Và chính nhờ tham vọng học hỏi đó để lần đầu tiên, một giáo viên cấp 2 trường huyện tại Nghệ An, xuất sắc vượt qua hàng trăm ứng viên trẻ tuổi, năng động khác, trở thành 1 trong 16 người giành được học bổng thạc sĩ Fulbright năm 2018.
Vui mừng muốn khóc
“Đó là cảm xúc của tôi sau hơn 1 năm chờ đợi và nhận được thư thông báo của Quỹ học bổng Fulbright, quyết định đưa tôi thành ứng viên chính thức, cấp học bổng chương trình thạc sĩ tiếng Anh”, Đặng Quang Tám (SN 1980, GV Trường THCS Lý Nhật Quang, huyện Đô Lương, Nghệ An) chia sẻ.
Dù đã cố gắng, nỗ lực rất nhiều trước đó, nhưng kết quả này vẫn khiến “thầy giáo làng” choáng ngợp, bất ngờ, vỡ òa hạnh phúc. Bởi trước đó, khi vượt qua 2 vòng phỏng vấn, Đặng Quang Tám đang là ứng viên dự bị thứ 2. Nếu đủ kinh phí, và trong quá trình xem xét, lựa chọn, nếu phù hợp, Fulbright sẽ đưa ứng viên dự bị lên chính thức và cấp học bổng.
Trong thời gian chờ đợi khoảng 1 năm, thầy cũng đã tìm kiếm, phỏng vấn và giành được học bổng chương trình trợ giảng 9 tháng ở Mỹ. “Lúc đó, tôi đứng trước sự lựa chọn rất khó khăn: Đồng ý theo chương trình trợ giảng, mình đã chắc chắn có học bổng, hoặc là tiếp tục chờ đợi thông báo phía quỹ học bổng Fulbright dù rằng cơ hội của mình chỉ là 50 - 50.
Cuối cùng tôi quyết định từ bỏ chương trình trợ giảng, bởi tôi muốn học một chương trình đào tạo bài bản. Chờ đến đầu tháng 5 này, tôi đã hết hi vọng, nghĩ mình không được trở thành ứng viên chính thức nữa, nên làm hồ sơ cho năm sau, chuẩn bị tìm kiếm một cơ hội mới.
Nhưng thật bất ngờ, hồ sơ vừa nộp được 2 ngày thì tôi nhận được mail thông báo của Fulbright!
Nỗ lực của một thầy giáo làng
Thầy Tám hiện đang là giáo viên dạy tiếng Anh tại trường THPT Lý Nhật Quang, huyện Đô Lương, Nghệ An. Thật bất ngờ khi biết được xuất phát điểm đối với tiếng Anh của thầy giáo trẻ rất muộn.
Sinh ra trong gia đình nghèo khó, các anh chị lần lượt bỏ học, Tám cố gắng lên cấp 3, đậu vào Trường THPT Đô Lương 2. Khi ấy, Đặng Quang Tám mới được học tiếng Anh. Nhưng đến giữa năm lớp 12 thì việc học gián đoạn do giáo viên tiếng Anh của trường xin nghỉ. Tám vẫn tiếp tục tự học và cuối năm học đó, làm cả gia đình, bạn bè hết sức kinh ngạc khi đăng ký thi ngành Sư phạm Tiếng Anh (CĐSP Nghệ An) và trúng tuyển.
Tốt nghiệp ra trường, Đặng Quang Tám được phân công dạy học tại Trường THCS Giang Sơn - một trong những ngôi trường miền núi, khó khăn nhất huyện Đô Lương bấy giờ.
Đó là khoảng thời gian khó khăn, nhưng rất đáng nhớ và giúp thầy giáo trẻ trưởng thành rất nhiều. Giang Sơn không khác với quê thầy là mấy thủa còn đi học. Những đứa trẻ lam lũ. Tiếng Anh mới được du nhập về ngôi trường miền núi này. Học sinh lạ lẫm, phụ huynh cũng chưa nhận thức được ý nghĩa, vai trò của ngoại ngữ. Nhưng cũng chính vì thế mà thầy Tám đồng cảm, thấu hiểu học trò. Cùng với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ để đem kiến thức, kỹ năng dạy cho các em.
4 năm sau khi vào trường, lứa học trò thầy của Tám đã làm nên kỳ tích khi lần đầu tiên, Trường THCS Giang Sơn có một học trò đạt giải Ba học sinh giỏi tỉnh môn Tiếng Anh.
Thầy Tám cũng được chọn tham dự cuộc thi giáo viên giỏi tỉnh và đã xuất sắc đạt điểm cao thứ 2, dù so với nhiều đồng nghiệp, tuổi nghề của thầy non hơn và ít kinh nghiệm hơn.
