• Zalo

Câu chuyện cảm động về điều dưỡng cứu sống bệnh nhi sởi

Sức khỏeThứ Hai, 12/05/2014 07:27:00 +07:00Google News

(VTC News) – Khi bệnh nhi sởi bị tai biến, 99% cái chết cận kề, nữ điều dưỡng không ngần ngại dùng miệng hút đờm từ mũi bệnh nhi để cháu bé thở lại.

(VTC News) – Khi cháu bé 9 tuổi mắc bệnh sởi biến chứng, 99% cái chết cận kề nhưng máy hút đờm vẫn chưa đến kịp, vượt qua mọi lo ngại về lây nhiễm đến bản thân, nữ điều dưỡng viên vội dùng miệng hút đờm từ mũi bệnh nhân để cứu nguy.

Đó là hành động của điều dưỡng viên Phạm Thị Hạnh, khoa Truyền nhiễm, BVĐK Đống Đa mà mỗi khi nhắc đến, mỗi bệnh nhân hay các bác sỹ, nhân viên y tế đều không khỏi xúc động và cảm phục.

Gia đình bệnh nhân thì coi đó là ơn huệ không biết lấy gì để báo đáp nhưng người điều dưỡng viên ấy thì chỉ nghĩ rằng “đó là điều bình thường và bất kỳ ai cũng có thể làm được khi thấy sự sống của người khác bị lung lay”.


Vui mừng, phấn khởi vì con gái 9 tháng tuổi của mình vừa qua cơn nguy kịch trong dịch sởi, chị Đào Băng Chung (số 168 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) cho biết, chiều 18/4, cháu Mai Hà Vy trở nên nguy kịch vì bệnh sởi, buộc phải chuyển xuống cấp cứu tại BVĐK Đống Đa. Sau khi tiêm kháng sinh, cháu bé có dấu hiệu hồi phục và chơi bình thường nhưng bất ngờ có các triệu chứng nguy kịch như sốt cao, toàn thân lạnh và tím.

“Đến khoảng 18h30’, người cháu lạnh và run run, cảm giác như không còn sức nữa khiến tôi vô cùng hoảng hốt. Ngay sau đó, các bác sỹ và nhân viên y tế tập trung đến làm các biện pháp cấp cứu khẩn trương.

Trong lúc nguy kịch đó, cô điều dưỡng viên Phạm Thị Hạnh đã không ngần ngại, cởi khẩu trang chống lây nhiễm, đến gần cháu và dùng miệng hút đờm, hút mũi để con tôi dễ thở.


bệnh nhân, nguy kịch, điều dưỡng viên, dịch sởi, phòng chống, Bệnh viện, Đống Đa
Điều dưỡng Phạm Thị Hạnh đang chăm sóc một bệnh nhi sởi tại BVĐK Đống Đa. 

Và như một điều kỳ diệu, con tôi dần qua cơn nguy kịch, cháu thở đều và chỉ hai ngày sau được xuất viện. Hiện giờ cháu đã khỏe mạnh bình thường. Tôi và gia đình rất cảm động và biết hơn hành động cứu người của điều dưỡng viên Hạnh cũng như tập thể bác sỹ, nhân viên y tế BVĐK Đống Đa”.

Trò chuyện với phóng viên, điều dưỡng viên Phạm Thị Hạnh chia sẻ rằng, cứu được cháu bé khiến chị rất vui mừng và hạnh phúc nhưng “đó chỉ là hành động bình thường mà ai cũng có thể làm được khi thấy tính mạng của người khác bị đe dọa”.

Chị Hạnh cho biết, lúc 18h30’ ngày 18/4, chị nhận được thông tin về tình trạng nguy kịch của cháu Mai Hà Vy và vội vàng đến hỗ trợ cấp cứu.

“Thấy cháy bé, tôi đã nghĩ rằng cháu không thể qua khỏi bởi cháu đã  tím tái, sùi bọt mép, mắt mũi trợn lên. Nhiều người trực tiếp cấp cứu nhưng phải đợi máy hút đờm dãi khởi động. Sợ không kịp cứu cháu, tôi vội bỏ khẩu trang ra, dùng miệng hút dịch đờm trong mũi của cháu bé ra để cháu thở được, và vượt qua cơn nguy kịch. Một tiếng sau đó thì cháu đã hồi phục” – Chị Hạnh vui mừng.

