• Zalo

Câu chuyện sống sót không tưởng của phi công sau 38 ngày máy bay bốc cháy

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 09/04/2021 12:13:52 +07:00Google News
(VTC News) -

Ý nghĩa được gặp lại gia đình khiến viên phi công cầm cự gần 40 ngày ở nơi rừng thiêng nước độc.

Antonio Sena, 36 tuổi được thuê để chở hàng từ thị trấn Alenquer bang Para, phía Bắc sông Amazon tới một mỏ vàng bất hợp pháp tại khu rừng rậm Amazon gọi là "California". 

Ở độ cao 1.000 m, động cơ của chiếc Cessna 210 Sena điều khiển bất ngờ gặp sự cố. Sena biết mình không còn nhiều thời gian. 

Anh cố lái chiếc máy bay ra khỏi thung lũng và tìm nơi hạ cánh tốt nhất có thể. 

Sena chộp lấy bất cứ thứ gì anh cho là hữu ích - một chiếc ba lô, ba chai nước, bốn chai nước ngọt, một túi bánh mì, một ít dây thừng, một bộ dụng cụ khẩn cấp, một chiếc đèn và hai chiếc bật lửa và nhảy ra khỏi chiếc máy bay.

Không lâu sau, chiếc phi cơ phát nổ. 

Câu chuyện sống sót không tưởng của phi công sau 38 ngày máy bay bốc cháy - 1

Antonio Sena. (Ảnh: g1.globo)

Năm ngày đầu tiên, Sena nghe thấy tiếng máy bay trên đầu. Anh biết các nhóm cứu hộ đang tìm kiếm mình. Nhưng cây cối quá rậm rạp khiến lực lượng cứu hộ không thể quan sát thấy Sena.

Sau một hồi quần thảo cánh rừng, những chiếc máy bay rời đi. Có vẻ nhóm cứu hộ cho rằng Sena đã chết. 

"Tôi đã rất tuyệt vọng. Tôi từng nghĩ mình không thể vượt qua và mình sẽ chết", anh nói. 

Báo đốm, cá sấu, trăn rừng

Những gì song hành cùng Sena trong hơn một tháng sống cô độc ở rừng rậm là khóa học sinh tồn mà anh từng tham gia. Sena nhờ ánh nắng Mặt trời để xác định hướng đi.

Khó khăn lớn nhất với Sena là có nước nhưng không có thức ăn. Anh cũng thường xuyên bị lũ báo đốm, cá sấu, trăn rừng rình rập. 

Để duy trì năng lượng, Sena ăn trái cây mà lũ khỉ ăn qua. Anh may mắn tìm thấy ba quả trứng chim tinamou - loại protein duy nhất trong toàn bộ hành trình sinh tồn gần 40 ngày. 

Video: Đội cứu hộ giải cứu Antonio Sena

“Tôi chưa bao giờ thấy một khu rừng nhiệt đới nào hoang sơ như vậy. Tôi phát hiện ra Amazon không phải là một khu rừng nhiệt đới, nó giống như bốn hoặc năm khu rừng trong một khu rừng lớn", Sena chia sẻ. 

Ý nghĩa trở về để gặp lại bố mẹ và anh chị em thôi thúc Sena tiếp tục cầm cự. 

Sena sinh ra ở Santarem, một thành phố nhỏ ở ngã ba sông Amazon giao cắt với sông Tapajos. 

Anh tự gọi mình là "người Amazon" bản địa và là đặc biệt yêu thích rừng nhiệt đới. Tại quê nhà, Sena mở một cửa hàng nhỏ. 

Nhưng đại dịch khiến anh phải đóng cửa cửa hàng và tìm kiếm công việc khác - nhận chở hàng tới mỏ vàng bất hợp pháp. Các hoạt động khai thác mỏ bất hợp pháp gây ra nạn phá rừng, làm ô nhiễm sông ngòi, đe dọa cuộc sống của hàng trăm cộng đồng bản địa. 

"Tôi không bao giờ muốn làm việc cho một mỏ khai thác bất hợp pháp", Sena nói. Nhưng việc mưu sinh khiến viên phi công phải "nhắm mắt đưa chân".

Được cứu sống

Tổng cộng, Sena đi bộ 28km. 

Vào ngày thứ 35, lần đầu tiên anh nghe thấy âm thanh của một chiếc cưa máy. 

Câu chuyện sống sót không tưởng của phi công sau 38 ngày máy bay bốc cháy - 2

Antonio Sena hạnh phúc khi đoàn tụ cùng gia đình. (Ảnh: IBT Times)

Sena vội vã đi về hướng đó, cuối cùng anh tới một lán trại của những người hái hạt dẻ ở Brazil.

Một số người trong lán trại giúp Sena liên hệ với mẹ và nói với bà anh vẫn còn sống. 

Được cứu sống bởi những người sống gắn bó với thiên nhiên, Sena nói anh cảm thấy tội lỗi khi tiếp tay cho việc phá hủy những cánh rừng. 

"Tôi sẽ không bao giờ bay cho những kẻ khai thác bất hợp pháp nữa", anh chia sẻ. 

Song Hy(Nguồn: AFP)
Bình luận
vtcnews.vn