên là Năm trong truyền thuyết. Ngoài ra, màu đỏ còn chống được hơi sương, khí ẩm của mùa đông buốt giá. Cũng có khi người ta dùng giấy vàng để viết nhưng ít hơn. Vì câu đối thường được viết bằng màu đen trên những tấm giấy đỏ hay hồng đào nên được gọi chung là câu đối đỏ.
Ý nghĩa của tục treo câu đối
"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Từ thuở xưa, ông cha ta đã xem câu đối Tết là một trong những biểu tượng báo hiệu xuân sang, một trong sáu thứ tiêu biểu nhất của ngày Tết theo phong tục cổ truyền của dân tộc.
Câu đối Tết không chỉ dùng để trang trí cho vui cửa vui nhà trong ba ngày Tết, mà thông qua đó người dân Việt còn gởi gắm bao điều chúc tụng, ước mong. Mong cho mưa thuận gió hòa, mong cho dân giàu nước mạnh và cầu mong một năm sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt.
Ngày Tết, bàn thờ gia tiên bao giờ cũng được trang hoàng rực rỡ. Ngoài những lễ vật hương hoa trà quả, thường phải có một vài câu đối đỏ, một mặt là để trang trí cho bàn thờ thêm đẹp, mặt khác thông qua câu đối người ta còn gởi gắm tấm lòng thành kính đến ông và tổ tiên, nguyện cầu nhận được sự phù hộ để con cháu dồi dào sức khỏe, làm ăn phát đạt, thăng quan tiến chức làm rạng rỡ tông môn: “Cây cỏ chào xuân cành lá thắm; Tổ tiên tích đức cháu con vinh”. Hoặc những câu có ý nghĩa giáo dục, mong ước cho con cháu luôn đoàn kết, tương thân tương trợ, kề vai sát cánh giúp đỡ lẫn nhau vượt mọi khó khăn để tạo dựng cuộc sống ngày càng phát triển và cùng đồng lòng tri ân tưởng nhớ cội nguồn.
Câu đối là một nét đẹp văn hóa của người Việt nó thể hiện tài trí thông minh, nhanh nhạy, thể hiện phong cách tài tử trong việc đối đáp ứng xử. Câu đối không dài, không nhiều chữ nghĩa như những bài văn bài thơ, tuy chỉ có hai vế nhưng nó vẫn thể hiện được những ý tưởng, quan điểm một cách rõ ràng, cô đọng và súc tích.
Câu đối ngày xưa, vốn được sử dụng trong nhiều dịp, nhiều hoàn cảnh và không gian văn hoá của người Việt như: Đối đáp, hỉ sự, trang trí, văn đàm, giáo huấn, thờ phụng, thể hiện tầm vóc trí tuệ gia chủ, thể hiện niềm tự hào về gia huy, hay thậm chí là món quà tao nhã và giá trị mà các bậc quân vương dùng để ban tặng hay bạn bè tri kỉ gửi đến nhau.
Ngày nay, câu đối đỏ treo trong nhà ngày Tết vẫn có chỗ đứng riêng biệt và mang một hình ảnh ấn tượng khó thay thế trong các gia đình lễ giáo gia phong Việt Nam từ xưa đến nay.
Cảnh vật ngày xuân muôn màu muôn vẻ, câu đối Tết cũng vậy, không chỉ lắm màu lắm vẻ bởi những nét bút như phượng múa rồng bay, mà bản thân câu đối chứa đựng nhiều ý nghĩa cát tường, đó là những lời cầu mong chúc tụng và đồng thời gửi gắm tâm tư, ước vọng của bao nhà, bao người trong những ngày thiêng liêng đầu năm mới. Cầu cho suốt năm sức khỏe dồi dào, tấn tài tấn lộc, mưa thuận gió hòa và quốc thái dân an.
Bình luận