Suốt 12 năm công tác trong ngành y tế, trực tiếp là người chăm sóc người bệnh truyền nhiễm như bệnh nhân tả, chân - tay - miệng, HIV… người điều dưỡng viên khẳng định “chưa chứng kiến dịch sởi nào khủng khiếp như dịch sởi năm nay”.

Bởi theo lời chị các bệnh nhân sởi năm nay đều là các bệnh nhi, các cháu còn rất nhỏ, có những cháu mới được mấy tháng tuổi chưa biết nói, khi bị cơn sởi giày vò các cháu chỉ biết khóc lên trong đau đớn.

Mặt khác, sởi có diễn biến bất ngờ, nhiều cháu đang chơi ngoan thì bỗng lên cơn co giật, tím tái… Trong khi đó, việc chăm sóc các bệnh nhân nhi gặp phải nhiều khó khăn về kinh nghiệm, thiết bị y tế.


bệnh nhân, nguy kịch, điều dưỡng viên, dịch sởi, phòng chống, Bệnh viện, Đống Đa
Công tác phòng chống sởi ở BVĐK Đống Đa được thực hiện khẩn trương.

“Người lớn mắc bệnh họ nói được chỗ đau, sự khó chịu trong người của mình để các bác sĩ biết hướng điều trị. Còn các bệnh nhi chỉ biết quằn quại, khóc lóc, mắt mũi kèm nhèm, họng ngứa ho mất hết tiếng, da mẩn đầy mụn đỏ rất đáng thương. Mỗi lần chứng kiến các cháu như vậy mình xót lắm!” – Chị Hạnh tâm sự và nói rằng, bản thân mình cũng là một người mẹ nên chị luôn coi các bệnh nhi như con mình.

TS Lê Hưng - Giám đốc BVĐK Đống Đa cho rằng, ông rất khâm phục và xúc động trước hành động cứu bệnh nhân trong lúc nguy kịch của điều dưỡng viên Phạm Thị Hạnh.

“Trong trường hợp đó, nếu điều dưỡng viên chỉ đứng chờ máy hút đờm rồi mới thực hiện cấp cứu rồi sau đó cháu bé có xảy ra hậu quả gì thì cũng không thể trách, bởi chị ấy đã thực hiện đúng vai trò. Tuy nhiên, trước sự nguy kịch của người khác, chị ấy đã không suy nghĩ đến bản thân mình để hành động cứu người một cách vô tư, điều đó thật đáng khâm phục” – TS Hưng nói.

Cũng theo TS Lê Hưng, từ đầu năm 2014, qua công tác nắm tình hình dịch bệnh và chỉ đạo của cấp trên, BVĐK Đống Đa đã lập kế hoạch phòng chống. Đối với bệnh sởi, BVĐK Đống Đa đã huy động nhân lực, lập phòng khám, khu cách ly, máy móc thiết bị… để thực hiện đón tiếp, cấp cứu và điều trị cho các bệnh nhân sởi một cách hiệu quả nhất.

Vào lúc cao điểm, bệnh viện chữa trị nội trú cho 103 bệnh nhân mỗi ngày nhưng số giường bệnh chỉ có 50 giường, các y bác sỹ ở đây đã phải nhường phòng trực, phòng làm việc của mình để bệnh nhân nghỉ.

Cũng trong thời gian này, các bác sỹ, nhân viên y tế của Khoa Truyền nhiễm được huy động tối đa, nhiều người đang đi học cũng xin về để chống sởi cùng đồng nghiệp. Trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 nhiều bác sỹ đã hủy kế hoạch đi nghỉ lễ cùng gia đình để ở lại bệnh viện điều trị cho bệnh nhân và chống dịch sởi bùng phát trở lại.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 477 trường hợp nhiễm sởi đã được điều trị nội trú; 925 trường hợp nhiễm sởi, phát ban nghi sởi được điều trị ngoại trú tại BVĐK Đống Đa. Đặc biệt, bệnh viện đã làm tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và không để trường hợp nào xảy ra tai biến.


Nguyễn Dũng – Ngọc Hà

Bình luận
vtcnews.vn