Sau đó, thầy Đặng Quang Tám được Phòng GD&ĐT điều về Trường THCS Lý Nhật Quang - ngôi trường chất lượng cao của huyện nhà. Và hơn 10 năm tại ngôi trường này, ngoài thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh, Đặng Quang Tám có sáng kiến kinh nghiệm bậc 4 cấp tỉnh, và được Sở GD&ĐT vinh danh là Giáo viên tiêu biểu giai đoạn 2008 – 2012, và cũng là giáo viên chủ nhiệm được nhiều thế hệ học trò yêu mến, kính trọng.
10 năm sau, tôi vẫn là một giáo viên
Khi được hỏi lý do nào để một giáo viên đã có kha khá thành tích trong tay, có uy tín, nằm đội ngũ cốt cán của ngành giáo dục huyện Đô Lương và tỉnh Nghệ An, ở độ tuổi gần 40 vẫn cố gắng tìm kiếm học bổng đi nước ngoài học tập. Thầy Tám cười và nói đó cũng là điều mà tôi đã trả lời 3 vị giám khảo trong dịp phỏng vấn. Họ hỏi tôi tại sao Fulbright nên cấp học bổng cho bạn? Tôi trả lời họ: Tôi thấy hiếm có người nào ở độ tuổi như tôi lại có tham vọng học hành như thế.
Tự nhận là người ham học và thực tế thầy đã âm thầm thực hiện sự học bền bỉ không ngừng của mình. Kể từ khi tốt nghiệp CĐSP năm 2002. thầy Tám đã học thêm bằng đại học tại chức, thi các chứng chỉ tiếng Anh. Tham gia các hội thảo về tiếng Anh của các tổ chức, trung tâm ngoại ngữ… Nhằm nâng cao kỹ năng phương pháp giảng dạy, giáo dục, thiết kế bài giảng tiếng Anh.
Xã hội thay đổi, học sinh ngày càng giỏi hơn, năng động hơn. Tài liệu, sách vở bây giờ không khan hiếm như xưa mà có cả một thế giới ở trên mạng Internet, các em có thể tìm kiếm, sử dụng bất cứ lúc nào. Vậy vai trò của người thầy lúc này phải như thế nào? Có phải chỉ là người truyền thụ kiến thức không?
“Tôi nghĩ rằng, sau một thời gian đi làm, mình cũng cần có một quãng dừng lại để học tập. Không thể dùng kiến thức, phương pháp cũ được đào tạo hàng chục năm trước để áp dụng cho học sinh bây giờ”, thầy Tám nói
Trong lần phỏng vấn học bổng Fulbright, thầy Đặng Quang Tám cũng chia sẻ thực lòng: Tôi học, không phải chỉ cho riêng mình, mà còn cho cộng đồng. Tôi là một giáo viên, sau này trở về, tôi sẽ đem những kiến thức, kỹ năng mình học được ở một môi trường có nền giáo dục hiện đại bậc nhất thế giới để chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp, với học sinh. Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học tiếng Anh ở Nghệ An.
“Tôi cũng nói với họ rằng, sau khi học xong, có thể tôi sẽ có cơ hội ở nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhưng ở những nơi đó, có rất nhiều người tài giỏi, và cũng có nhiều cựu Fulbrighter khác. Tỉnh Nghệ An cần những người như tôi hơn là ở những thành phố đó.
10 năm sau, tôi vẫn sẽ là một giáo viên, một chuyên viên, đóng góp cho ngành giáo dục tỉnh nhà, cho việc nâng cao đội ngũ cán bộ giáo viên tiếng Anh”.
Theo thầy Tám, việc mình phỏng vấn xin học bổng, không đặt ra quá nhiều kỳ vọng, mà muốn test thử bản thân mình có trình độ đến đâu so với xã hội. Đồng thời, muốn tạo động lực, truyền cảm hứng cho nhiều giáo viên tiếng Anh khác ở Nghệ An.
Cùng với việc nhận học bổng Fulbright, Đặng Quang Tám được 3 trường ĐH ở Mỹ đồng ý nhận đào tạo là Trường Central Michigan University, Minnesota State University và Saint Michael’s College.
“Tôi quyết định chọn trường Saint Michael’s College, đây là trường có lịch sử hơn 100 năm và có bề dày đạo tạo chuyên ngành ngành Matesol - thạc sỹ giảng dạy tiếng Anh. Trong 2 năm tới, tôi sẽ nỗ lực vượt qua những khó khăn, khác biệt về môi trường… để học tập. Đồng thời là “một đại sứ văn hóa” để giới thiệu hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra thế giới”, thầy Tám chia sẻ.
Video: Giáo viên xếp hàng che ô cho học sinh vào lớp khỏi ướt mưa
Bình luận