Những giây phút bình yên bên con |
Sinh năm 1975, năm của dấu ấn lịch sử dân tộc, bên trong con người nhỏ bé ấy là nghị lực kiên cường, quyết tâm chiến đấu đến cùng để không đầu hàng số phận…
Ngồi trước mặt tôi là người đàn ông có đôi mắt to tròn và cái nhìn ẩn chứa nỗi buồn khó gọi thành tên. Anh chậm rãi đẩy về phía khách cốc trà rồi xếp gọn gàng những tập tài liệu sang bên cạnh. Mọi động tác đều vừa vặn và cẩn trọng.
Nếu không được người bạn giới thiệu trước, khó có thể hình dung anh đã sống và miệt mài với nghề y mà không nhìn thấy ánh sáng gần 4 năm nay. Một thoáng trầm tư hiện trên gương mặt khi anh nhớ về những khúc ngoặt dữ dội của cuộc đời…
Là một trong số không nhiều những sinh viên giỏi thi đỗ bác sĩ nội trú, Biên háo hức với từng buổi học tại bệnh viện để hoàn thành khóa học.
Rồi cũng đến ngày Biên chính thức trở thành bác sĩ nội trú của Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), nơi được đánh giá là cam go nhất bệnh viện trong cuộc đấu tranh giành mạng sống cho người bệnh.
Hơn 10 năm lăn lộn với nghề, hằng ngày điều trị cho những bệnh nhân mà sự sống và cái chết là lằn ranh mỏng manh đã trở thành động lực để anh tự nhủ mình cần nỗ lực hơn nữa.
Tại phòng làm việc |
Ngày nào không phải trực anh cũng có mặt tại khoa từ 7 giờ sáng và trở về nhà khi trời đã tối. 12 tiếng bên người bệnh mỗi ngày cho anh cảm thấy nơi làm việc như căn nhà ấm áp dẫu trong đó chứa đựng bao bất ngờ, bao buồn thương của những bệnh nhân nặng.
Biên bảo, ngày ấy nhắm mắt lại anh cũng có thể đi mà không nhầm từng căn buồng trong khoa Hồi sức tích cực. Chẳng ai ngờ, cái suy nghĩ ấy như lời nguyền đắng cay cho vị bác sĩ trẻ…
Vẫn tuần tự nếp sinh hoạt suốt bao năm, đến một ngày đột nhiên anh thấy mệt mỏi khác lạ. Tình trạng đó kéo dài vài ngày, linh cảm của một bác sĩ khiến anh bất an. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy tế bào máu giảm, phát hiện bạch cầu tăng.
Sốc, đó là cảm giác của người bác sĩ mới ngoài 30 tuổi khi phải đối mặt với căn bệnh ung thư máu hiếm gặp ở người trẻ tuổi. Lúc này, Việt Nam chưa có đủ điều kiện để ghép tủy chữa bệnh rối loạn sinh tủy của anh.
Bệnh tật, lo lắng khiến anh gầy rộc, cứ nghĩ về vợ và 2 con nhỏ sẽ ra sao khi mình chỉ còn thời hạn 6 tháng để đấu tranh với bệnh hiểm. Vậy nhưng, chưa một lần anh rơi lệ bởi, anh tự nhủ phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho người thân.
TS Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư khi ấy đã rốt ráo vận dụng các mối quan hệ quốc tế để tìm cơ hội chữa bệnh cho Biên. Rồi một ngày, các bác sĩ Viện Sức khỏe Hoa Kỳ hồi âm cho TS Khánh rằng họ sẽ đưa Biên vào danh sách bệnh nhân thử nghiệm phương pháp mới điều trị căn bệnh rối loạn sinh tủy. Khỏi phải nói anh và mọi người đã vui mừng thế nào. Nhưng làm sao để có tiền sang Mỹ dù được miễn phí tiền điều trị?
Đến giờ nhắc lại những ngày tháng đó anh vẫn không khỏi xúc động trước tấm chân tình của các đồng nghiệp khoa Hồi sức tích cực và Bệnh viện Bạch Mai. Vợ chồng anh bán hết nhà cửa cùng với tấm lòng các đồng nghiệp đã dành hết tiền thưởng cả năm làm việc vất vả cho anh. Số tiền ấy đã giúp anh có những tháng ngày tạm yên tâm điều trị ở nước Mỹ xa xôi…
Canh bạc cuộc đời
Anh chấp nhận tham gia vào điều trị bằng phương pháp mới chữa ung thư máu mà các đồng nghiệp Mỹ đang trong quá trình thử nghiệm. Anh gọi đó là “canh bạc cuộc đời”. Lúc này mới chỉ có khoảng 70 người áp dụng cách chữa bệnh mới này nên tác dụng phụ của nó rất mơ hồ với chính các chuyên gia ung thư của Mỹ.
Vượt qua mọi lo lắng, anh tự nhủ, nếu thành công thì Trời cho mình được sống, nếu thất bại cũng là cống hiến cho y học thế giới trong 1 thử nghiệm để tìm ra cách chữa bệnh rối loạn sinh tủy.
Cuối năm 2009, anh sang Mỹ để bắt đầu quá trình diệt tủy và điều trị hóa chất. Sau 2 lần diệt tủy, anh nhận tin sét đánh ngang tai, người cho tủy không đồng ý hiến tủy nữa. Lúc này đã diệt tủy nên anh phải điều trị tiếp 4-5 đợt hóa chất nữa, cơ thể rất yếu. May mắn thay đúng thời điểm đó có người đồng ý hiến tủy. Tuyệt vời sao người cho tủy và anh lại hòa hợp về nhiều chỉ số nên anh không phải dùng nhiều đợt điều trị hóa chất như dự tính ban đầu.
Tháng 6/2010 anh được ghép tủy từ người cho giấu danh tính mang quốc tịch Mỹ ấy. Sau một thời gian sinh tủy mới, anh thấy khỏe hơn. Nhưng sau 4 tháng anh thấy mắt bắt đầu có vấn đề, nhìn mọi thứ mờ dần.
Linh cảm về tác dụng phụ của phương pháp mới ập đến trong đầu anh, rồi anh cố gạt suy nghĩ tiêu cực đó đi để tiếp tục quá trình điều trị sau ghép tủy. Dần dần theo ngày tháng, hai mắt của anh cứ mờ đi.
Đến một ngày tháng 12, ánh sáng ban ngày vốn đã hẹp trong mắt anh chợt thu nhỏ lại và biến mất. Dù đã lường trước được thời khắc đen tối đó nhưng anh vẫn đau đớn vì biết từ nay trước mắt mình là hố đen thăm thẳm…
Nghị lực sắt đá
Trở về Việt Nam, anh bắt đầu làm quen với cuộc sống trong bóng tối. Những kinh nghiệm học được từ những người hỗ trợ bên Mỹ đã cho anh cách xác định phương hướng đi lại, sử dụng thang máy, đi taxi. Miệt mài và nhẫn nại, sau một thời gian anh có thể giúp vợ làm một số việc nhỏ trong gia đình.
Bác sĩ Ngô Minh Biên đang giảng bài cho sinh viên và bác sĩ định hướng |
Hồi phục sức khỏe, anh trở lại với công việc ở bệnh viện. Lãnh đạo thống nhất để anh làm công tác giảng dạy cho sinh viên, bác sĩ định hướng vì anh có kiến thức rộng và từng nhiều năm khám chữa bệnh. Ban đầu, cũng có người e ngại khả năng của anh. Nhưng thực tế đã chứng minh dù khó khăn đến mấy, anh vẫn vượt qua một cách kiên cường.
Anh tìm tòi mua được phần mềm đọc chữ để có thể giao tiếp với mọi người qua máy tính. Nhìn anh say sưa giảng bài cho những đồng nghiệp trẻ, truyền thụ cho họ những kinh nghiệm lâm sàng mà bản thân đã trải qua lại thấy ẩn chứa phía sau đôi mắt buồn vời vợi ấy là nghị lực phi thường.
Không phải không có lúc anh bi quan để rồi tâm sự với trưởng khoa rằng liệu mình có là người thừa ở nơi công việc nặng nề và áp lực nhất bệnh viện? Lời động viện và sự sẻ chia của mọi người như tiếp thêm nghị lực cho anh.
Trong một lần trò chuyện với tôi, PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) tâm sự: “Từ ngày bị ốm, Trời bù đắp cho cậu ấy khả năng nghe hiểu và trí nhớ rất tốt. Đó là một người sắc sảo. Trong hơn 1 năm ở Mỹ dù phải chữa bệnh Biên vẫn tìm đọc nhiều sách chuyên ngành với một đam mê kì lạ. Vừa là bệnh nhân, vừa là bác sĩ nên cậu ấy hiểu rất rõ về căn bệnh. Với vốn kiến thức rộng, trong những lần hội chẩn chung của khoa hay bệnh viện, Anh luôn đưa ra được những đánh giá xác đáng, thuyết phục”.
Trò chuyện cùng anh, tôi cảm nhận ở anh luôn cho người đối diện cảm giác, cuộc đời còn có bao điều tốt đẹp chờ đợi. Bản lĩnh thép, ý chí kiên cường, trí tuệ sắc sảo lan tỏa từ anh truyền cho mọi người niềm tin vào cuộc sống.
Theo Tiền Phong
Bình luận